Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.174.218
Truy cập hiện tại 2.099 khách
Vì sao nhiều trí thức rời khỏi đơn vị công? Bài 1: Dòng chảy ngược!
Ngày cập nhật 15/08/2008

Câu chuyện “chảy máu chất xám” ở các đơn vị công đang thực sự là đề tài nóng bỏng khi chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết các sở ngành trên địa bàn thành phố đều phải đối mặt với hàng loạt những cuộc “ra đi” của các cán bộ công chức trong đó có không ít người sẵn sàng từ bỏ những vị trí chủ chốt ở các cơ quan công quyền để về làm… dân.

Ồ ạt ra đi

Đầu năm 2007, TS-BS Hồ Mạnh Tường, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện (BV) Từ Dũ nộp đơn xin thôi việc. Sự kiện này đã nhanh chóng tạo nên “dư chấn” trong dư luận khi lần đầu tiên có một người dám từ bỏ một vị trí quan trọng trong một đơn vị danh tiếng với mức thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng để về… nghỉ ngơi!

Lý do xin thôi việc của BS Hồ Mạnh Tường: dành thời gian học tập nâng cao chuyên môn, càng khiến dư luận sốc hơn khi anh là một người được đánh giá rất cao về năng lực chuyên môn và dày dạn kinh nghiệm trong công việc quản lý.

BS Tường là một trong số ít những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) được giới chuyên môn quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Điều đáng nói là sau BS Tường, hàng loạt các BS của Khoa Hiếm muộn và một số khoa khác của BV này cũng đồng loạt xin thôi việc hoặc chuyển qua một đơn vị khác.

Không chỉ Từ Dũ phải đối mặt với “làn sóng ra đi” của hàng loạt BS có tay nghề, những chuyên gia đầu ngành, các BV công khác trên địa bàn TPHCM cũng đang lao đao trước sự ra đi ồ ạt này.Từ năm 2007 đến nay, chỉ tính riêng ngành y tế TPHCM đã có trên 200 BS, nhân viên y tế ở các BV công xin thôi việc. Trong đó, dẫn đầu bảng là các đơn vị: Từ Dũ (17 người); Nguyễn Trãi (16); Cấp cứu Trưng Vương (14). Rầm rộ hơn cả là tại BV Thống Nhất - BV Trung ương đóng trên địa bàn TP, chỉ trong một thời gian ngắn đã có 70 người dứt áo ra đi đầu quân cho các đơn vị y tế ngoài công lập.

Ngoài cú sốc của ngành y tế, các sở ngành khác cũng từng rúng động khi chứng kiến sự ra đi của nhiều vị lãnh đạo chủ chốt. Đầu tiên là trường hợp của ông Lương Văn Lý, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM, với quyết định từ quan làm dân. Kế tiếp ông Lý là 2 người đồng nhiệm của ông là: ông Lê Nhật Tân, Phó Giám đốc Sở Du lịch và ông Lê Văn Công, Phó Giám đốc Sở Thương mại cũng làm đơn xin thôi việc ra mở công ty riêng.

Cơn dư chấn” này còn bị cộng hưởng thêm bởi sự ra đi của hàng loạt cán bộ cấp trưởng, phó phòng, chuyên viên. Riêng tại Sở Kế hoạch – Đầu tư, sau ông Lý đã có hai phó phòng Xúc tiến đầu tư cũng làm đơn xin thôi việc. Đặc biệt, tại Viện Kinh tế TPHCM – cơ quan đầu não nghiên cứu, tham mưu cho UBND TPHCM các chính sách phát triển kinh tế của thành phố - cũng có 20 cán bộ nộp đơn xin thôi việc.

Dòng chảy ngược

Chuyện từ quan làm dân thực sự là một dòng chảy ngược mà nhiều người cố vớt vát khi cho rằng: nguyên nhân sự ra đi của các cán bộ chủ chốt là do nguồn thu nhập! Tuy nhiên, thực tế có phải tất cả đều ra đi vì sức hút của đồng tiền?

Một chuyên gia đầu ngành y tế đã đau xót nhận xét: Từ trước đến nay, được làm ở BV công, nhất là những BV danh tiếng luôn đem lại cho các BS niềm tự hào khi họ được nâng cao uy tín và vị thế trong nghề. Nhưng nay, ngay cả những điều cao quý này với nhiều BS cũng không còn là thiết thân nữa! Thực sự đang có một dòng chảy ngược trong câu chuyện “chảy máu chất xám” của ngành y tế hiện nay.

Trở lại câu chuyện của BV Từ Dũ. Trong số 10 cán bộ, BS của Khoa Hiếm muộn xin thôi việc trong năm 2007, đến nay chỉ có 1 người đi làm cho một BV ở Philippines với mức lương 3.000 USD/tháng; 2 người đầu quân cho BV tư V.H. với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng (thấp hơn nhiều so với mức thu nhập khi họ còn ở Từ Dũ)...

Còn lại đa phần đều chọn cách kiếm học bổng du học giải khuây hoặc ở nhà chờ nơi làm việc thích hợp, mặc dù theo TS-BS Hồ Mạnh Tường, nhân sự từ Khoa Hiếm muộn của Từ Dũ luôn được đánh giá cao, nhiều nơi sẵn sàng trải thảm đỏ đón họ về làm.
Không chỉ trong nước, nhiều nước trong khu vực mơ có một ê kíp làm TTTON như Từ Dũ. Đây là một trong 20 trung tâm có thể làm được 2.000 chu kỳ/năm với nhân sự chỉ có trên 20 người với tỷ lệ thành công rất cao.

Điều đáng nói là với cơ chế tự chủ tài chính và triển khai một số phần làm dịch vụ, thu nhập của các cán bộ, BS của Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ nói riêng và một số BV công nói chung hiện đã được nâng lên rất nhiều. Thậm chí nhiều nơi còn cao hơn cả mức lương ở các BV ngoài công lập.

Điển hình như BS V., người từng giữ kỷ lục đóng thuế thu nhập tại một BV công với mức thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng (từ lương + phụ cấp ngoài giờ + phụ cấp làm dịch vụ) hiện về đầu quân cho một BV tư với mức lương chỉ bằng 1/3 mức thu nhập cũ.
Nhưng theo BS V.: Thu nhập dù thấp hơn nhưng bù lại môi trường làm việc tốt hơn, công bằng và cạnh tranh lành mạnh hơn, mọi người đều được tạo điều kiện tốt nhất để phát huy năng lực chuyên môn chứ không phải lo đấu đá, bè cánh…

Câu chuyện của Từ Dũ cũng giống như chuyện đã xảy ra ở Ngân hàng Nhà nước – đơn vị được Thủ tướng cho cơ chế đặc thù với hệ số lương cán bộ cao gấp 3 lần hệ số thông thường, nhưng một số cán bộ chủ chốt của đơn vị này vẫn rời nhiệm sở ra làm ngoài!

Theo website Sài Gòn Giải Phóng

Các tin khác
Xem tin theo ngày