Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.173.784
Truy cập hiện tại 2.011 khách
Một số đặc điểm về quản lý hoạt động Hội, tổ chức phi Chính phủ tại Cộng hòa Ba Lan và Hungary
Ngày cập nhật 21/08/2008

Lập hội là quyền tự do của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Vấn đề hoạt động và quản lý hội từ đó cũng được đặt ra với nhiều mức độ, dạng thức khác nhau theo đặc thù của nền hành chính mỗi quốc gia. Dưới đây là một số nội dung chủ yếu về kinh nghiệm quản lý hoạt động Hội, tổ chức phi Chính phủ và kết quả thực tế tổ chức, hoạt động của một số Hội, tổ chức phi Chính phủ tại hai nước Cộng hòa Ba Lan và Hungary.

1. Một số kinh nghiệm quản lý hoạt động Hội, tổ chức phi Chính phủ

1.1. Về pháp luật: Hội, tổ chức phi chính phủ Ba Lan và Hungary được quan niệm khá rộng: Ở mức độ rộng nhất bao gồm cả các đảng phái chính trị, nhà thờ, các tổ chức có hoạt động gắn với chính trị như công đoàn, các tổ chức xã hội, các tổ chức nghề nghiệp; tồn tại dưới nhiều hình thức tổ chức khác nhau như đảng, công đoàn đoàn kết, liên hiệp, liên đoàn, trung tâm v.v. Ở mức độ hẹp hơn là NGO (Non Government Organization), không bao gồm các đảng phái, nhà thờ, các tổ chức hoạt động có liên quan trực tiếp đến chính trị. Ngoài khái niệm NGO ở Ba Lan và Hungary cũng sử dụng khái niệm NPO (Non Profit Organization) để chỉ các tổ chức hoạt động không nhằm mục đích thu lợi nhuận, phục vụ lợi ích công cộng; đây là những tổ chức phi chính phủ hoạt động công ích.

Lập hội là quyền tự do của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Đây là quyền hiến định do vậy được tôn trọng ở mức cao nhất. Các quy định về quyền lập hội còn có trong Bộ Luật Dân sự và một số luật cụ thể. Ở Ba Lan về lĩnh vực hội, các tổ chức phi chính phủ có luật về hội, luật về quỹ riêng. Năm 2003 Ba Lan ban hành Luật về công ích và tự nguyện, luật này được coi như “Hiến pháp nhỏ” của các tổ chức phi chính phủ. Trong Luật đưa ra năm nguyên tắc hợp pháp, cộng tác giữa Chính phủ và các hội, tổ chức phi Chính phủ:

            - Nguyên tắc hỗ trợ;

            - Nguyên tắc cộng tác;

            - Nguyên tắc minh bạch;

            - Nguyên tắc hiệu quả;

            - Nguyên tắc độc lập.

Luật cũng đưa ra phương thức chính, chính quyền địa phương các cấp ủy quyền để một số tổ chức phi Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ của Chính phủ (Ví dụ: một số dịch vụ công như giáo dục, giúp đỡ người tàn tật, thị trường lao động, thể thao v.v.). Để nhận được các việc này, các tổ chức Phi chính phủ phải thông qua đấu thầu.

Luật quy định các tiêu chí để được hưởng công ích:

            - Hoạt động vì mục đích chung của xã hội;

            - Hoạt động duy nhất cho mục đích, không hoạt động cho mục đích khác;

            - Hoạt động kinh doanh chỉ trong khuôn khổ thực hiện phục vụ mục đích của mình, toàn bộ thu nhập phục vụ cho mục đích;

            - Mỗi tổ chức phải có sự giám sát;

            - Điều lệ phải ghi rõ đối xử công bằng với tất cả mọi người.

Ở Ba Lan, các đảng chính trị (có khoảng 200 đảng chính trị), công đoàn có luật riêng. Nhà thờ cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hội.

Bộ Luật Dân sự năm 1997 của Hungary quy định các tổ chức công ích gồm:

            - Tổ chức xã hội (không kể các đảng phái, tổ chức bảo hiểm và các tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi giữa chủ và thợ);

            - Các quỹ (quỹ công, quỹ xã hội, quỹ tư nhân v.v.);

            - Các hiệp hội lợi ích công (môi trường, nhân đạo từ thiện v.v.)

            - Các tổ chức công ích khác được pháp luật cho phép;

            - Các liên đoàn thể thao.

Nguyên tắc hoạt động và kinh doanh của các tổ chức công ích:

            - Công khai;

            - Dân chủ;

            - Các hoạt động phải được kiểm soát;

            - Đảm bảo thi hành các quyết định (thời gian, phạm vi hiệu lực, tỉ lệ số người ủng hộ và không ủng hộ v.v.)

Điều kiện thủ tục và các ưu đãi đối với tổ chức công ích:

            - Các hội, tổ chức phi chính phủ thỏa mãn những điều kiện sau đây sẽ được cấp giấy chứng nhận là tổ chức công ích: thực hiện hoạt động công ích trên các lĩnh vực như môi trường, từ thiện nhân đạo, chính sách xã hội, hỗ trợ những người gặp khó khăn bất trắc trong cuộc sống v.v.; chỉ sử dụng các thành quả kinh tế có được từ hoạt động của tổ chức vào mục đích công ích, không phân chia lợi nhuận cho các cá nhân trong tổ chức; không ủng hộ các đảng phái, không trực tiếp làm chính trị, độc lập với các đảng phái; các dữ liệu kinh tế quan trọng nhất của tổ chức phải được đăng tải công khai trên báo chí trung ương, địa phương theo thẩm quyền quản lý.

            - Miễn thuế đối với các hoạt động công ích, giảm thuế đối với các hoạt động kinh doanh, giảm thuế địa phương, giảm thuế công chính, giảm thuế nhập khẩu; miễn thuế thu nhập đối với người sử dụng dịch vụ công ích; giảm thuế công ty, thuế thu nhập đối với những tổ chức, cá nhân tài trợ cho các hoạt động công ích, trong trường hợp tài trợ thường xuyên thì từ năm thứ 2 trở đi sẽ nhận được sự ưu đãi đặc biệt; các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

1.2. Về quản lý: Hiện nay ở Ba Lan có hơn 100.000 Hội, tổ chức phi Chính phủ. Trong số này có khoảng 50.000 tổ chức là các đảng, công đoàn, nhà thờ; số còn lại 50.000 tổ chức là các Hội, Liên hiệp các hội, các Quỹ v.v. hoạt động không gắn với chính trị, vì mục đích công ích, trên những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Ở Hungary số lượng các Hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động không gắn với chính trị, vì mục đích công ích là 53.000 tổ chức.

Cả Ba Lan và Hungary đều áp dụng phương thức đăng ký hoạt động hội, phi Chính phủ tại Tòa án. Có nhiều lý do để các nước đi đến áp dụng mô hình này nhưng lý do chính vẫn là: quyền lập hội là quyền dân sự, theo nguyên tắc truyền thống Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cơ quan quản lý chính sách, tổng hợp đối với Hội, tổ chức phi Chính phủ ở Ba Lan là Bộ Lao động và Chính sách xã hội. Các Bộ, chính quyền địa phương đều có quan hệ với các Hội, tổ chức phi Chính phủ theo thẩm quyền. Nội dung cơ bản của quản lý hoạt động của Hội, tổ chức phi Chính phủ là hướng dẫn, giúp đỡ các Hội, tổ chức phi Chính phủ về chuyên môn theo lĩnh vực hoạt động; kiểm tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo về hội; hỗ trợ các Hội, tổ chức phi Chính phủ trong việc tìm nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động; hợp tác quốc tế về hội.

Đối với Hungary việc quản lý hoạt động của Hội, tổ chức phi Chính phủ thể hiện:

            - Tòa án thực hiện quản lý đối với các hoạt động mang tính chấp hành, tuân thủ pháp luật trong tổ chức và hoạt động của các hội, tổ chức phi chính phủ. Cách thức quản lý của Tòa án là xem xét các báo cáo thường kỳ của các hội, tổ chức phi chính phủ gửi đến và kiểm tra trực tiếp đối với các hội, tổ chức phi chính phủ trong việc chấp hành, tuân thủ pháp luật khi cần thiết;

            - Bộ Thanh niên, Gia đình, Xã hội và Cơ hội bình đẳng, quản lý chính sách, tổng hợp. Các bộ ngành hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các hội, tổ chức phi chính phủ về chuyên môn mà bộ ngành đảm nhiệm. Chính quyền địa phương quản lý các hội theo địa bàn lãnh thổ.

1.3. Về Tài chính: Đối với các Hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động không gắn với chính trị, vì mục đích công ích, nhà nước sẽ có những ưu đãi về thuế và những chính sách khác nữa để tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động, phát triển. Các công ty, các cơ sở sản xuất kinh doanh v.v. nếu có tài trợ cho các hoạt động công ích thì cũng được giảm thuế (Ví dụ pháp luật về thuế của Ba Lan cho phép giảm tối đa 10% khi tính thuế đối với doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh nếu các đơn vị này có những tài trợ tích cực cho các hoạt động phi Chính phủ vì mục đích công ích).

Trong số 50.000 Hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động không gắn với chính trị ở Ba Lan, chỉ có khoảng 3.000 Hội được hưởng nguồn kinh phí từ quỹ 1% trích từ tiền thuế thu nhập của công dân. Theo tính toán của các chuyên gia thì nếu mỗi công dân trả đủ thuế thì quỹ 1% này có khoảng 100 triệu EUR mỗi năm để phục vụ cho hoạt động của các Hội, tổ chức phi Chính phủ. Hungary có số lượng Hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động công ích, được hưởng một phần kinh phí từ quỹ 1% nhiều hơn gấp đôi (6.000). Luật về công ích và tình nguyện của Ba Lan; các điều kiện, quyền lợi, ưu đãi đối với các tổ chức công ích trong Luật dân sự năm 1997 của Hungary quy định các tổ chức phi Chính phủ hoạt động không vụ lợi được nhận một phần tiền tài trợ từ quỹ 1% khi chi phí thực tế cho hoạt động công ích vượt quá khả năng chi trả của tổ chức. Các Hội cũng sẽ nhận được tiền tài trợ từ quỹ 1% khi thực hiện những nhiệm vụ được nhà nước ủy quyền (các nhiệm vụ được nhà nước ủy quyền thường là các nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực như lao động, giáo dục, thể dục - thể thao, văn hóa v.v.). Đối với trường hợp này, cũng theo quy định của các văn bản pháp luật nêu trên thì điều quan trọng là các Hội, tổ chức phi Chính phủ phải chứng minh được khả năng, năng lực chắc chắn hoàn thành được nhiệm vụ (thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau như quy mô của tổ chức có tương xứng với mức độ nhiệm vụ không hoặc các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật có đủ để đáp ứng yêu cầu, mức độ đòi hỏi của công việc không v.v.).

Có rất nhiều nguồn tài trợ khác nhau để duy trì, phát triển hoạt động của các Hội, tổ chức phi Chính phủ. Ngoài quỹ 1% như đã nói ở trên, còn có quỹ sáng kiến công dân, quỹ của EU v.v. (các quỹ do nhà nước quản lý, thuộc ngân sách nhà nước). Ngoài ra còn có các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài v.v. Sở dĩ các chủ thể phi nhà nước tài trợ cho các hoạt động công ích vì họ sẽ nhận được sự ưu đãi khi tính thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ như đã nói ở trên.

Để nhận được nguồn tiền tài trợ cho hoạt động từ ngân sách nhà nước các Hội phải làm đơn và thông qua cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Ở Ba Lan cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề này là Hội đồng công ích quốc gia. Hội đồng công ích quốc gia được xem như cầu nối giữ Nhà nước với các tổ chức thuộc khu vực xã hội dân sự. Hội đồng công ích quốc gia có 20 thành viên, trong đó cơ cấu 5 thành viên đại diện cho bộ ngành trung ương, 5 thành viên đại diện cho các địa phương, 10 thành viên đại diện cho các hội, tổ chức phi chính phủ; các thành viên của hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm với nhiệm kỳ là 3 năm. Các thành viên của Hội đồng công ích quốc gia đại diện cho nhóm nào thì do nhóm đó lựa chọn, đề cử. Thủ tướng bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu đối với các thành viên của Hội đồng công ích quốc gia, từ nhiệm kỳ thứ hai đối với các thành viên tái nhiệm sẽ do Bộ trưởng Bộ nội vụ và Hành chính bổ nhiệm.

Đối với Hungary thì việc quyết định cấp kinh phí hoạt động cho các Hội, tổ chức phi Chính phủ từ nguồn ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định trong tổng thể chung của ngân sách nhà nước hàng năm. Ngoài ra còn có các Quỹ công cộng thuộc Bộ Nội vụ phục vụ cho hoạt động cộng đồng tự bảo vệ vì một nước Hungary an ninh hơn (có khoảng 48 quỹ loại này).

1.4. Về tổ chức và phương thức hoạt động của hội, tổ chức phi chính phủ:

- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội là Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu. Còn lại cơ cấu tổ chức của hội quy định trong chính Điều lệ hội.

- Ngoài cơ quan lãnh đạo cao nhất ra, phần lớn các hội có Ban chấp hành (hoạt động với tính chất là tổ chức thường trực của cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội).

- Các bộ phận giúp việc thường có: văn phòng hội (là nơi tiếp nhận thông tin đầu vào và chuyển thông tin đầu ra trong hoạt động của các hội); các ban (là những tổ chức chuyên môn giúp việc cho Ban chấp hành hội (đối với các hội có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động không lớn thì thường là nhiệm vụ của các ban do những người làm việc chuyên môn của hội trực tiếp đảm nhiệm, có trường hợp một người làm việc chuyên môn kiêm nhiệm việc của nhiều ban); các ban chuyên môn của hội thường là ban nghiên cứu, ban tổ chức – đào tạo, ban đối ngoại, ban kiểm tra, ban tài chính - kế toán. Ngoài ra các hội còn có các bộ phận trực thuộc khác như thư viện, thông tin v.v. Đối với những hội có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hạn chế thì hoạt động quản lý điều hành hội tập trung ở những người đứng đầu hội (Chủ tịch hoặc Tổng thư ký hội). Các hoạt động chuyên môn, giúp việc cũng tập trung chủ yếu ở bộ phận văn phòng hội.

2. Kết quả thực tế tổ chức, hoạt động của một số Hội, tổ chức phi Chính phủ

2.1. Liên hiệp các tổ chức xã hội (Ba Lan): Được thành lập năm 2000 với tôn chỉ mục đích chính hoạt động là thực hiện các nhiệm vụ trợ cấp, hỗ trợ xã hội và hội viên. Từ đó đến nay liên hiệp đã có sự phát triển mạnh mẽ, với trên 850 tổ chức thành viên, có các tổ chức liên hiệp ở 15/16 tỉnh trong toàn lãnh thổ Ba Lan. Ban điều hành của liên hiệp có 5 người đại diện của các tỉnh bầu ra theo nhiệm kỳ 2 năm. Văn phòng của liên hiệp có 40 người giúp việc. Liên hiệp là thành viên của hiệp hội các tổ chức phi chính phủ quốc tế, có quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều nước ở Tây Âu, Đông Âu. Liên hiệp có nhiệm vụ chính là phục vụ hạ tầng cơ sở cho các tổ chức thành viên (tìm nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động của liên hiệp và các tổ chức thành viên, đào tạo cán bộ); tham gia hoạt động xây dựng pháp luật về hội, tổ chức phi chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức nội bộ của liên hiệp; phát ngôn viên của cả liên hiệp. Ban điều hành của liên hiệp có nhiệm vụ đại diện cho lợi ích hợp pháp của các hội viên và của liên hiệp, tham gia hoạt động lập pháp về hội, quyết định các biện pháp thực hiện hỗ trợ nhân đạo, làm đầu mối hợp tác hữu nghị giữa các hội của các nước. Các hội viên của liên hiệp có đóng hội phí nhưng theo bạn cho biết thì số tiền này lớn hơn nhiều và có được từ những nguồn khác nhau như: từ nhà nước, các hội kinh tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, liên minh Châu Âu, các nhà hảo tâm v.v.

2.2. Tổ chức nhân đạo (Ba Lan): Được thành lập năm 1998 với tôn chỉ mục đích là hoạt động nhân đạo, từ thiện. Từ đó đến nay hội đã có nhiều đóng góp cho hoạt động nhân đạo, từ thiện không chỉ ở trong nước mà còn đối với các nước khác thuộc Liên minh Châu Âu, chính do những đóng góp tích cực của hội nên 40% kinh phí hoạt động của hội do EU tài trợ. Ban điều hành hội có 6 người nhiệm kỳ 2 năm, có 45 người làm việc trong các bộ phận như văn phòng Quốc hội, phòng tổ chức – đào tạo, phòng kế toán. Chi phí cho hoạt động hành chính của hội là 10%. Khi cần quyên góp để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo, từ thiện hội phải xin phép Bộ Nội vụ và Hành chính và tuân theo các quy định của pháp luật về quyên góp nhân đạo. Cách thức thực hiện quyên góp có thể là đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức đi vận động quyên góp v.v.

2.3. Liên đoàn dân vệ (Hungary): Được thành lập năm 1990 là tổ chức  phi chính phủ trên cơ sở các tổ chức tiền thân là các nhóm dân sự nhằm bảo vệ an ninh, trật tự công cộng. Chính vì mục đích hoạt động của liên đoàn như vậy nên liên đoàn còn có tên gọi khác (không chính thức) là cảnh sát tình nguyện vì mục đích dân sự.

Nhiệm vụ căn bản của liên đoàn là: tạo thế trận an ninh công cộng (bao gồm cải thiện trật tự an ninh xã hội; phòng chống tội phạm; giúp đỡ cảnh sát bắt tội phạm v.v).

Ban lãnh đạo của liên đoàn gồm 6 người do đại diện của các tổ chức thành viên của liên đoàn ở các địa phương bầu lên theo nhiệm kỳ (ông Chủ tịch liên đoàn hiện nay nguyên là thứ trưởng Bộ Nội vụ, một số thành viên khác trong ban lãnh đạo, các ban chuyên môn của liên đoàn trước đây cũng công tác ở Bộ Nội vụ); làm việc tình nguyện, liên đoàn chỉ trả một số khoản chi phí nhất định như: tiền điện thoại, xe đi lại, tiếp khách, các chi phí làm việc tại trụ sở như tiền điện, văn phòng phẩm. Các nhân viên giúp việc cho liên đoàn được nhận một khoản tiền lương do liên đoàn chi trả từ quỹ của liên đoàn do các tổ chức và cá nhân tài trợ.

Tổng số hội viên của liên đoàn khoảng trên 70.000 người với 1.600 tổ chức ở đủ khắp 20 đơn vị hành chính cấp tỉnh (kể cả thủ đô Budapest) của Hungary. Các hội viên làm việc tình nguyện, trong những thời gian mà họ rảnh rỗi. Ở Hungary có khoảng 3.200 đơn vị hành chính cơ sở, với các cụm dân cư trung bình từ 30 đến 50 hộ, hội viên của liên đoàn chia nhau theo dõi, nắm tình hình, phát hiện kịp thời những nghi vấn về dấu hiệu tội phạm, hỗ trợ cảnh sát khi cần thiết v.v. Nét khác biệt giữa hội viên của liên đoàn với cảnh sát không chỉ là ở sắc phục mà còn ở chỗ họ không được vũ trang, làm việc theo chế độ tình nguyện. Hungary coi đây là một mô hình tiêu biểu, hoạt động thành công trong việc bảo vệ trật tự công cộng và xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Trong tương lai liên đoàn sẽ tiếp tục phát triển vì thực tế hiện nay với số hội viên như trên liên đoàn chưa có đủ số lượng người để có mặt ở tất cả các khu dân cư trong toàn quốc.

Để thực hiện các nhiệm vụ của mình liên đoàn dân vệ đã có mối quan hệ phối hợp với các cơ quan nhà nước như: chính quyền tự quản của các địa phương, với cơ quan cảnh sát, với hải quan cửa khẩu. Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn.

2.4. Hội lợi ích công cộng vòng nhẫn trắng (Hungary). Hội này được thành lập năm 1998 và là hội viên của tổ chức cứu nạn thuộc Liên minh Châu Âu từ năm 1998. Ngoài văn phòng chính tại thủ đô Budapest, hội còn có 10 văn phòng đại diện ở các địa phương. Hoạt động chính của hội là hỗ trợ các nạn nhân trong những trường hợp rủi ro ngoài ý muốn. Các hình thức hỗ trợ có thể là vật chất, tinh thần, pháp lý. Trong 16 năm hoạt động từ khi thành lập cho đến nay, hội đã hỗ trợ được trên 26 nghìn nạn nhân, số tiền mà hội đã hỗ trợ cho các nạn nhân lên tới trên 300 triệu Forints (tương đương 1,2 triệu EUR). Trong số các nạn nhân mà hội đã giúp đỡ có các nạn nhân người nước ngoài. Tổng số các nạn nhân người nước ngoài mà hội đã giúp đỡ là 423 trường hợp với số tiền trên 10 triệu Forints (tương đương với khoảng trên 40 nghìn EUR). Cách thức phổ biến mà hội thực hiện để các nạn nhân biết được có sự giúp đỡ của hội trong trường hợp cần thiết là hội có thông báo giúp đỡ đặt tại các đồn cảnh sát, phát tờ rơi.

2.5. Hội bảo vệ (Hungary): Được thành lập năm 1988 với nhiệm vụ chính là giúp đỡ các gia đinh di tản từ các nước phụ cận đến gặp khó khăn, người vô gia cư, trẻ em lang thang, giúp cho hoạt động của các trường dạy trẻ em khuyết tật. Hội có ban lãnh đạo với 4 thành viên chính, có các bộ phận chuyên môn giúp việc như văn phòng, phòng kế toán, phòng hỗ trợ nạn nhân, hợp tác quốc tế; ngoài ra hội còn có các bộ phận độc lập như nơi để những người lang thang ngủ qua đêm (với tổng số 500 giường ngủ), nhà ăn để hỗ trợ những người lang thang một số bữa ăn trong ngày. Hội có 120 nhân viên chính thức và hơn 100 nhân viên tình nguyện. Nhân viên chính thức được hội trả lương từ qũy của hội, có bảo hiểm xã hội. Để trở thành nhân viên chính thức của hội phải làm thử việc 3 tháng nếu được mới công nhận cho làm chính thức. Theo thông tin từ phía hội cho biết thì hiện nay hội đang có kế hoạch mở rộng hoạt động của hội vì qua kết quả điều tra cho thấy hiện có khoảng 20 nghìn người vô gia cư trong khi đó các hội chỉ mới cung cấp được 7 nghìn chỗ ngủ. Kinh phí hoạt động của hội có được từ nhiều nguồn khác nhau như do Bộ Nội vụ tài trợ (ổn định); các tổ chức kinh tế giúp đỡ (trong trường hợp này hội phải gửi quyết toán đến nhà tài trợ để công khai về tài chính), tổ chức hòa nhạc từ thiện quyên góp, được tư nhân hiến tặng tài sản.

Như vậy, tổ chức của các hội tuy có Điều lệ quy định, với các cơ cấu tổ chức bên trong tương đối hoàn chỉnh từ bộ phận lãnh đạo (Trung ương hội) đến các bộ phận giúp việc, các tổ chức trực thuộc. Hội có hội viên, hội viên liên kết, hội viên danh dự. Tuy nhiên cũng có thể thấy tổ chức của các hội ở Ba Lan và Hungary dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Về bản chất tổ chức của các hội là mang tính xã hội (trên cơ sở nghề nghiệp, sở thích, tính tự nguyện phục vụ xã hội v.v.). Do bản chất tổ chức mang tính xã hội nên mối liên kết về tổ chức giữa các hội viên, các tổ chức trực thuộc, các hội thành viên v.v. cũng mang tính xã hội vì thế mức độ ổn định không cao. Mặc dù vậy hoạt động của các hội, tổ chức phi Chính phủ tỏ ra rất có hiệu quả trong bảo vệ lợi ích cho xã hội, cho cá nhân và tổ chức; thể hiện sự giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau giữa con người, công dân trong một xã hội dân sự đang phát triển. Thực tế cho thấy số lượng hội viên của các hội, tổ chức phi Chính phủ hiện nay đang phát triển mạnh lớn hơn rất nhiều so với các tổ chức khác trong xã hội.

Trần Minh Phương

(Nguồn: Website Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ)

Các tin khác
Xem tin theo ngày