Nhiều tiềm năng
Vùng mặt nước đầm phá huyện Phú Lộc những năm gần đây trở nên sôi động khi xuất hiện hàng nghìn lồng cá. Nơi đây trở thành vựa “cá đặc sản” của tỉnh khi nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao được người dân nuôi như, cá mú, vẩu, nâu, dìa…
Ông Nguyễn Hùng (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc), một trong những hộ dân nuôi cá lồng ở địa phương này bảo, ngày trước đánh bắt thủy sản trên phá là kế mưu sinh chính của người dân. Sau khi một số hộ tiếp cận được với phương pháp nuôi cá lồng trên phá thì hàng nghìn lồng cá mọc lên trên mặt nước khắp các địa phương như Vinh Hiền, Lộc Bình (huyện Phú Lộc)... Nhờ nuôi cá lồng mà nhiều người xây được nhà to, nuôi con cái ăn học. Có hộ thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phan Thị Thu Hồng giải thích, chính sự giao thoa giữa nước ngọt và nước mặn tại khu vực cửa biển khiến vùng nước nơi đây thích hợp với sự phát triển của các loại cá giá trị cao. Đồng thời, mặc dù nuôi trồng nhưng nguồn giống chủ yếu được người dân đánh bắt tự nhiên, bởi vậy, chất lượng cá sau khi thu hoạch vượt trội hơn so với khu vực khác.
Để nuôi được cá, người dân Phú Lộc rất lỹ lưỡng trong khâu chọn giống. Đến mùa cá sinh sản, họ chèo thuyền dọc cửa biển để bắt cá giống, rồi chủ động ươm tại các lồng để lựa chọn những con giống khỏe mạnh.
“Mặc dù có nhiều năm biến đổi khí hậu khiến cá lồng chết hàng loạt, nhưng nhìn chung loại thủy sản vùng này có giá trị cao. Người nuôi chỉ cần bỏ công chăm sóc và nuôi đúng khung lịch thời vụ sẽ giảm được thiệt hại đáng kể. Cá của chúng tôi không chỉ bán trong địa phương mà còn đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành”, ông Trần Văn Bình (xã Lộc Bình) chia sẻ.
Không chỉ Phú Lộc, hệ đầm phá Tam Giang đang tạo sinh kế cho người dân ở các địa phương như, Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền...
Với diện tích mặt nước chừng 22.000ha, huyện Quảng Điền đang từng bước “đánh thức” vùng đầm phá, nơi được xem là kho tài nguyên vô tận. Những năm gần đây, bên cạnh phát triển các dịch vụ du lịch, khai thác nuôi trồng các loại cá giúp người dân có đời sống ổn định.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) cho biết: Thủy sản đầm phá, trong đó có cá từ lâu là sản phẩm ở địa phương được nhiều người biết đến. Điển hình như ở chợ sớm tại thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi) là nơi cung cấp các loại cá đầm phá chất lượng cho người dân trong và ngoài vùng.
Từng bước xây dựng thương hiệu
Khảo sát tại nhiều địa phương, trong các loại thủy sản, cá là loài mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, một số thời điểm, đầu ra là nỗi trăn trở của nhiều người dân lẫn chính quyền.
“Sản phẩm của người dân hiện chưa có một đơn vị nào bao tiêu mà phụ thuộc vào thị trường, thương lái. Và đã có lúc cá ứ đọng khiến người nuôi “thiệt đơn thiệt kép”, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Thông cho biết.
Tháng 5/2019, UBND tỉnh đã đưa nhóm thủy, hải sản vùng đầm phá trong đó có cá vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai vào danh mục những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Và bây giờ, các cơ quan chức năng đang từng bước xây dựng thương hiệu, để khẳng định một sản phẩm chất lượng đúng nghĩa trên thị trường.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chỉ cục Thủy sản tỉnh cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất chọn sản phẩm cụ thể.
“Có nhiều nhóm cá và người dân đang vừa khai thác vừa nuôi trồng. Do vậy, chúng tôi đang phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tìm đơn vị tư vấn để chọn ra sản phẩm cụ thể, phù hợp với thực tế. Nếu muốn một nhóm sản phẩm có tính hàng hóa, dù giống không chủ động nhưng một số loại cá như, cá dìa có thể nuôi được đại trà; còn nếu muốn nhóm cá có giá trị kinh tế như, cá nâu, ong bầu bản địa, dù ít nhưng ở các địa phương cung cấp được đặc sản giá trị cao. Như vậy, vùng nguyên liệu không còn là chuyện lo lắng, điều còn lại là tìm được đầu mối tiêu thụ truyền thống, ổn định cho sản phẩm”, bà Hồng nói.
Để đáp ứng được các tiêu chí xây dựng thương hiệu, người nuôi cá cần phải tuân thủ theo quy định của Luật Thủy sản 2017, trong đó có quy định cấp quyền khai thác mặt nước, vấn đề lâu nay ở nhiều địa phương đang bỏ ngỏ. Để giải quyết điều này, Chi cục Thủy sản tỉnh đang phối hợp với các địa phương rà soát điều chỉnh và bổ sung quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản của địa phương mình; lập các dự án nuôi trồng thủy sản để cụ thể hóa định hướng quy hoạch; ban hành các quy định chi tiết hộ gia đình nuôi trồng thủy sản thực hiện đúng quy hoạch...
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế