Đây là một trong những đề tài được Trung tâm phát triển khoa học và Công nghệ trẻ Thành đoàn TPHCM đánh giá là công trình nghiên cứu khoa học có tính khả thi, có thể ứng dụng vào việc cải cách hành chính. Xin trích một số giải pháp.
Kỹ năng giao tiếp - Rút ngắn khoảng cách
Một thực trạng khá phổ biến hiện nay ở các cơ quan hành chính được phản ánh trong đề án là: cán bộ của chúng ta chưa được đào tạo về kỹ năng tiếp dân, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Thái độ đối đãi thiếu lịch sự, hách dịch, cửa quyền của cán bộ… là nguyên nhân chính dẫn tới mâu thuẫn, xung đột, mếch lòng với người dân. Muốn xóa đi khoảng cách đó, người cán bộ không chỉ biết… cười, biết xin lỗi, cảm ơn… mà cần được trang bị kiến thức về kỹ năng giao tiếp. Đề án đã đưa ra các giải pháp: “thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa học về kỹ năng giao tiếp - ứng xử; mời các chuyên viên tâm lý, kỹ năng đến giảng dạy tại cơ quan; bổ sung các loại sách về tâm lý, giao tiếp ứng xử vào tủ sách của cơ quan…”.
Một thực trạng nữa được phản ánh trong đề án: nhiều cơ quan hành chính không có cán bộ tiếp dân chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm. Đề án đề xuất cần bố trí một cán bộ tiếp dân chuyên trách tại các cơ quan hành chính, phù hợp nhất là Phó chủ tịch UBND.
Để tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ với nhân dân, cán bộ nên tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân ngoài giờ hành chính. Một tuần, chủ tịch, hoặc phó chủ tịch phường nên bỏ ra 1, 2 buổi tối để xuống trò chuyện, lắng nghe dân qua các cuộc họp dân phố. Qua đó, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, trực tiếp giải đáp khúc mắc của bà con, đồng thời tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đến với dân một cách tự nhiên. Ngược lại, dân cũng sẽ mở lòng, thân thiện hơn. Khoảng cách bị xóa mờ, mâu thuẫn được xoa dịu nhờ người cán bộ … tâm lý và giỏi giao tiếp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Một bất cập nữa được nhóm nghiên cứu sinh viên đưa ra là: các cơ quan hành chính còn chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật chưa cụ thể, còn khô khan, công tác giám sát còn mang tính hình thức. Từ thực tế đó, giải pháp đưa ra: tại nơi tiếp công dân phải niêm yết những nội dung cơ bản của Luật Khiếu nại-Tố cáo (KN-TC), Quy chế tổ chức tiếp công dân, trình tự, thủ tục giải quyết các KN-TC, phản ánh, kiến nghị của nhân dân tại bảng niêm yết trụ sở UBND và bảng tin khu phố.
Tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để tuyên truyền pháp luật, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa bàn dân cư; tận dụng tối đa công cụ tiếp nhận phản ánh: hộp thư, sổ góp ý, email, số điện thoại đường dây nóng; cần kiểm tra thường xuyên, giải quyết kịp thời các phản ánh của nhân dân, tuyên truyền rộng rãi các kênh thông tin này… Chỉ khi nào phát huy được tính dân chủ ở cơ sở thì người dân mới giám nói thẳng, nói thật. Đây cũng là một trong những kênh thông tin giám sát công khai của nhân dân với chính quyền.
Nguồn: Theo website Sài gòn giải phóng