Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.137.792
Truy cập hiện tại 289 khách
Khát vọng hồi sinh
Ngày cập nhật 27/01/2021

Rừng như Mẹ Thiên nhiên. Từ nắm rau rừng, con cá, con ốc, đến tên sông, tên suối, cây cối linh thiêng và muôn thú…, đều được tổ tiên người Cơ Tu lấy đặt tên làng, tên họ…

 

Gần như đang có câu chuyện cổ tích được viết ở Huế vào những ngày cuối năm. Rạng sáng trung tuần tháng 11/2020, hoàn lưu cơn bão Vamco (số 13) tiếp tục quật ngã nhiều cây xanh còn trụ lại được sau cơn bão Noul trước đó; trong đó, có cây xà cừ cổ thụ số 13 trước bến xe Nguyễn Hoàng. Cây xà cừ này rất nổi tiếng vì nhiều thế hệ đã lưu giữ hình ảnh vạm vỡ của nó và chắc hẳn, trong các mắt lá của nó cũng đã thu giữ hình ảnh nhiều thế hệ học sinh rảo bước qua đây.

Sau đó, tin Huế trồng lại cây xà cừ được cộng đồng mạng chia sẻ với niềm vui khôn tả, nhiều người rớt nước mắt vì quá cảm động. Người ta cảm ơn bởi một điều gì đó quý giá đang được cứu vãn. Trồng lại cây là trồng lại niềm tin, trồng thêm tính nhân văn. Trước đó, sau bão số 5 (2020), cây xanh đường phố Huế đã trở thành đề tài nóng trên nhiều diễn dàn. Nó khiến cho người ta thêm lần nữa nhận ra, cây xanh - thiên nhiên quan trọng thế nào đối với người Huế. Chợt nhớ năm 1985, bão số 8 khiến cho cây xanh ở Huế bị gãy đổ nặng nề. Chính quyền Huế lập tức ra nghị quyết trồng cây xanh cho Huế. Chỉ vài năm sau, Huế trở lại là thành phố có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước, trong đó có những dải rừng cây dọc hai bên bờ sông Hương hiện vẫn còn lưu dáng xanh. Thế mới thấy, người Huế yêu cây xanh biết mấy, cây gần gũi như người, yêu cây như yêu người.

Không chỉ người Huế mới yêu quý cây xanh đến vậy. Từ thuở ban sơ, những khu rừng đã trở nên rất đỗi thiêng liêng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên bếp lửa, già làng Đam May kể rằng, người Ê Đê xem cây rừng là mái nhà của cộng đồng: “Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà… Cây rừng đã có từ xưa của ông bà để lại. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ buôn làng, bảo vệ rẫy nương, bảo vệ bến nước…”. Bên bếp lửa, người M’nông ở Đắk Nông hát: “Khu rừng sâu đâu phải của nai, khu rừng đó là của tổ tiên, khu rừng đó là của con cháu, khu rừng đó là của ông bà, khu rừng đó là của chúng ta…”.

Bên bếp lửa trên dãy Trường Sơn huyền thoại, người Cơ Tu - “kẻ sống đầu ngọn nước”- cúi lạy về đại ngàn: Rừng là vị thần thiêng liêng của buôn làng ta. Rừng không phải là tài nguyên để khai thác, chiếm lấy bằng mọi giá mà rừng như chính là người thân yêu ruột thịt, như chính da thịt mình.

Rừng như Mẹ Thiên nhiên. Từ nắm rau rừng, con cá, con ốc, đến tên sông, tên suối, cây cối linh thiêng và muôn thú…, đều được tổ tiên người Cơ Tu lấy đặt tên làng, tên họ…

Mọi thứ trên rừng đều là của chung, người Cơ Tu không mua bán thứ gì từ rừng. Trẻ, già, trai, gái đều có trách nhiệm và nghĩa vụ chung là gìn giữ rừng, bảo vệ Mẹ rừng linh thiêng của mình… Rồi người Cơ Tu hát: “Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát/Con cá dưới nước cần dòng nước trong veo/Con người Cơ Tu cần Mẹ rừng che chở… Mất rừng chim không còn tiếng hót/Mất suối sông cá không còn hơi thở/ Mất Mẹ rừng người Cơ Tu sẽ tàn vong”.

Trong cơn lốc thảm sát bạo tàn thổi qua những cánh rừng già hàng chục năm qua, những luật tục cổ xưa trở nên bất lực. Với rất nhiều nguyên nhân, rừng nguyên sinh bị tàn phá nặng nề. Những huyền thoại đại ngàn giờ toang hoác những mảng núi đồi trốc lở. Những huyền thoại phi văn bản giờ chỉ còn lưu giữ bằng văn bản trong các thư viện...

Rừng mất, và văn hóa đại ngàn được sinh ra và nuôi dưỡng từ rừng đang mất. Có những người đang quyết liệt giữ lại rừng nguyên sinh, những tiếng nói quyết liệt giữ rừng đã vang lên giữa các kỳ họp Quốc hội. Và trong các cánh rừng, những đứa con của núi rừng cũng đang tìm mọi cách gìn giữ những kho tàng văn hóa cha ông để lại. Kê Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới, điểm son lịch sử của người Tà Ôi vì là tiến sĩ đầu tiên ở miền Tây Thừa Thiên Huế. Luận án ngôn ngữ của chị trở thành cơ sở cho tài liệu dạy tiếng Pa Cô cho người miền xuôi; góp phần chuẩn mực hóa công tác biên tập, dịch và đọc cho chương trình phát thanh tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người Tà Ôi mạnh dạn hơn trong việc dùng “tiếng của mình” làm việc, giao dịch...

Một người khác, chị Ta Dưr Tư từ nhỏ được cha mẹ trao truyền vốn văn hóa dân gian Pa Cô nên am tường nhiều kỹ năng giới thiệu tinh hoa văn hóa của các dân tộc A Lưới ra bên ngoài. Nhiều năm qua, chị miệt mài ghi chép về nội dung, ý nghĩa của từng lời ca, điệu múa, truyện cổ... Hiện nay, “22 truyện cổ Pa Cô” nằm trong bản thảo của chị chưa được xuất bản, và còn nhiều lời ca Cha Chấp đang được ghi âm, thống kê… “Người ở rừng còn yêu đại ngàn, thì văn hóa đại ngàn không mất” – Kê Sửu nói, dứt khoát.

Trở lại với Huế, không chỉ cổ thụ trên đường phố, trong công viên, trong các di tích, mà còn rất nhiều trong các đình làng, miếu xóm, khuôn viên từ đường, nhà vườn... đang được lưu giữ. Trung tâm Công viên cây xanh Huế hiện lưu giữ hơn 600 cây cổ thụ có giá trị, mỗi cây xanh có một hồ sơ, được đối xử như một di sản văn hóa trong những tháng năm qua.

Cây xà cừ số 13 những ngày cuối năm đã đâm mầm những chồi mới mập mạp. Sự hồi sinh đang mạnh mẽ trên những chiếc lá non mơn mởn. Một niềm vui lấp lánh đầy hi vọng trong ánh mắt người và trong cả tiếng chim đang vọng vang từ trong Kinh thành Huế…

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày