Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.035.703
Truy cập hiện tại 863 khách
Để giới trẻ hội nhập mà không hòa tan
Ngày cập nhật 24/12/2015

Sáng 23-12, tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trung ương Hội Sinh viên VN và báo Tuổi Trẻ tổ chức giao lưu “Tuổi trẻ VN - Câu chuyện hòa bình” với chủ đề “Lập nghiệp và hội nhập”.

 

 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ nhiều câu chuyện về giới trẻ và hội nhập từ chính trải nghiệm của mình - Ảnh: Việt Dũng.

Đến tham dự buổi giao lưu với hàng trăm sinh viên, bà Tôn Nữ Thị Ninh (cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Liên minh châu Âu), ông Phạm Phú Ngọc Trai (một trong những nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc nhất VN, cố vấn chương trình “Câu chuyện hòa bình”) và nhà báo, MC Diễm Quỳnh (phó giám đốc Trung tâm truyền hình VTV6) đã chia sẻ nhiều câu chuyện từ chính trải nghiệm của họ.

Hội nhập là gì?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng: “Thanh niên chúng ta bây giờ, tôi mạn phép thấy rằng chỉ lướt bề mặt chứ chưa đi sâu vào lực mà hội nhập tác động đến mình. Không cần ai bảo nhưng thanh niên nam nữ VN hội nhập về ăn mặc rất nhanh. Sự “nhanh nhảu” đó có được là tốt nhưng chưa phải là cốt lõi. Vì thế, tôi hi vọng rằng trong số các bạn đang hội nhập về thời trang sẽ có những bạn có sáng tạo, tác động trở lại thế giới, chứ không thể chỉ mua đồ của nước ngoài để mặc”.

Theo bà Ninh, câu chuyện về hội nhập gắn liền với câu chuyện tùy thuộc lẫn nhau. Vì thế, mỗi người cần phải nhớ, làm bất cứ việc gì, hành động gì cũng đều có ảnh hưởng đến người khác và chỗ khác.

“Khi xuất phát từ quan điểm như vậy thì bài toán đặt ra là giới trẻ VN phải biết tranh thủ cơ hội, với sự sắc bén, thông minh và phải có bản lĩnh. Thế giới bao la đầy cơ hội, nhưng có nhiều điều rất khó hiểu, khó lường và cả những nguy cơ, nguy hiểm. Sự thông minh và bản lĩnh ở đây chính là tìm được viên ngọc trong cái mớ bòng bong đó” - bà Tôn Nữ Thị Ninh nêu.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai nhận xét qua buổi giao lưu tại Đà Nẵng ngày 22-12, ông nhận thấy các bạn sinh viên đang hiểu về hội nhập một cách rất chung chung, chưa rõ định hình từ góc độ của những sinh viên sẽ là những trí thức của tương lai.

“Đầu tiên chúng ta phải có kiến thức về hội nhập, để có thể hiểu được vị trí của sinh viên trong quá trình hội nhập và nắm bắt các cơ hội. Các bạn cần phải có kiến thức để tiếp nhận sự thay đổi và xử lý sự thay đổi đó như thế nào, để mang lại kết quả tốt nhất” - ông Ngọc Trai nói.

MC Diễm Quỳnh chia sẻ câu chuyện của riêng mình: “Khi được mời làm trưởng đoàn của đoàn thanh niên VN tham dự Chương trình thanh niên châu Á, tôi phát hiện ra rằng hội nhập không đơn giản như chúng ta nghĩ là chúng ta được đặt vào cái hội trường như thế này. Hội nhập là làm thế nào để mọi người nhận thấy mình, nhìn ra mình, và mình trở thành một thành tố không thể thiếu của quá trình hội nhập.

Còn nếu mình là một thành tố nhưng chưa được người khác nhận ra, chưa được nhìn thấy thì chúng ta chỉ đóng vai trò là “quan sát viên” mà thôi. Hiện nay, vai trò của VN đã thay đổi trong quá trình hội nhập với thế giới, nên chúng ta không thể xuất hiện với vai trò “đi theo”, “vỗ tay” như trước được nữa”.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai tâm sự về thành công, thất bại của mình trong kinh doanh - Ảnh: Việt Dũng

Người trẻ VN cần gì để hội nhập?

Trả lời câu hỏi của một sinh viên làm thế nào để bước qua định kiến, dũng cảm trong việc lập nghiệp, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết sự dũng cảm trong lập nghiệp của các bạn trẻ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tự tin và sự chuẩn bị.

“Các bạn phải có sự nghiêm túc và lao động cật lực. Để có sự dũng cảm thì phải chuẩn bị cho mình hành trang, sự chuẩn bị nghiêm túc. Khi có sự chuẩn bị rồi thì các bạn sẽ có sự quyết định” - ông Trai chia sẻ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói rằng để hội nhập, trước hết mỗi bạn trẻ VN phải trang bị cho mình một công cụ không thể thiếu đó là ngoại ngữ cùng sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa, con người, đất nước mình. Theo bà, khi thấy người nước ngoài quan tâm hiểu biết về lịch sử, văn hóa nước mình hơn cả mình, thì tự nhiên mình cảm thấy có vẻ gì đó không ổn.

“Tôi nghĩ rằng hội nhập có cái mình nên giống, nhưng có cái mình cần phải rất khác. Cái giống là giá trị nhân bản, tình yêu thương con người, yêu hòa bình... Nhưng nếu mình không có góc cạnh để người ta không nhận ra đây là người Việt thì không hay lắm.

Nên tôi nghĩ, khi tương tác với người nước ngoài, các bạn đừng bao giờ tự ti. Có nghĩa là mình phải biết mình và phải có cơ sở để tự hào về mình. VN là người đến sau, đang chạy đến đích là sự phát triển, nhưng các nước khác cũng đang chạy, nếu mình không biết cách chạy nhanh hơn, giỏi hơn thì mãi mãi sẽ ở đằng sau” - bà Ninh nói.

Sinh viên khoa Hán Nôm đặt câu hỏi với các diễn giả - Ảnh: Việt Dũng 

Dám... nhảy xuống nước

Bà Tôn Nữ Thị Ninh kể câu chuyện bà nhận được hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ khi bà nhận được lời mời của ông Xuân Thủy ra Hà Nội đảm nhận công việc mới. Rồi cuối cùng bà đã vượt qua những ý kiến không đồng tình để từ bỏ nghề dạy học, đi con đường mới.

“Trước hết phải nhận thấy đó là cơ hội và dám nhảy xuống nước, dám làm. Chúng ta sẽ học được nhiều hơn, sâu hơn từ thất bại hơn là từ thành công. Trong lúc thất bại, nếu bạn là người có chí, có quyết tâm thì phải mổ xẻ vì sao bạn thất bại? Khi đó, nếu những người xung quanh chê bai, các bạn cứ để ngoài tai, không cần trả lời và cứ yên tâm đi con đường mà các bạn đã chọn” - bà Ninh nói.

Tại buổi giao lưu, đại sứ “Câu chuyện hòa bình” - ca sĩ Hà Anh Tuấn đã truyền đến các bạn sinh viên tinh thần nhiệt huyết bằng những lời ca tiếng hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước.

 

 

 

VŨ VIẾT TUÂN (theo tuoitre.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày