Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.157.824
Truy cập hiện tại 2.903 khách
DẤU ẤN THANH NIÊN Ở “CÙ LAO KHÁT”
Ngày cập nhật 18/05/2016
Niềm vui của người dân “cù lao khát” khi không còn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt - Ảnh: T.M.

Chi đoàn thôn Mỹ Tân (Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã kéo nước sạch về tận nhà của khoảng 900 hộ dân, giải quyết câu chuyện thiếu nước sạch bao đời ở xóm Mỹ An - nơi gắn liền với cái tên “cù lao khát”.

“Cù lao khát” - cái tên gắn liền cùng xóm Mỹ An từ thời xa xưa với tám tháng thiếu nước, bốn tháng còn lại người dân sống dựa vào nguồn nước mưa là chủ yếu. Ông Nguyễn Hữu Quân, bí thư chi bộ thôn Mỹ Tân, nói trong khoảng 900 hộ dân thì có 600 hộ phải đi mua nước về sử dụng, 300 hộ dân còn lại phải sử dụng nước nhiễm phèn mặn từ công trình nước sạch xuống cấp sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng.

Để giải khát cho cù lao Mỹ An, không biết bao nhiêu cuộc họp dân đã được tổ chức. Trong những cuộc tiếp xúc cử tri, đây cũng là vấn đề nóng được nhắc đến. Chính quyền đã cố tìm cách giải quyết nhưng cũng đành bó tay. Tưởng chừng như không thể giải quyết được vấn đề thiếu nước ở xóm Mỹ An thì chi đoàn thôn Mỹ Tân đã vào cuộc.

Quyết tâm đưa nước sạch về “cù lao khát”, anh Nguyễn Tiến Pháo, bí thư chi đoàn thôn Mỹ Tân, đã bàn bạc với đoàn viên thanh niên thôn và phương án được đưa ra là phải liên hệ được với Nhà máy nước Dung Quất Vinaconex để hợp đồng đưa nước máy về cho dân sử dụng.

Thế nhưng khi hỏi thì kinh phí kéo nước quá cao, người dân nghèo khó lòng kham nổi. Pháo nảy ra ý tưởng chỉ hợp đồng phần cấp nước, còn lại việc thiết kế, lắp đặt đường ống do đoàn viên thanh niên tự làm. Kinh phí dự trù 3,5 tỉ đồng giảm xuống chỉ còn 1,8 tỉ đồng.

Nhưng 1,8 tỉ đồng không phải là con số nhỏ. Ông Quân là người hiểu rõ nhất quyết tâm của chi đoàn, nhưng bản thân ông cũng không dám tin công trình kéo nước với bao cuộc họp vẫn không giải quyết được mà đoàn viên thôn lại có thể thực hiện thành công.

Tuy nhiên, khi anh Pháo bàn luận và đưa ra một kế hoạch chi tiết thì đã thuyết phục được ông. Kế hoạch soạn thảo của chi đoàn thôn trải qua năm cuộc họp cùng dân với nhiều ý kiến, đoàn viên thôn giải thích cặn kẽ đã thuyết phục được sự đồng thuận.

“Phải nói là đám trẻ quá nhiệt huyết. Thuyết phục người dân không phải chuyện dễ dàng, nhưng bọn trẻ đã đến tận nhà từng hộ để giải thích. Chính sự gần gũi và thân thiện của thanh niên là chìa khóa để nhận được cái gật đầu của 900 hộ dân” - ông Quân nói.

Mất hai tháng thuyết phục người dân nhưng việc đấu nối đường ống đã được đoàn viên thanh niên thôn tiến hành một cách nhanh nhất. Cả nghìn ngày công của những người trẻ đã được huy động để giải quyết “cơn khát” cho dân.

Chỉ 15 ngày, từ Nhà máy nước Dung Quất Vinaconex, đường ống đã vượt qua xã Bình Thạnh, băng qua đường Trì Bình - Dung Quất tiến vào cù lao Mỹ An. Thêm 15 ngày nữa, đồng hồ, đường ống dẫn nước đã vào tới từng hộ dân. “Tính ra từ lúc đưa ý tưởng rồi vận động người dân tham gia đến khi nước về đến nhà dân, chúng tôi tốn 90 ngày. Bà con thấy nước mừng, mình cũng mừng vì đã góp phần thay đổi cuộc sống của một vùng đất” - anh Pháo tâm tình.

“Cảm ơn mấy đứa thanh niên, không có mấy đứa nhỏ thì thiếu nước dài dài” là những câu mà chúng tôi nghe người dân Mỹ An nói nhiều nhất. Ở cù lao Mỹ An, xóm Dừa là nơi thiếu nước trầm trọng nhất. Theo chân anh Pháo đến khu vực này và thật sự thấy “cù lao khát” đã được đoàn viên thanh niên xóa sổ. Bà Nguyễn Thị Sáu (42 tuổi) tâm sự: “Có nước sạch dùng thoải mái ai mà không vui”.

Anh Nguyễn Thanh Thương, bí thư Huyện đoàn Bình Sơn, nói đây là việc làm quá ý nghĩa. Huyện đoàn kỳ vọng sẽ có thêm nhiều công trình thanh niên hữu ích cho cuộc sống như chi đoàn thôn Mỹ Tân vừa hoàn thành” - anh Thương nói.

TRẦN MAI
Các tin khác
Xem tin theo ngày