Thầy vẫn lặng lẽ đến những bản làng xa xôi, heo hút để mang cái chữ đến với con em đồng bào Cơ Tu.
Đó là câu chuyện thấm đẫm nước mắt của thầy giáo Bríu Bằng (xã Atiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam). Những tưởng sau chừng ấy bi kịch, thầy Bằng sẽ bỏ bục giảng, bỏ bản làng... Nhưng không, thầy vẫn tiếp tục hành trình mang con chữ lên non, đến những bản làng heo hút.
Tôi đã khóc...
Không giận mà... buồn
Khi hỏi Bằng: “Dân làng đóng cửa nhốt, cách ly thầy, rồi còn đưa thầy đi chôn sống, thầy có giận không?”. Bằng nhìn ra trước sân trường, giọng trầm hẳn: “Không giận mà buồn. Buồn vì đồng bào mình còn có hủ tục, trình độ dân trí thấp. Còn mình có học mà không giúp được gì, không xóa bỏ được hủ tục cho đồng bào. Mình chỉ hi vọng sẽ không bao giờ có ai rơi vào tình huống như mình nữa”.
|
Chiều cuối tháng 3, miền núi cực tây của tỉnh Quảng Nam vào độ mưa rừng dữ dội. Từ điểm chính của Trường tiểu học Atiêng đến điểm thôn Rbượp nếu đi bộ phải mất ba giờ.
Đó là chưa kể những ngày mưa, con đường đất dốc dựng đứng và phải vượt ba con suối nước lũ đục ngầu hung dữ khiến người dân cũng ngán ngẩm. 47 tuổi đời, 24 năm lăn lộn mang chữ đến khắp các bản làng vùng biên viễn, thầy Bríu Bằng chỉ cười nhẹ trước cảnh ấy: “Sống quen rồi, không có lũ lại thấy thiếu”.
Điểm trường Rbượp nằm trên ngọn đồi với 35 học sinh, hai lớp ghép, một lớp đơn. Trời về chiều gió lạnh lùa qua khe cửa, vẫn nghe tiếng học sinh ê a từng con chữ.
Nhìn người thầy giáo vẻ khắc khổ, đen sạm ngồi bên những đứa trẻ cũng lấm lem, ít ai nghĩ thầy giáo Bríu Bằng đã trải qua một quá khứ kinh hoàng...
Năm 1989 sau khi học xong tại trường dân tộc nội trú của huyện, Bằng là một trong số ít những người biết chữ của thôn Agrồng (xã Atiêng).
“Lúc đó, cả thôn chỉ có ba, bốn người biết chữ nhưng khổ nỗi có người chỉ học ngang lớp 3 là nghỉ. Vì thế, mình thuộc dạng thanh niên có học thức của thôn nên được chọn làm giáo viên tiểu học” - Bằng chia sẻ.
Hằng ngày, Bằng vẫn cần mẫn mang từng con chữ đến với trò nghèo. Bất ngờ năm 1995, Bằng bị những cơn đau đầu cào xé, lồng ngực như vỡ tung. Thương con, ba mẹ nói Bằng đừng có ra con suối, đừng có bước chân vào rừng vì sợ bị con ma nó bắt. Cơn đau qua đi, Bằng lại dắt vợ con vào cắm bản dạy chữ. Nhưng rồi cơn đau lại ập đến, Bằng chỉ nhớ là đã nói những điều xấu xa, chửi rủa bà con trong lúc vạ vật.
Bằng được đưa xuống trạm y tế xã, đầu tóc rũ rượi, thân hình tiều tụy. Suốt 11 ngày đêm không ăn, trong đầu Bằng chỉ văng vẳng “tiếng cây cối nói chuyện với nhau”.
Người dân thấy vậy tưởng Bằng bị ma ám sợ lây cho cả làng nên đã lấy cây gỗ đóng kín tất cả các cửa lại để nhốt, cách ly Bằng với bên ngoài. Sau đó họ nghĩ Bằng không còn sống được nữa nên đào hố và đưa Bằng đi chôn. May mắn cho Bằng là các giáo viên Trường tiểu học Atiêng đã kịp phát hiện và ngăn chặn việc chôn sống này.
Ông Alăng Thanh - giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Tây Giang (nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Atiêng) - nhớ lại: “Tôi vừa đi công tác về đến trường nghe tin thầy Bằng bị đưa đi chôn sống nên vội tới ngăn lại. Tôi nói với bà con: Bằng là giáo viên, là người của Nhà nước bị bệnh thì đi chữa chứ không phải ma ám gì cả”.
Nghe vậy dân làng xuôi tai. Rồi cả làng cùng nhau khiêng Bằng xuống bệnh viện ở huyện Đông Giang cách đó một ngày đường để chữa trị. “Đi được nửa đường tôi tỉnh dậy hỏi bà con mang tôi đi đâu. Họ nói suýt chôn sống tôi, giờ nghe lời cán bộ đưa tôi đi chữa bệnh. Tôi đã khóc rồi lịm đi” - Bằng nhớ lại.
Thấy Bằng vậy, làng xua đuổi gia đình anh phải đổi chỗ ở đến năm lần. Mỗi lần làm lại nhà không ai dám đến giúp. Thậm chí ba mẹ đẻ của anh cũng xa lánh vì sợ bệnh của anh sẽ lây.
“Tôi may mắn vì biết chữ”
Nhưng con đường anh đi vẫn chưa hết chông gai. Khi bệnh đã giảm, anh tiếp tục đứng lớp. Nào ngờ ngày đầu trở lại anh bị giội gáo nước lạnh bởi các bậc phụ huynh. “Họ nói không cho con đi học lớp thầy Bằng vì như vậy sẽ lây bệnh”. Ban giám hiệu lại phải xuống tận làng để khuyên can. Bằng không nản. Năm 2008, anh tiếp tục học cấp III ở trường dân tộc nội trú huyện. Lúc này căn bệnh động kinh lại tái phát. Bạn học nói: “Thôi anh đau đừng học nữa, về đi”. Vậy là anh về nhà. Thầy cô ở trường lại đến động viên: “Là con người ai cũng có bệnh cả, đừng bỏ học mà mất hết công sức bấy lâu nay”.
Sau khi tốt nghiệp cấp III, Bằng suy nghĩ phải học lên nữa, biết nhiều thì dạy cho học sinh, cho đồng bào mình được nhiều hơn. Vì thế anh học tiếp lên cao đẳng sư phạm. Ra trường, Bằng lại xung phong đi cắm bản ở thôn Agrồng với lớp học 20 học sinh. Một mình Bằng đứng chân tại đây suốt năm năm để dạy chữ cho dân bản. “Không có chỗ ở nên mình ở luôn trong nhà dân. Đồng bào quý mình nên có gì cho nấy” - Bằng chia sẻ. Không chỉ vậy, Bằng còn tình nguyện lên xã biên giới Ch’Ơm giáp với Lào để dạy lớp học heo hút nơi đây. Bằng tâm sự rằng ở nơi xa xôi, khó khăn thì càng cần chữ hơn nữa nên Bằng đến đó.
Cô Phạm Thị Thu - giáo viên Trường tiểu học Atiêng - cho biết: “Thật khó có giáo viên nào được như thầy Bằng. Nơi xa nhất, khó khăn nhất là thầy xung phong đến đó. Tận tình và thương học trò như con cái mình”. Còn thầy Bằng thì thật thà nói: “Mình nghĩ đơn giản là mình may mắn biết chữ thì dạy cho đồng bào, không nghĩ mình là giáo viên”.
24 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục Tây Giang, thầy Bằng vinh dự được bộ trưởng Bộ GD-ĐT trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục năm 2011. Nhiều năm liền được UBND huyện Tây Giang, ngành giáo dục khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thầy Nguyễn Quốc Kỳ - hiệu trưởng Trường tiểu học Atiêng - đánh giá: “Dù thầy Bằng là giáo viên người dân tộc thiểu số nhưng luôn đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Thầy đã tự nguyện, nhiệt tình đến nhiều bản làng ở vùng biên cắm bản nhiều năm liền để dạy chữ”.
|