Chương trình diễn ra từ ngày 28-6 đến 5-7 với các nội dung: tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ an ninh cho thí sinh, giới thiệu nhà trọ miễn phí, giá rẻ, hướng dẫn nơi ăn uống giá rẻ an toàn, hỗ trợ đi lại, làm thủ tục dự thi...
Chương trình diễn ra trên toàn quốc với sự tham gia của gần 1.900 đội tình nguyện và 74.000 sinh viên. Công tác hỗ trợ thí sinh có nhiều nét đổi mới.
Theo đó, sẽ phân cấp rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của Đoàn thanh niên, hội sinh viên các tỉnh, thành với các trường cao đẳng, đại học, học viện chủ trì tổ chức cụm thi.
Tại các tỉnh, thành lần đầu tổ chức thi THPT quốc gia, ban tổ chức sẽ tập huấn kỹ năng tiếp sức mùa thi cho các tình nguyện viên, đồng thời trang bị đồng phục và cơ sở vật chất phục vụ tác nghiệp.
Ngoài ra, trong thời gian diễn ra kỳ thi, các thí sinh có thắc mắc có thể nhận tư vấn trực tuyến từ đại diện Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn và chuyên gia tâm lý trên trang điện tử và fanpage của báo Thanh Niên.
Anh Lê Quốc Phong - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam - cho biết mục tiêu lớn nhất của chương trình năm nay là giúp đỡ tối đa cho thí sinh và người nhà, giúp kỳ thi diễn ra an toàn, thành công nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Nghĩa - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chương trình Tiếp sức mùa thi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giảm bớt khó khăn cho thí sinh, thể hiện tinh thần trách nhiệm của thanh niên với cộng đồng xã hội.
Mở đường dây nóng tại mỗi cụm thi
Ban tổ chức thiết lập số điện thoại đường dây nóng tại mỗi cụm thi ở 63 tỉnh, thành để tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của thí sinh từ việc di chuyển, ăn nghỉ đến hồ sơ thủ tục dự thi, hướng dẫn thí sinh đến các điểm tiếp sức...
Để biết số điện thoại đường dây nóng của mỗi tỉnh thành, thí sinh có thể truy cập vào website của Hội Sinh viên Việt Nam tại: www.hoisinhvien.com.vn.
|