Nếu giữa các ứng viên không có tranh cử, thì chỉ là động tác rút thăm. Tranh cử cung cấp được nhiều thông tin thực chất hơn cho cử tri, ứng viên nào nhận biết các vấn đề của địa phương tốt hơn, lý giải vấn đề đúng đắn hơn, đưa ra giải pháp khả thi hơn v.v... TS. Nguyễn Sĩ Dũng phân tích cách thức tổ chức bầu chủ tịch xã sắp được làm thí điểm.
Tiểu sử chỉ là thông tin về quá khứ
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói rằng nếu để dân chọn, dân sẽ tìm ra người xứng đáng. Cá nhân ông thấy chủ trương dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ mang lại những thay đổi gì?
- Thay đổi lớn nhất là xác lập được ở mức cao hơn việc khuyến khích phục vụ dân. Đại loại, khi "do dân" được xác lập thì sự "vì dân" cũng sẽ được tăng cường.
Về cơ bản, tôi đồng ý với ý kiến của cựu Bộ trưởng Tư pháp. Tuy nhiên, để tìm ra người xứng đáng thì ngoài quyền lựa chọn, thông tin để lựa chọn cũng quan trọng không kém. Thiếu thông tin thì việc lựa chọn trong bầu cử sẽ rất giống với việc bốc thăm ở ngoài đời.
- Đúng là người dân sẽ khó lòng chọn đúng vị chủ tịch của mình nếu không có đủ thông tin về ứng cử viên. Theo ông, nên làm thế nào để việc này không trở thành hình thức?
- Thì phải làm thế nào để người dân có đầy đủ nhất thông tin về các ứng cử viên.
Tiểu sử là một nguồn thông tin quan trọng. Cung cấp thông tin đầy đủ về tiểu sử sẽ giúp người dân hiểu được nhiều vấn đề cơ bản về các ứng cử viên. Nhưng thông tin trong tiểu sử là thông tin về quá khứ. Tiểu sử ít nói gì nhiều về những dự định của tương lai. Chính vì vậy, tranh cử cung cấp được nhiều thông tin thực chất hơn cho cử tri.
Ứng cử viên nào nhận biết các vấn đề của địa phương tốt hơn? Ứng cử viên nào lý giải vấn đề đúng đắn hơn? Ứng cử viên nào đưa ra giải pháp khả thi hơn? v.v... Đó là những vấn đề chỉ có thể được làm sáng tỏ thông qua tranh cử.
Tất nhiên cũng phải tính tới rủi ro là tranh cử xong có thể sẽ xảy ra mất đoàn kết trong nội bộ vì có người thắng, kẻ thua.
Quy trình bầu cử cũng phải tính kỹ về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn, lựa chọn ứng cử viên như thế nào? Những ai có quyền giới thiệu? Tự ứng cử ra sao? Tổ chức cho các ứng cử viện được giới thiệu tranh cử thế nào? Ứng viên sẽ phải trình bày chương trình hành động ra sao?
- Không ít người dân khi được hỏi về thực hiện dân chủ ở xã thì trả lời với thái độ bàng quan rằng đó là việc của chính quyền, đoàn thể, họ vẫn thường bầu bán cho qua chuyện, chưa kể, trình độ dân trí ở các địa phương không giống nhau. Như vậy liệu có thể chọn đúng được người có năng lực? Thay đổi điều này thế nào, thưa ông?
- Dân chủ là một lối sống, một thành tựu, không bao giờ là một “quà tặng” bất ngờ. Đó là sự lớn lên của một cộng đồng người. Người dân đã chuẩn bị để thực thi quyền của mình đến đâu? Hay dân vẫn không tham gia, không quan tâm? Nếu người dân thờ ơ nhiều khi bầu cử chỉ là hình thức.
Đây là thách thức rất lớn. Để thay đổi cần có thêm thời gian. Ở đây, chưa nói tới ý thức tích cực chính trị mà các kỹ năng thực hiện quyền dân chủ của người dân cũng phải được xây dựng và phát triển.
Để giáo dục cử tri, các hội đồng bầu cử đóng vai trò rất quan trọng. Trên thế giới, nhiều nước có các hội đồng bầu cử chuyên nghiệp. Những người tham gia tranh cử thì không thể tham gia các hội đồng này.
Ngoài chức năng tổ chức bầu cử, các hội đồng bầu cử còn tổ chức giáo dục và đào tạo các kỹ năng cho cử tri, duy trì ý thức về dân chủ và kỹ năng thực hành dân chủ. Ngoài ra, họ còn cho đăng ký cử tri, theo dõi những người đến tuổi, lên danh sách. Hội đồng này hoạt động thường xuyên để bảo tồn và vận hành hệ thống dân chủ.
Nếu không làm những điều này, rủi ro của tình trạng dân chủ hình thức là rất lớn. Cần có thời gian và nỗ lực để giúp dân chúng có được nhận thức, năng lực và kỹ năng để thực hành quyền bầu cử của mình. Tuy nhiên, cũng cần tới một xã hội với nền kinh tế đủ mạnh để có điều kiện cho việc thực hành dân chủ.
Hội đồng nhân dân phải đủ mạnh
- Đã có vận động, có tranh cử là sẽ dễ xảy ra rủi ro của việc mua phiếu hoặc vận động cho người “họ mình”… Theo ông, những nguy cơ này đáng ngại đến đâu?
- Đây cũng là những thách thức cần tính đến. Quyền của một xã trưởng ở cấp cơ sở rất lớn, đặc biệt liên quan đến đất đai, việc chi tiêu ngân sách... Vì thế “cuộc đấu” vì chức xã trưởng có thể sẽ rất quyết liệt. Các hiện tượng tiêu cực như đã nói ở trên cũng có thể xảy ra. Như vậy, các cơ quan tổ chức bầu cử cũng phải rất chuyên nghiệp, phải có đủ trình độ và quyết tâm để phát hiện và xử lý các vi phạm.
Các doanh nghiệp có thể chi tiền cho các ứng cử viên để giành lấy sự đối xử mang tính chất ân huệ sau này. Vì các lợi ích đặc biệt, họ sẵn sàng tác động vào cử tri. Khi đó, áp lực lên người dân càng thêm nặng nề.
Nguy cơ chủ tịch xã đại diện cho dòng họ thay vì trăm họ cũng có thể xảy ra nhưng không lớn vì ở các xã với hàng vạn dân, không một dòng họ nào có thể chiếm đa số áp đảo như ở thôn.
Cho dù các rủi ro có như thế nào đi chăng nữa, thì việc để cho dân bầu trực tiếp vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn cho quá trình phát triển dân chủ của đất nước. Theo một điều tra gần đây, sự hài lòng của người dân đối với trưởng thôn có tỷ lệ cao nhất. Phải chăng các trưởng thôn được dân bầu nên tận tụy với dân hơn?
- Quyền lực của một ông xã trưởng do dân bầu trực tiếp sẽ rất lớn vì ông ta đã nhận được sự ủy quyền, tín nhiệm trực tiếp từ dân. Vậy nên thay đổi cơ chế giám sát như thế nào để tránh xảy ra lạm quyền?
- Mọi quyền lực đều cần phải được giám sát. Đi kèm với cơ chế bầu trực tiếp này, phải có một cơ quan giám sát đủ mạnh.
Nếu đã xác lập HĐND do dân bầu và xã trưởng cũng do dân bầu, thì mối quan hệ giữa hai thiết chế này phải là quan hệ kiểm tra và chế ước lẫn nhau. Nếu không, sẽ rất dễ xảy ra lạm quyền.
- Nhưng lâu nay, HĐND vẫn chỉ nhóm họp mỗi năm vài lần, khó lòng giám sát một cách chặt chẽ. Vậy đi kèm với việc bầu chủ tịch xã, có nên củng cố thêm năng lực hay thay đổi cơ chế hoạt động của HĐND luôn hay không?
- Thay đổi đầu tiên trong hoạt động, đó là hội đồng cần phê chuẩn các quyết sách của xã trưởng đề ra, từ việc làm đường đến việc cho thuê đất. Mà như vậy thì HĐND cần nhóm họp mỗi tuần một buổi để thẩm định, giám sát và phê chuẩn các quyết định của chủ tịch xã. Các chính sách địa phương, các quyết định đầu tư địa phương không thể chỉ để chủ tịch một mình quyết định.
Rõ ràng, phải tổ chức lại công việc của HĐND so với hiện nay. Có thể, số lượng các đại biểu HĐND không nhiều (9-13 người), nhưng HĐND phải đủ mạnh. Hội đồng nếu không làm đúng chức năng thẩm định, phê chuẩn và giám sát, thì sẽ tiếp tục là hình thức.
Phải củng cố ngay thiết chế hội đồng còn vì xã hội dân sự ở địa phương chưa phát triển, khả năng giám sát hạn chế. Ngoài ra, cũng có thể tận dụng thêm kênh báo chí để giám sát.
Khởi đầu để đi tiếp
- Hiến pháp quy định HĐND các cấp bầu và bãi miễn chủ tịch UBND. Vậy nếu thí điểm cho người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã thì có vi hiến không? Căn cứ pháp lý của chủ trương này là gì?
- Một trong những thách thức là Hiến pháp quy định khá chặt, ở mỗi cấp có UBND và HĐND. UBND do HĐND bầu. Vì thế, sẽ phải cân nhắc khi làm thí điểm. Nghiên cứu vận dụng khuôn khổ Hiến pháp là quan trọng.
Chúng ta cần cân nhắc khả năng giải thích Hiến pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền này. Nhưng có giải thích được không thì phải nghiên cứu cụ thể mới có thể trả lời được.
Cách thứ hai là đưa ra QH để sửa một số điều của Hiến pháp. Thủ tục sửa Hiến pháp phức tạp hơn sửa luật, nhưng không phức tạp đến mức không thể làm gì được. Về thực chất, chỉ cần 2/3 đại biểu QH đồng ý là có thể sửa được Hiến pháp. Vì vậy, có thể thành lập ủy ban sửa đổi và đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp QH tháng 10 tới.
- Chủ trương này được kỳ vọng là một cải cách lớn để thực thi dân chủ trực tiếp. Khái niệm này đã được nhắc đến ở Việt Nam nhiều năm nay nhưng đã có đủ điều kiện để thực thi chưa?
- Khái niệm "dân chủ trực tiếp" có gốc rễ từ thời Hy Lạp khi các công dân của thành phố tập trung lại để cùng nhau giải quyết vấn đề chung. Rất đẹp về mặt lý tưởng nhưng khó thực hiện về mặt kỹ thuật.
Trong thời hiện đại, dân chủ trực tiếp biểu hiện qua các hình thức hơi khác, đó là thông qua trưng cầu dân ý và bầu cử.
Tuy nhiên, trưng cầu dân ý cũng có những rủi ro nhất định. Chẳng hạn, có những vấn đề không để tranh luận chính trị sâu rộng thì không thể biểu quyết chính xác. Hoặc nếu vấn đề gì cũng trưng cầu dân ý mà đã biết trước kết quả thì thường rất tốn kém.
Với chuyện bầu cử cũng vậy, nếu giữa các ứng viên mà không có tranh cử, thì chỉ là động tác rút thăm.
Vì thế, dân chủ đại diện rất quan trọng bởi mô hình này vừa đảm bảo dân chủ vừa đảm bảo hiệu quả. Người dân phải chọn cho mình những người đại diện xuất sắc nhất và họ sẽ thay dân để quyết. Không thể bỏ qua dân chủ đại diện vì nói vừa bảo đảm quyền dân chủ, vừa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của quản trị quốc gia.
Nhưng ngày nay, người ta nói nhiều đến hình thức dân chủ tham gia. Nghĩa là người dân được tham gia, được đề xuất và có tiếng nói trong việc ra các quyết định. Những người ra quyết định sẽ cân nhắc dựa trên những ý kiến đó. Nếu anh quyết định khác đi so với ý kiến của số đông thì tất nhiên sẽ phải giải trình minh bạch, rõ ràng.
- Nếu việc thí điểm này thành công, liệu có thể tiến tới bầu thị trưởng không?
- Đó là khởi đầu để đi tiếp.
Theo Lê Nhung (Nguồn Vietnamnet)