Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.038.835
Truy cập hiện tại 283 khách
Bốn giải pháp giữ chân cán bộ, công chức
Ngày cập nhật 10/09/2008

Chúng ta đang rất cần đội ngũ cán bộ công chức có năng lực chuyên môn, nhưng mấy năm gần đây nhiều cơ quan khó có thể giữ chân một số cán bộ công chức xin nghỉ việc, bỏ ra làm ở khu vực ngoài nhà nước. Hiện tượng này có xu hướng tăng. Vì sao? và làm thế nào để giữ chân họ.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy thì trong mấy năm vừa qua, số cán bộ, công chức, xin nghỉ việc, bỏ ra làm ở khu vực ngoài nhà nước chiếm khoảng 0,8 %, riêng thành phố Hồ Chí Minh mấy năm qua đã có hơn 6500 cán bộ, công chức xin nghỉ việc,con số này không lớn, nhưng đây là một hiện tượng mới nảy sinh trong quá trình phát triển của đất nước, và có xu hướng gia tăng ,đáng báo động . Trong số cán bộ, công chức xin nghỉ việc thì nhiều người không phải do năng lực chuyên môn hạn chế hoặc sức khỏe yếu, vậy do đâu? Nhiều người cho rằng phải xem xét một cách nghiêm túc về công tác tổ chức và chính sách cán bộ trong các cơ quan nhà nước hiện nay đúng, sai ở chỗ nào, cần điều chỉnh ra sao cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Nhưng nói cụ thể hơn, thì không ít người cho rằng số cán bộ công chức xin nghỉ việc là do thu nhập của họ quá thấp. Thực tế hiện nay, thu nhập ở khu vực ngoài nhà nước và khu vực đơn vị sự nghiệp, các công ty cổ phần cao hơn gấp chục lần khu vực cơ quan nhà nước. Sự hấp dẫn về thu nhập đó đã là sức hút cán bộ, công chức cơ quan nhà nước có năng lực sẵn sàng bỏ việc để ra làm ở ngoài. Một con số thống kê về lương của cán bộ cấp phường, xã như sau: Chủ tịch UBND 2,5, Bí thư Đảng ủy 2,85, ngoài ra không có phụ cấp gì khác trong khi thời gian làm việc không dưới 8 giờ/ ngày và không dưới 6 ngày/ tuần. Đối với Bí thư chi bộ, trưởng thôn, các phó ngành đoàn thể cấp xã, phường mức phụ cấp cũng chỉ từ 170.000 đồng đến 200.000 đồng/ tháng. Còn đối với một số sinh viên đại học mới ra trường làm việc ở cơ quan sau một năm mới được xếp lương 2.34, đấy là số người may mắn, còn phần đông là phải vài năm trải qua thử việc, hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng dài hạn…

Còn không ít người thì cho rằng: thu nhập thấp là một lý do quan trọng, nhưng một lý do không kém phần quan trọng có khi lại rất quan trọng là cơ chế và môi trường làm việc ở một số cơ quan nhà nước gò bó, không thông thoáng, thiếu động lực cho cán bộ, công chức phát triển. Nhiều cơ quan chưa coi trọng năng lực của cán bộ, công chức, bố trí, sử dụng cán bộ không hợp lý, còn theo lối “dàn hàng ngang”. Nhiều cơ quan, cán bộ công chức đông, nhưng người làm việc ít, những cán bộ, công chức có tâm huyết năng lực chuyên môn và có nhiều cố gắng chưa được khen thưởng động viên kịp thời. Một số nơi, còn có tình trạng trù úm cán bộ khi họ nói thẳng, nói thật. Tình trạng chạy chức, chạy quyền ở một số cơ quan nhà nước làm nảy sinh tiêu cực ngay trong nội bộ cơ quan. Việc đề bạt cán bộ, tuy có theo quy trình, nhưng nhiều cán bộ, công chức vẫn cho rằng còn dân chủ hình thức, chưa thực sự chọn ra người có tài, đức, được mọi người “tâm phục, khẩu phục”…Chính vì lẽ đó mà nhiều cán bộ, công chức than phiền rằng họ rất ít hi vọng thăng tiến trong sự nghiệp của mình.

Và cũng có một số ý kiến cho rằng trong quá trình phát triển của xã hội, nhất là đất nước ta đang hội nhập quốc tế, vận hành theo cơ chế thị trường, quan hệ lao động trong xã hội cũng thay đổi, nên cần có cách nhìn mới khi cán bộ, công chức có nhu cầu chuyển đổi vị trí và khu vực làm việc phù hợp với năng lực chuyên môn và đời sống là điều bình thường trong xã hội; điều quan trọng là làm việc ở đâu họ phát huy được năng lực chuyên môn, tư tưởng thoải mái, an tâm và cống hiến nhiều cho đất nước là được.

Nhưng không ít ý kiến đều cho rằng phải giữ chân cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn giỏi ở các cơ quan nhà nước. Vấn đề quan trọng là giữ bằng cách nào? Mạn đàm với một số cán bộ ở cơ quan quản lý cán bộ, công chức và nhiều chuyên viên đương chức thì muốn giữ chân cán bộ, công chức cần thiết cùng một lúc cần làm được 4 việc: Cơ chế, chính sách, môi trường làm việc và công tác tư tưởng đối với cán bộ, công chức.

Trước hết là chính sách tiền lương. Tiền lương và phụ cấp công vụ phải thực sự đúng với nguyên tắc hưởng theo năng lực, đặc biệt đối với cán, bộ công chức có tài năngvà cống hiến nhiều, không thể bình quân trong phân phối. Việc tăng lương phải phù hợp với điều kiện sống của xã hội …Mới đây Tổng LĐLĐ Việt Nam có đề án tăng lương cho cán bộ, công chức và các doanh nghiệp từ 1 - 10 - 2008 trình chính phủ phê chuẩn. Nhưng theo nhiều người thì việc tăng lương đó cũng chỉ đủ bù vào khoản trượt giá mà những tháng vừa qua và sắp tới người lao động phải chịu, chưa có gì gọi là “đột phá” trong cải cách tiền lương, phụ cấp. Tăng thu nhập cho cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn để họ có đủ nhu cầu sinh hoạt và tái sản xuất sức lao động là trách nhiệm của các ngành, các địa phương cần vận dụng các chính sách khoán sản phẩm, đề án, đề tài, khoán chi hành chỉnh thưởng…

Cũng với việc sớm nghiên cứu tăng lương thì việc rất quan trọng là sớm nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, sử dụng đánh gía và đề bạt cán bộ, công chức phải thực sự khách quan, minh bạch, dân chủ, xóa bỏ tình trạng “con ông, cháu cha”, dây dợ, ê kíp trong các cơ quan nhà nước. Cần thiết phải thi tuyển các chức danh lãnh đạo cơ quan sau khi đã thăm dò kiến mọi người để chọn ra người đủ sức “tâm phục, khẩu phục”, có vậy mới gạt bỏ những người cơ hội, chạy chức, chạy quyền.

Môi trường làm việc tốt là yếu tố không kém phần quan trọng để cán bộ, công chức gắn bó mật thiết, lâu dài với cơ quan. Mọi cán bộ công chức đều mong muốn làm việc trong môi trường thông thoáng, lành mạnh, mọi người kể cả thủ trưởng đều thân thiện với nhau, tôn trọng và quý mến nhau, ai cũng vậy, đều rất muốn có người thủ trưởng có tâm và có tầm, hiểu anh chị em, công minh chính trực, biết dùng người, cư xử đúng mức; thủ trưởng vừa là người lãnh đạo vừa là người bạn lớn của anh chị em, là nơi cán bộ, công chức có thể tâm sự những buồn, vui và thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình để cùng sẻ chia với nhau. Sống và làm việc trong một cơ quan đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau, chan hòa không đố kỵ thì không ai muốn rời bỏ tập thể ấy.

Nhưng công tác tư tưởng đối với cán bộ, công chức cũng cần được tiến hành thường xuyên. Trong cấp ủy và công đoàn cần sớm nắm diễn biến tư tưởng của mọi người để xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh nhất là những cán bộ, công chức có ý muốn xin nghỉ việc hoặc bỏ việc ra làm ở ngoài. Đồng thời cũng cần thường xuyên giáo dục mọi ngưới ý thức trách nhiệm và niềm vinh dự là một cán bộ công chức làm việc ở cơ quan nhà nước, được tin tưởng giao những công việc phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần xây dựng cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh. Có ý thức và tình cảm như vậy, cán bộ, công chức sẽ tự xác định được trách nhiệm xã hội của mình trước cơ quan, đoàn thể và nhân dân.

Thực hiện 4 giải pháp trên đây để giữ chân cán bộ, công chức có trách nhiệm của tất cả các bên: nhà nươc; cơ quan, đoàn thể, bản thân cán bộ, công chức. Nhà nước lo chu đáo cho cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cùng chia sẻ với nhà nước – có vậy bộ máy cơ quan nhà nước mới thực sự vững mạnh, xứng đáng là “ Nhà nước của nhân dân, do dân và vì dân”.

Các tin khác
Xem tin theo ngày