Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.015.681
Truy cập hiện tại 7.791 khách
CÔI VÀ LỜI HỨA ĐI HỌC LẠI
Ngày cập nhật 23/08/2016

“Tôi đã thực hiện đúng lời hứa của mình, đã thi đậu và sẽ đi học trở lại” - Phạm Thị Côi gọi điện báo cho phóng viên Tuổi Trẻ như thế khi biết tin mình đậu Đại học. 

Nhớ mẹ, Phạm Thị Côi chỉ biết đến chùa nguyện cầu trong ngày lễ Vu lan - Ảnh: NGỌC HIỂN

“Còn cha còn mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây” - câu ca ấy dường như đã vận vào thân phận của nữ sinh tên Côi. Nhưng khi cô học trò này đã quay lại giảng đường từ vai của một người công nhân, chuyện về Côi càng trở nên đẹp hơn

Năm ngoái, vào thời điểm này, khi Tuổi Trẻ đang tiếp nhận hồ sơ nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của tân sinh viên nghèo Quảng Ngãi thì nhận được tin Phạm Thị Côi (19 tuổi, quê ở thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) không nộp xét tuyển mà sẽ đi làm công nhân.

Dù các phóng viên Tuổi Trẻ, thầy cô và bạn bè đều khuyên nhủ nhưng Côi một mực đi làm và gửi cho chúng tôi tin nhắn: “Tôi hứa năm sau sẽ đi học”.

Và lần này, Côi đã quay trở lại thực hiện lời hứa bước vào giảng đường đại học của mình, trở thành tân sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Mồ côi nên đặt tên Côi

Chúng tôi gặp Côi tại chùa Một Cột (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đúng vào ngày lễ Vu lan. Hai mùa Vu lan rồi Côi không còn mẹ. 19 năm sống trên đời Côi cũng không có cha.

Vì côi cút giữa đời mà người mẹ nghèo khó đã đặt tên con là Côi. Từ khi biết ý nghĩa của cái tên, Côi bắt đầu tự ti khi nghe ai đó gọi tên mình. Côi không muốn mình mang thân phận đứa con mồ côi cha ngay trong cái tên. 

Côi sống với mẹ và bà ngoại trong một căn nhà lụp xụp ở vùng đất thuần nông Bình Hiệp. Mang tiếng là nhà nông nhưng gạo làm ra không đủ ăn. Mẹ Côi dù bị gai cột sống vẫn phải đi làm mướn để lo miếng ăn cho ba bà cháu.

Con nhà khó. Năm lên lớp 2 mẹ đã tập cho Côi đi chợ, nấu ăn, đến năm lớp 5 phải đội nón theo mẹ ra đồng gặt lúa. Đến năm lớp 7 thì bà ngoại mất. Lần đầu tiên trong đời Côi cảm nhận nỗi cô quạnh khi mất đi người thân và cái khổ của phận nghèo.

Ít ai có thể hình dung Côi lớn lên với những bữa cơm trắng trộn với đường, thức ăn toàn rau luộc chấm nước mắm, sang lắm thì nấu mì gói với rau để làm chén canh.

“Mỗi lần mẹ đưa tiền đi chợ, tôi cứ đi thẳng ra sạp rau, không dám bước sang sạp cá, hàng thịt. Thèm lắm nhưng cứ nín nhịn, hiếm hoi lắm mới mua một bữa thịt về ăn cơm” - Côi kể.

Để có tiền mua sách vở, suốt những ngày hè Côi phải đội nắng đi làm mướn cho vườn ươm. 12 năm học Côi chưa bao giờ biết mùi thơm của sách mới. “Cứ đầu hè là đi mua lại sách cũ mà người ta bán theo ký chứ không phải theo bộ” - Côi nói.

Vậy nhưng chưa bao giờ người mẹ để con phải dừng bước trên con đường học. Đêm đêm, Côi học đến 12g mẹ vẫn thức cùng để con gái không thấy quạnh vắng giữa đêm đen...

Gian nan nuôi một ước mơ

Cuộc đời Côi như rơi xuống ngục tối khi mẹ qua đời quá đột ngột sau một ngày nhập viện vì đau lưng. Năm đó Côi học lớp 11, người mẹ nghèo khổ của Côi mới bước sang tuổi 57.

Bệnh viện không có câu trả lời, mẹ chưa nói được một lời trăng trối, Côi như người điên dại, bế tắc. Không có cha, 12 tuổi mất bà, 17 tuổi mất mẹ.

Phận mồ côi như quật ngã sức chịu đựng, đã có lúc Côi nghĩ đến cái chết... Thương cháu, người cậu của Côi về ở cùng, cưu mang để cháu bước tiếp con đường học vấn.

Năm ngoái khi vừa thi xong tốt nghiệp THPT, Côi đi thẳng vào Sài Gòn làm công nhân mà không nộp hồ sơ xét tuyển đại học dù kết quả khối D được 18 điểm.

“Tôi thức trắng bảy đêm trước khi quyết định vô Sài Gòn. Tôi muốn đi học nhưng không thể nào xoay xở được, cậu tôi còn bảy người con, có chị cũng mới vào đại học. Buồn lắm, tủi lắm nhưng phải chấp nhận số phận chứ biết sao giờ” - Côi kể.

Làm việc đúng một tháng, khi thấy bạn bè nhập học Côi bắt đầu dằn vặt: nếu cứ làm công nhân thì giấc mơ của bản thân và ước muốn con gái thành công trên con đường học của người mẹ đã khuất sẽ lụi tàn.

Làm được bốn tháng, Côi đưa ra quyết định táo bạo của cuộc đời: bỏ việc. Không nói cho ai hay, Côi về quê vừa làm thêm vừa ôn luyện rồi thi đạt số điểm 21,5 và đăng ký vào học tại ĐH Ngân hàng TP.HCM.

“Giờ cầm tờ giấy báo, tôi lại mang nỗi lo của năm ngoái. Nhưng nghĩ đến ước nguyện của mẹ, tôi bằng mọi giá phải đi học” - Côi rưng rưng nước mắt kể.

Côi hỏi han, vay mượn khắp nơi để có tiền đóng học phí bước đầu. Trước khi lên xe, cậu lận lưng cho cháu gái 2 triệu đồng rồi nói: “Thôi cậu không có gì, con cầm ít tiền vô đó đặng lo liệu”. Cúi đầu nhận tiền, Côi đến bên bàn thờ thắp nhang lạy mẹ, lạy bà ngoại rồi lên xe. Cũng như chuyến xe năm ngoái, Côi một thân một mình ra đi cùng đôi mắt đỏ hoe suốt chặng đường vào Nam.

Nhưng lần này ngoài những giọt nước mắt hờn tủi, còn có những giọt nước mắt vui mừng. Bởi Côi đang bước đi trên con đường thực hiện ước mơ của cuộc đời, hiện thực niềm ao ước của người mẹ đã mất, dù biết rằng sẽ còn lắm gian truân... 

“Con bé nghị lực lắm”

Thầy Lê Đình Diệp, giáo viên chủ nhiệm của Côi, bảo rằng từng rất sốc và thấy mình bất lực khi nghe Côi nghỉ học. Giờ hay tin Côi đậu đại học, thầy Diệp mừng rơi nước mắt.

“Con bé nghị lực lắm, cái gì cũng làm một mình. Làm thầy như tôi chỉ còn biết hi vọng em vững tin trên hành trình đầy chông gai phía trước của mình. Hi vọng trong hành trình đơn độc của Côi sẽ có nhiều người biết đến và giúp đỡ” - thầy Diệp nói.

 

NGỌC HIỂN - TRẦN MAI ngochien@tuoitre.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày