Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.010.498
Truy cập hiện tại 5.686 khách
'Nhà ngập, mẹ nằm viện, đến phút sau cùng anh ấy vẫn vì dân'
Ngày cập nhật 16/10/2020

TTO - Từ khi lũ dâng, ông Nguyễn Văn Bình - chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế - chỉ lo cho dân, dù mẹ già nằm viện, lũ ngập nhà cả mét. Ông đã nằm lại ở trạm bảo vệ rừng 67 trong lúc vào thủy điện Rào Trăng 3 cứu người.

 

Ông Bình (giữa) cùng báo Tuổi Trẻ đi trao quà cho người dân vùng rốn lũ Phong Hòa, Phong Bình. Hình ảnh cuối cùng của ông xuất hiện trên số báo Tuổi Trẻ ra ngày 13-10, đúng ngày ông và 12 thành viên đoàn công tác gặp nạn ở trạm bảo vệ rừng 67 - Ảnh: T.T

Tối 15-10, phóng viên Tuổi Trẻ đến nhà ông Bình (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Hàng xóm, người thân, bạn bè, đồng nghiệp ông đến rất đông. Những khuôn mặt nặng nề, những tiếng thở dài và nước mắt hòa thành nỗi đau.

Mẹ nằm viện, nhà ngập lụt vẫn gác lại vì dân

Huế đã tạnh mưa, lũ rút dần nhưng dòng sông Bồ trước mặt nhà ông Bình vẫn ngầu đục. Bùn lầy vẫn ngập các lối đi vào nhà ông. Đầu làng, cuối xóm những chiếc cào, xẻng để la liệt, mọi người tạm hoãn chuyện dọn đường để đến nhà ông Bình.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ của ông Bình, dấu tích của trận lũ vẫn in hằn với lằn nước ngang vách. Từ hôm biết tin, bà Ni (vợ ông Bình) và hai con quỵ ngã, mọi người cố động viên nhưng lời nói sao xóa được sự thật đau lòng. Căn nhà đầy bùn đất được người thân, xóm làng dọn giúp. Mỗi người một tay, chuẩn bị đón ông về nhà.

Ông Bình (trái) cùng báo Tuổi Trẻ đi trao quà cho người dân vùng rốn lũ Phong Hòa, Phong Bình sáng 12-10, ngay chiều đó ông lên đường đi cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Ông Hoàng Tiến (hàng xóm) kể về ông Bình mà đôi mắt rưng rưng. Những ngày lũ tràn sông Bồ vào làng, mẹ già lại đổ bệnh nhập viện, vậy mà ông Bình gác lại tất cả để dồn thời gian cứu trợ, cứu hộ người dân. 

"Nhà Bình cũng ngập cả mét chớ phải nơ. Vậy mà cứ đi lo cho dân. Hiền lành, trách nhiệm vậy mà ông trời không thương. Thiệt tội", ông Tiến nói.

Rồi ông Tiến nhớ lại trong mấy ngày lũ, bà Ni (vợ ông Bình) sáng lại mang đèn pin của hàng xóm đi sạc, chiều tối về đưa cho bà con thắp. Trong cuộc sống thường nhật, ông Bình luôn là người mở lời chào hỏi hàng xóm trước. 

"Tui nói chớ Bình chức tước cũng to, nhưng về xóm vô cùng thân tình. Chú đi hỏi 10 người thì 10 người khen tính của Bình", ông Tiến nói.

Bất kỳ ai hỏi, ông Tiến cũng kể về ông Bình, bởi ông Tiến hiểu, vĩnh viễn ông sẽ không còn gặp lại đứa cháu hàng xóm. Những lời ấy là gan ruột của tình người. Con gái ông Tiến nghe cha kể, lâu lâu lại chen ngang vài lời. Mà lời nào cũng xót xa: "Tưởng anh Bình đi chống lũ xong sẽ về, ai ngờ lại đi luôn vậy"...

Chống lũ cứu dân cho đến sau cùng

Chúng tôi đi dọc con đường, thấy những nhóm người tụ lại chuyện trò, câu chuyện của họ cũng chỉ nói về ông Bình. Nhóm các đồng nghiệp cứ kể về vị chủ tịch huyện trong những cuộc họp gần đây luôn thúc giục anh em rà soát toàn bộ điểm lũ, không để người dân thiếu thốn, những đội cứu hộ, cứu nạn trực 24/24h người dân cần là phải có mặt. 

"Anh Bình mới làm chủ tịch có hơn 1 tháng thôi, từ trước giờ anh làm việc gì cũng rất trách nhiệm, anh em học hỏi tính anh ấy rất nhiều", một cán bộ UBND huyện Phong Điền nói.

Dấu tích của trận lũ vẫn in hằn trong nhà của ông Bình, còn ông mãi không về - Ảnh: T.M.

Rồi họ kể sáng 12-10, mưa lớn, lũ chạm đỉnh lũ lịch sử năm 1999, ông Bình lên thuyền cùng báo Tuổi Trẻ vượt dòng sông dữ Ô Lâu vào rốn lũ Phong Hòa, Phong Bình hỗ trợ người dân. Đến trưa về đến trụ sở UBND huyện, nghe thông tin sạt lở núi rất lớn ở thủy điện Rào Trăng 3, ông Bình lập tức tổ chức cuộc họp. 

Đến 14h cùng ngày, khi đoàn công tác của Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đến UBND huyện, ông Bình lập tức lên xe tiến về phía núi.

Chẳng ai thể ngờ, đêm hôm ấy, một trận lở núi khác ở Trạm quản lý, bảo vệ rừng 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) đã vùi lấp 13 người trong đoàn cứu hộ, cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3. Ông Bình mãi nằm lại vì dân.

Trước khi hi sinh, ông Bình chỉ kịp mang mì tôm, sữa, nước uống đến cho dân. Còn gia đình mình, ông chưa kịp làm gì. 

Tận bây giờ, khi vợ và con đã vào Bệnh viện Quân y 268 để chuẩn bị làm lễ truy điệu và đón ông về nhà, gia đình vẫn chưa dám nói cho mẹ ông Bình biết sự thật này. Cho đến giờ, người mẹ cũng chỉ biết con mình đang "làm việc cho dân"...

Phóng viên hi sinh khi đi cứu nạn Rào Trăng 3: Hôm nay là ngày sinh nhật

Tối 15-10, cả cơ quan UBND Thừa Thiên Huế lặng đi trước thông tin đã tìm được thi thể của anh Phạm Văn Hướng (phóng viên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh) cùng 12 người khác gặp nạn tại Trạm 67 trong khi tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm cứu nạn.

Hôm 12-10, anh Hướng theo đoàn của Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 đi thị sát vùng lũ ở Huế. Tầm trưa, anh cùng tham gia đoàn tìm kiếm cứu nạn đi về phía thủy điện Rào Trăng 3 sau khi nhận được thông tin sự cố sạt lở ở thủy điện này.

Tối hôm đó, anh Hướng ngủ lại cùng mọi người ở Trạm bảo vệ rừng 67 và gặp nạn. Một khối lớn bùn, đất, đá đã ập xuống hai gian phòng nơi các anh nghỉ đêm, san phẳng và vùi lấp mọi thứ.

"Anh hiền lắm, nói gì cũng cười. Gia cảnh lại tội, một mình nuôi 2 con" - một đồng nghiệp nghẹn nghào nói về anh Hướng.

Nhiều phóng viên thường trú ở Thừa Thiên Huế cũng vô cùng bất ngờ và càng buồn hơn khi biết ngày hôm nay là sinh nhật của anh Hướng. Anh sinh ngày 15-10-1968, hôm nay anh tròn 52 tuổi. (NHẬT LINH)

TRẦN MAI - PHƯỚC TUẦN

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày