Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.165.791
Truy cập hiện tại 2.795 khách
28 tuổi, nuôi năm em vẫn vào cao đẳng
Ngày cập nhật 28/10/2015
Ngọc Ngẫm (thứ ba từ trái qua) cùng năm em ruột - Ảnh: Việt Hoa

TT - Vượt qua tất cả những khó khăn, Nguyễn Thị Ngọc Ngẫm (28 tuổi, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM) vừa chính thức đặt chân vào ngành dược Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn (TP.HCM).

Thà chịu đói chứ không để đói chữ

Khi mới 12 tuổi, Ngẫm đã là chị cả của sáu đứa em. Ba mẹ mưu sinh bằng nghề đi ghe. Cuộc sống lênh đênh sông nước đã khiến việc học của Ngẫm gián đoạn nhiều lần. Cũng vì cuộc sống nay đây mai đó nên mới học đến lớp 6 Ngẫm đã phải chuyển trường tới bảy lần.

Lúc đang học lớp 6 tại Trường Long Hựu Đông (huyện Cần Đước, Long An), một người em của Ngẫm bị rơi xuống sông và mất sau đó nên bé Ngẫm phải nghỉ học ở nhà trông em.

“Tôi rất thích đi học nhưng hoàn cảnh buộc phải ở nhà, tôi đã khóc mấy ngày liền vì phải nghỉ học. Thầy cô giáo lúc đó cũng động viên tôi dữ lắm nhưng tôi không thể”, Ngẫm kể lại.

Đến năm 2009, ba mẹ dành dụm và vay mượn cất được ngôi nhà sống ổn định trên bờ nhưng vừa xây nhà xong chưa được bao lâu thì ba đổ bệnh rồi qua đời.

Người mẹ cũng bỏ đi, để lại cho cô bé năm đứa em thơ dại. 23 tuổi, Ngẫm đã phải vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa làm chị của sắp nhỏ, đứa lớn nhất mới 13 tuổi, đứa nhỏ nhất vừa lẫm chẫm bước vào lớp 1.

Ngôi nhà vừa cất xong khá khang trang nhưng người mẹ bỏ đi không lâu thì ngôi nhà bị cơ quan thi hành án huyện Cần Giờ niêm phong vì khoản tiền nợ hơn 300 triệu đồng của ba mẹ để lại đã bị chủ nợ kiện ra tòa.

“Lúc đó, mấy chị em tôi rất sợ phải ra đường nên đành làm liều xé niêm phong rồi vào nhà ở cho đến bây giờ. Có lẽ hoàn cảnh của mấy chị em côi cút nên không ai nỡ lấy nhà. Khoản tiền nợ 300 triệu bây giờ vẫn còn nhưng làm thuê làm mướn được bao nhiêu tiền chỉ để lo cơm nước và học hành cho các em thôi”, Ngẫm cho biết.

Sáu năm trôi qua, một mình Ngẫm làm thuê làm mướn đủ việc, từ giúp việc theo giờ, đi giao bình nước thuê, sửa quần áo, làm thuê ở tiệm photocopy... Ngẫm nhớ lại:

“Nhiều đêm đi làm về trễ, thấy mỗi đứa nằm một góc ngủ mà chảy nước mắt. Nhìn các em không ai bày dạy cho việc học hành, tôi quyết tâm phải đi học lại để về chỉ bài cho sắp nhỏ.

Thà chịu đói chứ không được để đói chữ. Bản thân tôi cũng phải học để kiếm cái nghề chứ không thể đi làm thuê mãi”. Rồi Ngẫm tìm đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nhà Bè đăng ký học bổ túc.

Thay đổi số phận

Ba năm trước tôi gặp Ngẫm, hỏi mơ ước điều gì, không chần chừ Ngẫm trả lời chỉ mong các em được khỏe mạnh và được học hành. Đến giờ, em gái kế Ngẫm đã tốt nghiệp khoa sản hệ trung cấp và đang làm y tá tập sự tại Bệnh viện Từ Dũ. Hai em gái đang học Trường THPT An Nghĩa và cậu út đang học lớp 6/3 Trường An Thới Đông (Cần Giờ).

Nhận xét về cô học trò của mình, cô Nguyễn Thị Minh Trâm - giáo viên dạy môn sinh học đã từng dạy Ngẫm năm lớp 11, 12 - cho biết cả trường ai cũng quý mến và thương em. Dù phải từ Cần Giờ qua phà Bình Khánh lên Nhà Bè học, quãng đường hơn 20km nhưng không lúc nào trễ học.

“Bài vở thầy cô giao về nhà lúc nào cũng hoàn thành rất đầy đủ và chỉn chu, không có lúc nào kiểm tra bài cũ mà không thuộc cả. Từ lúc đi dạy học đến nay, tôi chưa từng thấy trường hợp nào giàu nghị lực như học sinh này”, cô Trâm nói.

Năm nay, Ngẫm và em gái Nguyễn Thị Kim Nương (nhiều năm là học sinh giỏi, học sinh lớp 12A1 Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ) cùng đi thi. Vừa học vừa đi làm kiếm tiền nuôi các em ăn uống, học hành, Ngẫm không có thời gian ôn thi nên chỉ được 14 điểm trong khi em gái đạt tới 21 điểm.

Cả hai chị em đăng ký vào Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, cùng lớp, cùng ngành để đi về cùng nhau. Ngẫm khoe: “Vào học được hơn tháng nay, đã thi xong môn triết học, bé Nương đạt 9 điểm, cao nhất lớp, còn tôi cũng được 8 điểm”.

Hằng ngày, 3 giờ sáng Ngẫm thức dậy nấu cơm cho các em, rồi dỡ cơm mang theo ăn trưa. 4g30 sáng, hai chị em bắt đầu ra khỏi nhà, chạy hơn 20 cây số lên phà Bình Khánh gửi xe rồi qua phà đón hai chuyến xe buýt mới đến được trường học ở quận Phú Nhuận.

Đủ điểm nhập học nhưng không có tiền học phí, Ngẫm phải đăng ký vay tiền hỗ trợ sinh viên để hai chị em cùng theo đuổi giấc mơ đến trường. Ngoài giờ học, Ngẫm vẫn tiếp tục nhận quần áo về sửa, làm thêm bên ngoài để lo tiền ăn học cho bản thân cùng các em.

Ngẫm cho biết do nằm trong diện hộ nghèo của xã nên trong ba em đang đi học cấp II và cấp III thì hai em được miễn 100% học phí và em còn lại được giảm 50%.

“Tôi ước mơ sau khi học xong có thể học lên đại học và mở một tiệm thuốc tây dưới xã, vừa ổn định cuộc sống, vừa có thời gian chăm lo cho các em”, Ngẫm chia sẻ.

Lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 178 tân sinh viên khó khăn 7 tỉnh, thành Đông Nam bộ (Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM) sẽ được tổ chức lúc 19g tối nay 28-10 tại NVH Thanh niên TP.HCM.

Tổng kinh phí học bổng, quà tặng hơn 1,2 tỉ đồng được ủng hộ từ Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, VTV9, báo Tuổi Trẻ và Công ty golf Long Thành phối hợp tổ chức), Quỹ khuyến học Vinacam, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Công ty TNHH Duy Lợi, Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co-op), Ủy ban tương trợ người Việt Nam tại Đức, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty CP TV-TM-DV địa ốc Hoàng Quân, Công ty TNHH TM&DV Nụ Cười Vui, Công ty Bachy Soletanche VN, nhãn hàng OTiV - Công ty CP dược phẩm Eco và bạn đọc báo Tuổi Trẻ (danh sách ủng hộ trang 10.4 - Quảng cáo 24 giờ).

Dịp này Công ty TNHH Asama Yuh Jiun Int’l Việt Nam tặng 30 xe đạp (trị giá 2 triệu đồng/xe) cho 30 tân sinh viên khu vực Đông Nam bộ có thêm phương tiện đi lại.

 
VIỆT HOA (theo Tuoitre.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày