Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.132.627
Truy cập hiện tại 5.528 khách
Đi trên ngọn sóng đời mình
Ngày cập nhật 07/09/2016

Buồn, cô đơn rồi lại đứng lên tiếp tục đi về phía trước để quyết giành chiến thắng, đó là một phần cuộc sống của cô tân sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam Mai Thị Mỹ Hương (18 tuổi, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). 

Ở xã Bình Chánh không thiếu người mồ côi cha. Chỉ duy nhất Hương vừa mồ côi cha vừa không có mẹ, một mình tự bước qua những ngày dông gió của đứa trẻ làng biển.

Mỹ Hương chăm sóc bà nội - Ảnh: T.MAI 

Con tàu giữa ngọn sóng

Ông Bảy Vẽ - hàng xóm của Mỹ Hương - ví cuộc đời Hương như con tàu giữa ngọn sóng. Cả cuộc đời bữa đói, bữa no mà vẫn đậu đại học với ông Bảy Vẽ là chuyện hiếm thấy. “Tự thân con bé lo, làm hết tất cả mà vẫn đến lớp học. Làng này ai có con cá, miếng canh ngon cũng cho bà cháu con bé” - ông Bảy Vẽ nói.

Hai tháng tuổi, vì cuộc sống nghèo khó mẹ bỏ Hương và anh trai Hương lại cho bà nội rồi đi biệt xứ đến nay. Khi Hương 5 tuổi, người anh trai bệnh không có tiền chạy chữa đã bỏ Hương ra đi. Nỗi bất hạnh như một thách thức lớn, năm 8 tuổi Hương thấy người làng đưa cha về bằng quan tài.

Người cha nghèo khó ấy vào TP.HCM làm thợ hồ nuôi con rồi mất do tai nạn giao thông khi đang trên đường đến công trường. Hương bảo lúc đó chỉ biết chui vào góc nhà khóc ngon lành mặc cho người lớn chuẩn bị tang lễ phía ngoài sân. “Lúc đó tôi mong mẹ ghê gớm...” - Hương bỏ lửng câu nói.

Bà Phạm Thị Kiền (81 tuổi, bà nội Hương), ngồi trong căn nhà đại đoàn kết xây đã tròn 10 năm, nói về đứa cháu tội nghiệp: “Cha nó ngồi đó, anh nó ngồi đó, tôi ngồi đây. Còn nó thì lo tất cả”.

Bà Kiền bị mù năm Hương 13 tuổi, thế là Hương từ chỗ có người chăm sóc trở thành người chăm lo cho bà từng miếng ăn giấc ngủ. Giờ bà lúc lẫn lúc tỉnh. Căn nhà hứng trọn hơi nóng phả xuống khiến bà đau nhức và mệt mỏi. Hương đấm lưng cho bà rồi dẫn đi dạo cho khuây khỏa...

Kiên cường, vượt qua, nghị lực, tự tin và chiến thắng

Đó là những chữ lớn sắp theo từng ô trong góc học tập nhỏ bé của Hương, cạnh bàn thờ cha Hương. Hương nói: “Đó là cách Hương trấn an mình vượt qua nỗi sợ và sự cô đơn”.

“Tôi chứng kiến con bé lớn lên, nói thiệt là ai cũng nghĩ nó sẽ bỏ học đi làm công nhân chứ tôi đố ai trong cái làng này dám nghĩ nó đậu đại học

Bà MAI - hàng xóm của Mỹ Hương

 

Từ ngày bà mù, mỗi buổi sáng đi học với Hương còn kèm theo cái đói. Vậy mà tan trường lại vội đạp xe ra chợ mua thức ăn về nấu, thay áo quần, tắm rửa cho bà. Có hôm học buổi chiều, vừa lo cho bà xong là Hương vội đạp xe đi học lại. Những ngày như thế, Hương không có lấy hột cơm bỏ vào bụng. 

“Nhưng từ nhỏ chịu đói quen rồi nên tôi không bị xỉu, chỉ bị cào ruột thôi” - Hương nói. Mỗi tháng hai bà cháu có hơn 900.000 đồng tiền mồ côi và tiền dưỡng lão, số tiền đó quá ít ỏi nên Hương phải đi phụ bàn cho một quán cà phê trong xã kiếm thêm tiền cho hai bà cháu.

Hương và bà của mình còn đối diện với những chuyện nguy hiểm. Có lần nhà bị một người đàn ông đột nhập giữa khuya, Hương nghe tiếng cửa mở vội ra xem, cô gái đứng khựng vì quá sợ hãi, người bà mù cũng khua cây tiến về phía cánh cửa làm bằng tấm tôn mỏng nơi có tiếng động.

Sau giây phút kinh hồn, Hương trấn tĩnh khi nghe bà hỏi có ai vào nhà à, thế rồi hai bà cháu la làng. Người đàn ông bỏ chạy. Hôm ấy, những người phụ nữ có chồng đi biển trong làng vội bật đèn mở cửa đổ dồn về căn nhà của hai bà cháu mù.

Hương vào TP.HCM nhập học bằng tiền làm thêm, tiền thầy cô, bạn bè, hàng xóm gom góp chia sẻ. Trong đó có món tiền mượn người bạn học tên Ngọc Thúy. Hương tính sẽ đi làm thêm trả dần cho bạn.

Thầy Phạm Ngọc Thuộc, giáo viên Trường THCS Bình Chánh, bảo rằng: “Hương quá khổ cực nhưng học giỏi, thầy cô rất thương. Mong sao em giữ mãi sự kiên cường của mình trước việc học sẽ khó khăn hơn rất nhiều phía trước”.

Rời làng biển, chúng tôi biết rằng từ xã đoàn đến ban giám hiệu Trường THPT Trần Kỳ Phong đều hướng mắt dõi theo và gửi gắm ở Hương một niềm tin lớn rằng cô sẽ vượt qua khó khăn cuộc đời mình bằng tất cả sự kiên cường. Chúng tôi cũng không thôi hi vọng cô gái hay cười ấy sẽ giữ mãi sự lạc quan và nghị lực bền bỉ của mình.

Nỗi sợ đơn côi

Hương nói mình không sợ nghèo, không sợ đói, chỉ sợ nhất là bà sẽ qua đời, lúc đó Hương là người đơn độc mãi mãi.

Xong nhập học, Hương về nhà chăm bà và thu xếp xin một người họ hàng cho bà ở nhờ trong thời gian cô tiếp tục việc học của mình.

“Tôi thu xếp xong cho bà rồi vào học, tôi tin sẽ lo được cho mình trong thời gian đi học. Tôi chỉ sợ bà không có người chăm sóc, lỡ bà mất thì tôi buồn lắm” - Hương ngậm ngùi.

 

TRẦN MAI
Các tin khác
Xem tin theo ngày