Từ lâu, ước nguyện muốn được một lần ra thăm nhà tù Côn Đảo luôn ấp ủ trong tâm trí Trang Thùy. Trong bài Viết cho “Dấu ấn Côn Đảo”, vừa phát hành, cô chia sẻ:
“Trong bối cảnh đất nước cũng như toàn thế giới đang bùng nổ dịch COVID - 19, thì Dấu ấn Côn Đảo của tôi được ấp ủ trong một niềm tin và niềm hy vọng về một ngày mai tương lai sẽ tốt đẹp, tươi sáng hơn. Chúng ta sẽ làm lại từ đầu, cũng như trong lịch sử chúng ta đã từng đi qua bao cuộc chiến tranh khốc liệt để gây dựng nên một đất nước Việt Nam hòa bình ngày hôm nay”.
Chính từ sự lạc quan, niềm tin lớn về một ngày mai quê hương Việt yên bình ấy mà chỉ 3 ngày viếng thăm Côn Đảo, Trang Thùy đã có cảm xúc sâu lắng để viết được 9 bút ký với nội dung phong phú, đề cập nhiều lĩnh vực ở nhà tù Côn Đảo. Nhan đề của các bút ký trong Dấu ấn Côn Đảo (NXB Thuận Hóa 2020) đã nói lên điều đó: Dấu ấn Côn Đảo, Gặp người cựu tù Côn Đảo, Nơi lưu giữ quá khứ hào hùng và thương đau, Niềm vui trong ngục tối, Cái giá của sự tự do sau cánh cửa sắt và những hàng rào thép gai, Viết về “người con gái trẻ măng” Võ Thị Sáu, Đêm Côn Đảo, Quà tặng Côn Đảo…
Nhờ sự quan sát chăm chú, tỉ mỉ; chú tâm ghi chép, chụp hình tư liệu trong quá trình tham quan các trại giam thuộc hệ thống Côn Đảo, Bảo tàng Côn Đảo… mà Trang Thùy đã hoàn thành được bút ký Dấu ấn Côn Đảo một cách chân thành, trung thực với lối viết tự sự, giản đơn, giàu tình cảm.
Những câu chuyện kể thú vị về buổi gặp gỡ người cựu tù, chứng nhân thật sự của nhà lao Côn Đảo đọc thơ Phùng Quán trong đêm viếng nghĩa trang Hàng Dương trước mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu; về cuộc hội ngộ thân ái với các du khách trẻ đến từ nước Mỹ ở chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ; về người Côn Đảo… tạo cho người đọc cảm giác thân ái, thương yêu về tình tự dân tộc, tình nhân loại và cái giá của sự tự do.
“Hôm tôi đi, tình cờ gặp hai người bạn trẻ người Mỹ cũng ghé nơi đây tham quan. Ban đầu có lẽ họ yêu thích khi thấy tôi mặc trên người chiếc áo dài Việt Nam nên họ thân mật mời tôi cùng chụp chung với họ tấm hình kỷ niệm. Chừng biết cùng đi chung với tôi có người từng là tù nhân Côn Đảo nên hai bạn trẻ ấy lấy làm thú vị lắm, và rối rít bày tỏ sự yêu mến bằng cách hỏi han rất nhiều điều. Bất giác tôi thầm nghĩ họ cũng là những thế hệ đi sau như chúng tôi, lỗi ai gây ra người đó phải chịu nên sự hồn nhiên của hai bạn trẻ ấy đã để lại trong lòng tôi một sự trìu mến thật dễ thương”.
Với bài viết: Nơi lưu giữ quá khứ hào hùng và thương đau, Trang Thùy đưa lên tập Dấu ấn Côn Đảo nhiều hình ảnh tư liệu quý chụp lại từ những hiện vật, hình ảnh trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo; góp phần giúp người đọc chưa một lần đến nhà tù Côn Đảo biết được sự đấu tranh kiên cường của những thế hệ tù yêu nước; hiểu sâu sắc về tính sáng tạo trong việc bảo toàn ý chí, tinh thần cách mạng bất khuất trước sự hà khắc của chế độ lao tù lúc bấy giờ cũng như sự nuôi tình cảm yêu nước thương nòi và quyết tâm tìm cách chăm sóc cơ thể của tù nhân trong điều kiện đói cơm thiếu thuốc ở nhà tù Côn Đảo đầy bất trắc, nghiệt ngã.
Bên cạnh những bút ký mang tính chất tưởng niệm, hoài vọng, ngợi ca những chiến tích của người tù Côn Đảo qua nhiều thời kỳ trong quá khứ. Trang Thùy còn lưu tâm đến sự phát triển hiện nay và tín hiệu vui trong tương lai của Côn Đảo trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục… Các bút ký Đêm Côn Đảo, Người Côn Đảo, Quà tặng Côn Đảo… đã tập trung khơi gợi, giới thiệu rõ nét đất và người Côn Đảo để rồi “Cảm ơn Côn Đảo, cảm ơn những người bạn, cảm ơn biển đêm Côn Đảo ngọt ngào, và cảm ơn những cơ duyên để tôi có một chuyến đi mang đầy ý nghĩa, để tôi sẽ nhớ hoài không bao giờ cho phép mình được lãng quên”.
Bút ký thứ 10 Hạnh ngộ Côn Đảo trên đất Huế, tác phẩm cuối trong Dấu Ấn Côn Đảo, Trang Thùy mô tả cuộc gặp gỡ giữa Ban Giám đốc Khách sạn Sài Gòn 68 – Côn Đảo với cựu tù Côn Đảo đang sinh sống tại thành phố Huế. Qua bút ký này cho thấy quá khứ hy sinh thầm lặng của những người cựu tù Côn Đảo chưa hề bị lãng quên. Tấm lòng của những người đang làm ăn, sinh sống trên Côn Đảo rất đáng trân trọng khi còn biết bày tỏ sự tri ân của mình đến những người đã cống hiến hết mình vì quê hương đất nước.
“Riêng Trang Thùy rất vui vì đã thực hiện đúng lời hứa với Côn Đảo là đã kịp hoàn thành tập bút ký Dấu ấn Côn Đảo để tặng đoàn Khách sạn Sài Gòn 68 – Côn Đảo và quý cô chú cựu tù nhân Côn Đảo có mặt trong cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa này. Niềm vui – xúc cảm và tưởng nhớ: đó là những gì đọng lại trong tôi đến giờ phút này và mãi mãi về sau”.
Hàng ngày mưu sinh với công việc bán dừa, viết Dấu ấn Côn Đảo bằng điện thoại trong những khi vắng khách, cho thấy tác giả Trang Thùy đã bấm phím trong nguồn thương yêu, trân trọng những giá trị lịch sử bi tráng của quá khứ và với niềm tin tưởng về một tương lai đất nước phồn vinh.
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế