1. Kỹ năng lập kế hoạch
Hãy dành 15 phút mỗi sáng hoặc tối trước khi ngủ để để liệt kê những việc cần hoàn thành trong ngày. Điều này sẽ giúp bạn biết được bạn cần làm gì với quỹ thời gian của mình. Bạn nên lên kế hoạch để tận dụng thời gian có sẵn một cách tốt nhất, dành đủ thời gian cho những việc bạn nhất định phải làm, có một quỹ thời gian để ứng phó với những điều bất ngờ xảy ra.
2. Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp luôn được xem là yếu tố cốt lõi đối với sự phát triển toàn diện của một người. Giao tiếp hiệu quả không phải là nói càng nhiều càng tốt mà là nghệ thuật truyền tải thông điệp một cách nhẹ nhàng, cô đọng để hầu hết mọi người đều hiểu và nắm được thông tin một cách nhanh nhất. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng cần phải rèn luyện và trau dồi mỗi ngày.
3. Kỹ năng tiếp nhận và học tập từ lời phê bình
Trong cuộc sống hoặc công việc, không chỉ có những lời khen mà còn có cả những lời phê bình. Đừng tự ái hay giận dỗi khi có ai đó nói không tốt về bạn, hãy biến những nhận xét hay những lời phê bình của người khác thành những kinh nghiệm, bài học cho bản thân. Bởi vì, những lời phê bình có thể là những góp ý chân thành nhất, giúp bạn nhìn thấy những khuyết điểm của bản thân cần phải thay đổi.
4. Kỹ năng làm việc nhóm
Những người thành công thường biết cách làm việc theo nhóm một cách hiệu quả. Tất cả các thành viên cần phải biết trợ giúp, tôn trọng lẫn nhau trong công việc, nếu đồng đội của bạn gặp khó khăn hãy sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ họ.
Khả năng lắng nghe, chia sẻ, tạo động lực cho người khác và xử lý xung đột xảy ra trong một nhóm là những yếu tố cần thiết không chỉ giúp bản thân phát triển hơn mà còn giúp các cá nhân bổ sung những thiếu sót cho nhau và tập thể hoạt động có hiệu quả hơn.
5. Kỹ năng ra quyết định
Kỹ năng quyết định tốt có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu trong công việc, tránh được những sai lầm có thể mang lại kết quả xấu, ảnh hưởng đến sự thành công của bạn.
6. Kỹ năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện
Sở hữu cái nhìn tổng quan trong công việc và cuộc sống, nghĩa là bạn có khả năng xác định được những yếu tố dẫn tới thành công, nhận ra các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trong một sự việc.
Ví dụ, bạn làm việc trong công ty quảng cáo và phải xây dựng chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm của công ty. Nếu nhìn nhận một cách tổng thể, bạn có thể nhận thấy rằng mục đích không chỉ là bán được hàng, mà còn làm thỏa mãn và thuyết phục khách hàng về chất lượng sản phẩm.
7. Kỹ năng lãnh đạo và khám phá bản thân
Bạn thường có tâm lý thiếu tự tin cho dù vấn đề đó bạn có thể làm được, thậm chí là làm rất tốt. Đừng nghĩ mình kém cỏi, hãy thử đảm nhận nhiệm vụ và bắt tay vào thực hiện! Biết đâu bạn có thể khám phá ra khả năng nào đó mà từ trước tới nay bản thân không hề biết. Tuy nhiên, khi làm bất kỳ việc gì, bạn cũng cần phải nắm rõ mục đích cuối cùng và lãnh đạo bản thân để không bỏ cuộc giữa chừng hoặc đi sai hướng so với yêu cầu ban đầu của công việc.
8. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Không phải trong cuộc sống hoặc trong công việc lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Sẽ có những vấn đề phát sinh mà bạn không thể lường trước. Lúc này, bạn cần bắt buộc bản thân phải có cách giải quyết một cách khoa học để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả chung, đó chính là kỹ năng giải quyết vấn đề mà bạn cần có.
9. Kỹ năng ứng phó với sự căng thẳng
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng, như quan hệ trong gia đình, áp lực thi cử, quan hệ ở trường học, quan hệ ngoài xã hội… Chính vì vậy, kỹ năng ứng phó với cảm xúc căng thẳng là vô cùng cần thiết. Thích nghi với sự căng thẳng sẽ giúp bạn có suy nghĩ tích cực, dần biến sự căng thẳng thành một động lực để cố gắng làm tốt hơn trong công việc.
Thùy Trang tổng hợp