Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.158.241
Truy cập hiện tại 77 khách
Bỏ quên di sản Chăm: Linh thiêng điện Hòn Chén
Ngày cập nhật 27/04/2016
Điện Hòn Chén trong lễ hội Huyền thoại sông Hương Ảnh: Trung tâm BTDT cố đô Huế

Điện Hòn Chén nằm trên núi Ngọc Trản soi bóng bên dòng sông Hương (thuộc xã Hương Thọ, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) là chốn linh thiêng trong văn hóa tâm linh của những tín đồ thờ Mẫu.

Đền thiêng với giai thoại chén ngọc

Theo dân gian, điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”. Chuyện kể rằng, vua Minh Mạng trong một lần ngự thuyền trên sông Hương, khi đến khúc sông trước điện Hòn Chén đã lỡ tay đánh rơi một chiếc chén ngọc xuống sông sâu. Những tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Giai thoại là vậy nhưng trong các văn bằng, sắc phong chính thức của các vua Nguyễn, thì ngôi điện vẫn xuất hiện với tên chính thức “Ngọc Trản Sơn Từ” (đền thờ ở núi Ngọc Trản).

Theo ông Phạm Đức Thành Dũng (Phòng Nghiên cứu của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế) trong quần thể di tích cố đô Huế, núi Ngọc Trản xưa kia có tên Hương Uyển Sơn, sau đổi thành Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc), dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chén úp. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh Mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén.

Năm 1885, sau khi lên ngôi, vua Đồng Khánh đã cho tu sửa lại điện Hòn Chén và... “hạ mình” xưng thần dưới trướng của bà Thiên Y A Na. Giai thoại kể lại rằng, trước khi đăng quang, vua Đồng Khánh từng lên đây cầu nguyện và chính bà Thiên Y A Na đã báo quẻ cho hoàng tử biết ngày đăng quang lẫn ngày tạ thế. Sau khi lên làm vua, thấy linh nghiệm, vua Đồng Khánh đã cho xây lại đền khang trang, đổi tên ngôi đền là Huệ Nam Điện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu. Theo đó, Huệ Nam có nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam.

Sách Đại Nam thực lục ghi: “Vua (Đồng Khánh) khi còn ẩn náu thường đến chơi xem núi ở đây. Mỗi khi đến cầu khẩn, phần nhiều có ứng nghiệm. Đến nay vua phê bảo rằng: Đền Ngọc Trản thực là núi Tiên Nữ, linh sơn sáng đẹp muôn đời, trông rõ là hình thế như con sư tử uống nước sông, quả là nơi chân cảnh thần tiên. Đền ấy nhờ được linh khí đắc nhất, cứu người độ đời, giúp cho phúc lợi hàng muôn, giúp dân giữ nước, vậy cho đổi đền ấy làm điện Huệ Nam để biểu hiện ơn nước một phần trong muôn phần”.

Chưa được phát huy giá trị

Điện Hòn Chén nguyên là ngôi đền thờ nữ thần Po Nagar của người Chăm. Sau đó, người Việt đã dung hợp và phát huy tín ngưỡng này thành nơi thờ Mẫu, các vị thần của người Việt. Hằng năm vào các dịp tháng 3 và tháng 7 âm lịch, lễ hội điện Hòn Chén thu hút hàng vạn du khách, tín đồ đến hành lễ, cầu nguyện. Ngoài hai dịp lễ hội, điện Hòn Chén cũng là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn hằng năm.

Nghi lễ điện Hòn Chén được tổ chức rất long trọng trong vòng 3 ngày thành một chuỗi lễ nghi tâm linh độc đáo. Bắt đầu là lễ tế thành hoàng, thổ địa tại đình làng Hải Cát. Sau đó đám rước mang bàn thờ Thánh, long kiệu Thánh Mẫu, hòm sắc vua phong và các khí tự như tán, cờ, quạt... trong tiếng nhạc của phường hát văn và phường bát âm. Long kiệu của Thánh Mẫu do các trinh nữ ăn mặc sặc sỡ khiêng; còn các bà, người mang bình hương, ống trầu, bình trà, hòm đựng đồ trang sức, kẻ mang cờ, biển, tàn, lọng, gối, quạt... Thanh niên thì vác các đồ lễ bộ, bát bửu và các tự khí khác.

Đám rước đưa Thánh Mẫu trở lại điện Hòn Chén để bắt đầu nghi lễ chính thức. Trong suốt 3 ngày, từ ngày khai hội đến ngày kết thúc, các tín đồ sẽ tổ chức hát văn, lên đồng, hầu bóng suốt đêm. Đây được xem là một lễ hội tâm linh độc đáo, hòa quyện giữa văn hóa dân gian và cung đình, giữa tín ngưỡng người Chăm và người Việt.

Mặc dù là điểm du lịch hấp dẫn như vậy, nhưng hầu như tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn chưa có chính sách đầu tư để khai thác tiềm năng của di tích độc đáo này. Đến nay, con đường ô tô, bãi đỗ xe cho du khách chưa có. Du khách muốn đến điện Hòn Chén nếu không đi theo đường thủy, thì chỉ còn đi trên con đường làng của người dân thôn Hải Cát.

Bên cạnh đó, lễ hội từ xưa đến nay đều mang tính tự phát, mặc dù đơn vị quản lý là Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế có phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan tổ chức, nhưng chưa đi vào bài bản. Ví như tại di tích trong thời điểm diễn ra lễ hội quy tụ hàng vạn người nhưng không có nơi đốt vàng mã, sân hành lễ, khu vực dịch vụ thức ăn, nước uống... nên tất cả đều do những hộ kinh doanh thời vụ đảm trách.

Tại đây cũng không có khu vực neo đậu thuyền an toàn, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, thu gom rác... Tất cả rác thải đều trút xuống sông Hương. Sau mỗi mùa lễ hội, dòng sông trở thành nơi chứa rác và cũng đã không ít lần xảy ra tai nạn đắm thuyền, cháy nổ.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (đơn vị quản lý di tích điện Hòn Chén), cho biết dự án xây dựng đường vào điện Hòn Chén, nối từ cầu Tuần về đến điện Hòn Chén được Sở KH-ĐT bố trí vốn và giao UBND TX.Hương Trà đầu tư, hiện đã làm được một phần. Riêng việc trùng tu điện Hòn Chén, theo chủ trương của UBND tỉnh, vốn đầu tư được yêu cầu lấy từ nguồn xã hội hóa. Hiện nay, trung tâm vận động được khoảng gần 800 triệu đồng, nhưng do điện Hòn Chén thuộc quần thể di tích cố đô, là di tích cấp quốc gia đặc biệt, thuộc nhóm A, nên các thủ tục đầu tư trùng tu hiện nay vô cùng phức tạp.

 
Bùi Ngọc Long
Các tin khác
Xem tin theo ngày