Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.135.785
Truy cập hiện tại 7.040 khách
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường và Khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức
Ngày cập nhật 03/04/2014

 Ngày 1/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức họp trực tuyến để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Y tế tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Thiện, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và Đồng Hữu Mạo, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

 Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường

Trong phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải đáp về các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường, trong đó có vấn đề xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông - thủy sản gây rối loạn thị trường; tình trạng xuất khẩu lậu quặng, khoáng sản qua đường tiểu ngạch gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, làm thất thu ngân sách Nhà nước; trách nhiệm quản lý Nhà nước về điện, xăng, dầu và việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng, dầu; kết quả thực hiện chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”...

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện tượng thương lái nước ngoài thu gom nông, thủy, hải sản là có thật và cũng có trách nhiệm của Bộ Công thương. Thời gian qua, Bộ đã phối hợp các bộ, địa phương liên quan để xem xét, giải quyết tình hình này. Theo quy định, thương nhân muốn thu mua nông sản phải thông qua các doanh nghiệp trong nước để ký kết hợp đồng, nhưng nhiều thương lái không thực hiện. Tình hình này cũng đã được giải quyết. Mới đây, có dư luận thương lái thu gom cây Thiết đằng (Kon Tum), qua kiểm tra thì đó là thu mua của doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra có dư luận thương lái nước ngoài đặt hàng thu mua lá khoai lang non tại tỉnh Vĩnh Long. Do được các cơ quan chức năng giải thích thương lái muốn mua phải có hợp đồng, nên họ đã bỏ, không thu mua nữa… “Tuy đã làm được một số việc, nhưng chúng tôi nhận trách nhiệm về quản lý thị trường, dù có cố gắng nhưng vẫn xảy ra những vấn đề như vừa qua. Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại khung pháp lý, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường tốt hơn nữa” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Về quản lý khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, để tăng cường quản lý khoáng sản, Chính phủ đã kịp thời có nghị quyết số 02-2012. Chúng ta coi khoáng sản là tiềm năng quý để phát triển, nên phải quản lý không để xuất khẩu khoáng sản thô, phải chế biến sâu. Các dự án khai thác phải gắn với chế biến sâu, nếu không sẽ không cho xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta vẫn chưa ngăn chặn, hạn chế xuất lậu khoáng sản. Bộ sẽ phối hợp các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ nhận trách nhiệm quản lý Nhà nước về chế biến, quản lý khai thác khoáng sản và sẽ cố gắng để đến năm 2015 cơ bản không xảy ra xuất lậu khoáng sản”- –Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trình bày về giải pháp mang tính đột phá để khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; thực trạng tổ chức bộ máy y tế tuyến huyện, xã và việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; công tác quản lý Nhà nước đối với y tế tư nhân, trong đó có cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, giá thuốc chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong những năm qua, ngành y tế đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và nhân dân đánh giá cao. Nhiều tấm gương cán bộ, nhân viên y tế tận tụy phục vụ nhân dân, hết lòng, hết sức chăm sóc, cứu chữa người bệnh đã được Đảng, Chính phủ, ngành y tế tôn vinh, được nhân dân, báo chí, công luận biểu dương, nêu tấm gương tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số ít cán bộ y tế không giữ vững được phẩm chất và đạo đức của người thầy thuốc, vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, có thái độ không đúng mực, gây phiền hà cho người bệnh nhân và bức xúc trong xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để xảy ra những bức xúc đó có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Trong đó có việc tăng cường các giải pháp thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên các trường y; tăng cường kiểm tra, giám sát ở tất cả các đơn vị trong ngành. Đặc biệt, hệ thống đường dây nóng ngành y tế được tổ chức theo 3 cấp: Tại các bệnh viện: số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện và số điện thoại của Giám đốc bệnh viện; Tại Sở Y tế: số điện thoại của Giám đốc Sở Y tế; Tại Trung ương: Số tổng đài do Bộ Y tế quản lý: 0973.306.306 và hộp thư điện tử duongdaynongyte@gmail.com. Các số điện thoại đường dây nóng được công khai tại các cơ sở khám, chữa bệnh để tiếp nhận những bức xúc liên quan tới y đức, thái độ ứng xử, thăm, khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sĩ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tuyến đề nghị lãnh đạo UNND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai các giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh; trực tiếp chỉ đạo Sở y tế, các đơn vị trực thuộc sở tăng cường thực hiện Quy tắc ứng xử, nâng cao y đức cho công chức, viên chức ngành y tế. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, UBND các tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành y tế nhằm giảm quá tải bệnh viện.

Vấn đề đầu tư y tế cơ sở: Đến nay, 98,9% xã, phường, thị trấn đã có nhà trạm; 74,4% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; 95,3% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 88,0% thôn, bản trong cả nước đã có nhân viên y tế hoạt động, trong đó tỷ lệ này là 82,9% tổ dân số ở khu vực thành thị và 96,9% số thôn, bản ở khu vực nông thôn, miền núi. Công tác CSSKBĐ đã bước đầu được đổi mới, mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã, thí điểm thực hiện quản lý một số bệnh mạn tính như hen, tăng huyết áp, đái đường tại cộng đồng, góp phần giảm tải cho tuyến trên; khoảng 80% trạm y tế xã đã thực hiện KCB bằng BHYT.

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày