Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.126.573
Truy cập hiện tại 2.780 khách
Startup không phải chỉ màu hồng
Ngày cập nhật 27/01/2021

Chưa bao giờ khởi nghiệp có điều kiện thuận lợi như lúc này. Tuy vậy, sự thật sẽ “thô” nhưng mà thật, con đường startup không phải toàn màu hồng.

Nhiều “hố sâu và ngõ cụt”

Chỉ cần gõ từ khoá “Startup”, “Khởi nghiệp” trên công cụ tìm kiếm sẽ có hàng triệu kết quả chỉ sau một cú click chuột. Trên các phương tiện thông tin đại chúng nhan nhản những tin bài về khởi nghiệp, về doanh nhân khởi nghiệp thành công… Cả Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng cũng sục sôi với tinh thần khởi nghiệp thời gian qua.

Bảy năm trước, Hồ Xuân Việt Nam tự kinh doanh trong lĩnh vực du lịch nhà vườn - sinh thái ở Thuỷ Biều. Tour của Nam có 99% là khách châu Âu và luôn được đánh giá cao, với 4,5/5 sao. Nhưng COVID-19 ập đến, mọi hoạt động du lịch tê liệt. Lâm vào bế tắc, chàng trai 26 tuổi chuyển hướng kinh doanh sau khi ra Hà Nội học, chuyển giao công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo bằng phương pháp nuôi cấy. Nam là một trong ít người tiên phong trong lĩnh vực này tại Huế. Trồng thành công, sản phẩm của Nam được chứng nhận kiểm định chất lượng với thương hiệu Đông trùng hạ thảo Cố đô.

“Tái khởi nghiệp” sang lĩnh vực hoàn toàn mới, Nam cho biết gặp rất nhiều khó khăn. “Đổ” vào bao nhiêu là tiền bạc, mình cứ nghĩ đi trước đón đầu thị trường sẽ rộng. Nhưng không ngờ, do non kinh nghiệm, khâu marketing - quảng cáo yếu, trong khi thị trường Huế nhỏ, nhiều người chưa biết về dược liệu quý này nên làm ra mà không biết bán cho ai”, Nam nhìn nhận.

Bế tắc đầu ra, cơ sở không có vốn quay vòng để tái đầu tư và mua máy sấy thăng hoa (đến 1 tỷ đồng), chàng trai sinh năm 1994 chấp nhận “làm mô hình sản xuất nhỏ”.

Muốn thử thách bản thân, nắm bắt cơ hội đang tới, Nguyễn Chân Lý (SN 1994) quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông sáng tạo và công nghệ - lĩnh vực mà Lý đam mê và theo đuổi nhưng không liên quan đến ngành học Công tác xã hội của mình.

“Trở thành một doanh chủ khó hơn nhiều”, Lý nhìn nhận. Đó là liên tiếp những hố sâu và ngõ cụt, chứ không phải là con đường bằng phẳng như anh hằng tưởng tượng.

Nếu trước đây làm thuê, Chân Lý chỉ cần chú tâm vào công việc của mình. Chẳng cần bận tâm đến quản lý, vận hành, trả lương cho nhân viên hay hàng nghìn vấn đề liên quan thủ tục, quy định, thuế, bảo hiểm xã hội, thuyết phục nhà đầu tư, làm ăn với đối tác, tạo niềm tin với khách hàng… thì giờ anh phải học cách làm mọi thứ. Thậm chí làm những điều chưa từng nghĩ trước đây với trách nhiệm đè nặng lên vai.

Hồ Xuân Việt Nam tái khởi nghiệp bằng mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo

“Mở doanh nghiệp (DN) nhưng thiếu kiến thức về tài chính, mình không tính toán hết các chi phí tham gia vào hoạt động sản xuất, thành ra lỗ lúc nào không biết. Có thời điểm phải vay bên ngoài để duy trì hoạt động”, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông sáng tạo và công nghệ Bluemotion nói. Ngoài ra, “nhân sự yếu, khó kiếm người giỏi cùng đồng hành nên không thiếu những lần công ty phải bù chi phí cho đối tác”, chàng trai trẻ ngậm ngùi.

Nhờ hiệu quả mang lại, Lý thuyết phục nhà đầu tư thành công. Được họ chia sẻ nhiều bài học, kinh nghiệm trong khâu vận hành DN giúp hạn chế rủi ro. CEO Bluemotion còn cố gắng vừa làm vừa học thêm kiến thức về quản trị nên đã dần cân đối được thu chi, nắm được nguyên lý trong vận hành tài chính.

Hồ Xuân Việt Nam chọn hình thức ký gửi sản phẩm ở các cửa hàng, shop bán lẻ để tiếp cận thị trường. “Dấn thân vào khởi nghiệp là chấp nhận vất vả, nhưng đã “chơi” thì phải tiến lên chứ không “buông” được. Hướng chính của mình vẫn là làm du lịch và sẽ kết hợp 2 lĩnh vực này khi ngành du lịch phục hồi”, Nam khẳng định.

Cần “trang bị” đầy đủ

Từng làm giám khảo một số chương trình, cuộc thi khởi nghiệp và mentor (cố vấn, hỗ trợ) cho các dự án startup của các bạn trẻ Huế, Giám đốc Công ty CP Hồng Đức-Trần Minh Đức thẳng thắn: “Khởi nghiệp Huế có khá nhiều ý tưởng hay nhưng gần như mới dừng ở xây dựng ý tưởng, là bản vẽ chưa hoàn thiện. Kế hoạch, chiến lược, con số tài chính, hiệu quả kinh doanh của dự án, DN như thế nào thì chưa ai “viết” được trước khi ra thị trường. Thế nên, có chưa đến 10% DN khởi nghiệp thành công. Số DN phát triển còn rất hạn chế, dù tư duy, tính năng động của các bạn rất tốt”.  “Vì sao như vậy, vì chúng ta đang khởi nghiệp theo phong trào”, ông Đức nói.

Chân Lý (bên phải) chỉ đạo sản xuất chương trình của Bluemotion

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh - Dương Tuấn Anh cho rằng, từ ý tưởng, dự án đến hiện thực là cả một câu chuyện dài, nhất là với các sinh viên vừa rời ghế nhà trường. “Ý tưởng tốt chưa đủ. Họ phải được sự dẫn dắt, hỗ trợ từ nhiều phía. Để điều hành DN, các doanh chủ, CEO cần các yếu tố cốt lõi và rất nhiều kiến thức về kinh tế, marketing, công nghệ, về chuyển đổi số… để đưa con thuyền DN đi lên. Ngoài ra còn cần kênh quan hệ, tương tác giữa DN và chính quyền", ông Tuấn Anh đúc kết.

Không phủ nhận có nhiều bạn trẻ thành công, nhưng theo CEO Hồng Đức, trước khi khởi nghiệp, nhà sáng lập nên nhìn lại chính mình. Nếu còn yếu kém thì tham gia vào một công ty nào đó để vừa học vừa làm, tích luỹ cho mình đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, khả năng kinh doanh, gọi vốn, quản lý dòng vốn, quản lý con người. “Như bản thân tôi cũng mất 8 năm để xây dựng cho mình nền tảng vững chắc trước khi khởi nghiệp”. Đồng thời, “nên startup ở lĩnh vực sở trường, đam mê chứ không làm theo hiệu ứng đám đông, thấy họ làm được mình cũng sao chép. Các bạn trẻ cần máu lửa, nhưng mặt khác cũng phải rất điềm tĩnh, vững tâm bền chí. Thành công chỉ ưu ái với những cá nhân đủ ý chí, kiến thức và sự nhiệt huyết”, ông Đức chia sẻ.

“Hiện tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp, nhưng các startup có thể xây dựng hành trang cho mình bằng cách tham gia các khoá đào tạo, tập huấn về nhân sự, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, hạn chế rủi ro trong hoạt động… được hiệp hội tổ chức thường xuyên, mời chuyên gia chia sẻ”, ông Tuấn Anh thông tin.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày