Việc nhiều
Sáng thứ bảy, gặp anh Trần Văn Hùng, CB địa chính - xây dựng phường 12, quận 3 TPHCM đang giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, tôi hỏi, anh cho biết: “Lĩnh vực của tôi là tham mưu cấp giấy chủ quyền nhà đất, số nhà, cấp giấy phép lề đường, nhập khẩu… Từ khi phường thực hiện liên thông, hồ sơ của người dân chỉ cần nộp và lấy tại một nơi thì công việc CB phường làm không ngơi tay.
Ở quận đã có các phòng ban chuyên môn thụ lý từng lĩnh vực cụ thể, còn ở phường thì chúng tôi phải chia nhau gánh hết các lĩnh vực. Chị Thu Huyền, CB phụ trách mảng tư pháp của phường Tân Thới Hòa quận Tân Phú kể: “Hàng ngày phải làm đủ các việc như chứng di chúc, di sản, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền pháp luật, phối hợp thi hành án, rà soát văn bản pháp luật, công tác hộ tịch, công tác xử lý văn bản… Công việc nhiều, ở lại cơ quan muộn quen rồi nên hôm nào mà tranh thủ về nhà sớm, người nhà nhìn mình với ánh mắt… nghi ngờ!”.
Phường nội thành đã vậy, ở các xã ngoại thành, công việc của CB xã càng nhiều hơn. Anh Phạm Văn Tiền, phụ trách địa chính- xây dựng của xã Xuân Thới Sơn huyện Hóc Môn liệt kê đủ loại công việc phải làm: tham mưu cấp giấy chứng nhận QSHNƠ, QSDĐƠ, cấp số nhà, đăng ký hộ khẩu, KT3, xác nhận cấp phép xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng…
Đồng nghiệp anh Tiền là chị Phan Thị Ngọc Điệp, phụ trách mảng tư pháp - hộ tịch cũng liệt kê: công tác hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn), lĩnh vực tư pháp (tiếp nhận đơn tranh chấp, khiếu nại, tham dự hòa giải, đôn đốc thi hành án dưới 500.000 đồng); tham mưu thực hiện các thủ tục (chứng thực hợp đồng, di chúc, thừa kế, từ chối nhận di sản).
Chưa kể, hết giờ hành chính, chị còn phải làm nhiều việc khác như tuyên truyền luật, trợ giúp pháp lý miễn phí, giám sát giáo dục người hưởng án treo… ở địa phương. Ở huyện Củ Chi, ngoài những công việc như mọi nơi, nhưng do các xã nằm cách xa nhau và địa bàn huyện cũng trải rộng, nên khi thực hiện liên thông, CB xã còn phải mang hồ sơ thay dân chạy lên chạy xuống huyện, như một giao liên chuyên nghiệp. “Nhiều hôm hồ sơ nhiều, chạy mệt quá, về đến nhà tôi chỉ lăn đùng ra ngủ”, một CB phụ trách địa chính - xây dựng than.
Theo một thống kê sơ bộ của phường Bến Thành quận 1 thì phường phải đảm nhận tổng cộng 272 đầu việc/ngày. Trong đó, bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ: 27 đầu việc, bộ phận thống kê: 11 đầu việc, khối văn xã: 49 đầu việc...
Lương ít!
Đó cũng là “tiếng nói chung” của nhiều CB phường mà chúng tôi đã gặp. Sau 10 năm công tác, anh Trần Văn Hùng, công tác tại phường 12 quận 3 cho biết, hiện lương anh tổng cộng các khoản là 2,4 triệu đồng/tháng, tính luôn tiền hưởng được từ khoán kinh phí, biên chế (500.000 đồng) và tiền trợ cấp làm thêm công việc thu thuế đất cho phường (hơn 200.000 đồng/tháng). “Nhà ở quận 2 nên chuyện chi phí cho việc đi lại hàng ngày trong khi giá xăng cao, cũng đủ… đau đầu!”.
Chị Huyền ở phường Tân Thới Hòa quận Tân Phú cho biết, sau hơn 4 năm công tác, thu nhập của chị chỉ khoảng 1,1 triệu đồng/tháng. Hiện giờ vợ chồng chị vẫn sống chung với bố mẹ. Cũng như chị Huyền, chị Thảo, công tác trong MTTQ phường, 5 năm qua chị vẫn hưởng thu nhập tổng cộng khoảng 900.000 đồng/tháng. Chồng chị làm việc tại phường đội cũng hưởng mức thu nhập như vậy...
Ở ngoại thành, một CB theo dõi mảng lao động - thương binh và xã hội của xã Phước Lộc huyện Nhà Bè cho biết, thu nhập mỗi tháng tổng cộng khoảng 1 triệu đồng, trừ BHXH, BHYT, tiền công đoàn và các khoản xã hội khác thì thực lĩnh khoảng 900.000 đồng/tháng. Vợ anh này cũng công tác ở xã khác, mức thu nhập cũng khoảng 1,2 triệu đồng. Tổng thu nhập hàng tháng của hai người chỉ khoảng 2,1 triệu đồng, mà phải gánh hết tất cả các khoản chi tiêu cho hai vợ chồng và cậu con trai nhỏ đang học lớp 3.
Khoán biên chế: chẳng là bao!
Ngay từ khi triển khai chủ trương khoán kinh phí, biên chế, tưởng sẽ tăng thêm thu nhập khá nhiều cho CB phường-xã, quận-huyện, nhưng đến nay, số tiền tăng thêm đó cũng chẳng là bao so với khối lượng công việc mà họ phải đảm nhận. Lấy ví dụ từ phường Sơn Kỳ quận Tân Phú, cho thấy: kinh phí tiết kiệm được trong năm 2007 là 369,4 triệu đồng, trong đó 10% (31 triệu đồng) được trích lại cho thanh tra xây dựng, dân quân và các mục khác; 20% (56 triệu đồng) cho quỹ phúc lợi; 15% (42 triệu đồng) cho quỹ dự phòng; 10% (28 triệu đồng) cho quỹ khen thưởng. Trừ tất cả các khoản đó thì tổng thu nhập còn lại của CBCC-VC-LĐ của phường từ tiết kiệm là 153,7 triệu đồng. Chia cho 40 CBCC-VC trong biên chế thì bình quân được 320.000 đồng/người/tháng, nhưng thực chất số lao động ở phường là 64 người (kể cả lao động không biên chế, cộng tác viên…) nên chia bình quân thì số tiền thực lĩnh chỉ hơn 100.000 đồng/người/tháng.
Ông Lê Tiến Định, Bí thư phường Nguyễn Thái Bình quận 1 cũng cho biết: “Năm 2007, số tiền tiết kiệm nếu chia ra thì bình quân 3,7 triệu đồng/người/năm, nhưng thực tế… không dám tính. Bởi nhiều khoản chi khác “ăn” vào đó như: Phường có hội trường nên các cô bác dưới khu phố hay các đoàn thể mỗi lần tổ chức hội nghị, họp, góp ý gì đều… nhờ. Phải để cầu thang máy, phòng máy lạnh cho các cô bác sử dụng, ngoài ra còn phải có nước và các nhu cầu khác phục vụ hội nghị, hội họp… Định biên cũng vậy, phường nằm trên khu vực trung tâm về tài chánh, ngân hàng, chứng khoán của cả TP nên đòi hỏi lực lượng CB, cộng tác viên cũng phải có trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc và quản lý hiệu quả. Gần như phường đã sử dụng “đụng trần” định biên TP giao cho (62 người)…”.
Như nhiều lần chúng tôi đã phản ánh, để làm tốt công tác CCHC ở cấp cơ sở, trước tiên cần quan tâm đến việc tính toán, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý cho các định biên; đồng thời phải tăng lương, cải thiện thu nhập hợp lý. Để tình trạng thu nhập quá thấp như hiện nay thì rõ ràng là rất khó có thể yêu cầu CB liêm khiết và toàn tâm toàn ý với công việc…
HMT- Theo Báo SGGP