Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.162.524
Truy cập hiện tại 1.165 khách
Bức thư của bà: Tết này bà chỉ thiếu mỗi cháu về
Ngày cập nhật 22/01/2016

Một sáng thứ Bảy se lạnh cuối năm, đang ngủ nướng thì tôi bị đánh thức bởi câu nói lạ lẫm, cứ như trong mơ: “Nhà có thư này, gia đình ra nhận thư này”. 

Từ bao năm nay, tôi đều làm việc qua email, mà cũng chẳng ai “rỗi hơi” để viết thư tay nữa để mà nhận. Ai có thể gửi thư được nhỉ?

Dũng nhau nhẩu chạy ra cổng nhận thư rồi phấn khích: “Là thư của con đó, không phải của bố đâu nhá, bà nội gửi thư cho con nè”.

Trong những sự bất ngờ của cuộc sống này, có lẽ, cánh thư từ người thân phương xa là nỗi bất ngờ ngọt ngào nhất. Cả nhà xúm xít lại để nghe Dũng đọc bằng cái giọng ngọng nghịu của cậu học sinh lớp Một.

“Dũng yêu quý của bà, bà nội của cháu đây, cháu nhớ bà chứ? Bà rất nhớ cháu. Lẽ ra bà gọi điện thoại để gặp cháu, nhưng vừa rồi nghe bố cháu bảo nay Dũng đã đọc giỏi lắm, bà viết thư để cháu đọc đây.

Giờ này trong Nam trời còn nắng lắm phải không cháu? Bà ở ngoài Bắc rét lắm. Cháu còn nhớ năm trước về với bà không? Khi đó, Dũng đã mặc ba quần, bốn áo rồi mà vẫn còn rét, đòi bà mặc thêm. Đêm giao thừa, ngồi canh bánh chưng thì đòi rúc vào lòng bà cho ấm đấy? Trời trở rét làm bà nhớ Dũng nhiều hơn…”.

Tôi như lặng đi khi nghe con đọc thư. Chắc thằng bé cũng xúc động, đọc chậm dần, thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn bố mẹ.

“Năm nay bà đã đan cho Dũng một chiếc áo len rất dày màu xanh, màu mà cháu thích đấy. Bà biết là cháu của bà đã lớn lắm rồi nên đã đan rộng. Cháu mặc chiếc áo vào, trông sẽ rất đẹp trai….”.

Đến đoạn này thì tôi không nén được xúc động, ngoái đi, cố giấu ánh mắt rưng rưng.

“Vừa rồi bà nghe bố cháu bảo Tết năm nay có thể cháu không về, cháu muốn ăn Tết ở Sài Gòn phải không? Cháu mà không về, bà biết ăn Tết thế nào? Phòng của gia đình cháu, bà đã chuẩn bị cả rồi, chăn, gối, màn bà cũng đã giặt sạch sẽ cả rồi. Cháu không về, ai canh bánh chưng cùng bà? Cháu còn nhớ năm trước, cháu bảo cháu phải cố gắng thức để canh chừng bà không? Ở quê mình chỉ có thế cháu ạ, toàn những món truyền thống: bánh chưng, gà luộc, chân giò hầm măng. Trời thì rét và mưa phùn. Tết không có mâm cao cỗ đầy nhưng ấm áp tình thân cháu ạ. Bà mong cháu về sớm để ăn Tết với bà đây”.

Dũng quay qua hỏi “bà viết là tình thân, tình thân nghĩa là gì hở bố?”.

Tôi xoa đầu con, lặng người. Đã hơn 20 năm tôi mới được cầm lại lá thư tay. Ngày ấy, tôi rời Bắc Ninh vào Sài Gòn học đại học, mỗi lần biên thư tay về cho mẹ bao giờ cũng “Mẹ ơi mẹ đẹp như tiên. Mẹ thêm dấu huyền mẹ gửi cho con”. Rồi sau đó là một lá thư dài bốn, năm trang giấy của mẹ hồi âm. Cũng chính nét chữ nông dân liêu xiêu này, mẹ đã viết thư cho con trai biết bao nhiêu lần, dặn dò đủ thứ. Mẹ tôi rất đặc biệt, dù là nông dân nhưng không ngại bày tỏ tình cảm. Kết thúc lá thư bao giờ cũng “mẹ rất nhớ con, mẹ yêu con rất nhiều”.

Cầm lá thư trên tay, tôi chỉ nghĩ một điều duy nhất: Muốn mua vé xe để đưa vợ con về với mẹ ngay, dù đường xa, bến xe có chật chội, chen lấn đến thế nào.

Cách đây vài tuần, Dũng xin ở lại Sài Gòn ăn Tết để được xem pháo hoa đêm giao thừa và vào Đầm Sen chơi băng đăng. Vợ chồng tôi cũng có phần xuôi theo nguyện vọng của thằng bé vì nghĩ lại những ngày Tết rét mướt cũ mà… ngại, sợ con ốm.

Nhưng mẹ già như chuối chín cây, còn ở bên con cháu được mấy cái Tết nữa đây?

Áo len bà đã đan để chờ, khó khăn mấy cháu cũng phải về để mặc.

Lê Quang Đạo (quận Tân Phú) (theo tuoitre.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày