Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.129.195
Truy cập hiện tại 3.991 khách
Vì sao Mỹ hủy kế hoạch tuần tra trên Biển Đông để ưu tiên bãi cạn Scarborough?
Ngày cập nhật 27/04/2016
Mỹ đã cam kết thực hiện các chiến dịch tự do đi lại trên Biển Đông một cách thường kỳ. (Ảnh: ST)

Dân trí Tờ Wall Street Journal của Mỹ ngày 26/4 dẫn một nguồn tin chính phủ khẳng định, thay vì tiến hành tuần tra trên biển nhằm thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông như kế hoạch, Mỹ lựa chọn tập trung cho hoạt động tuần tra trên không quanh bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc bị nghi chuẩn bị lập tiền đồn ở đây.

 

Thời gian qua, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng và xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, quân đội Mỹ khoảng một tháng trước đã ghi nhận sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc, thực hiện hoạt động khảo sát quanh bãi cạn Scarborough, cách xa quần đảo Trường Sa, Wall Street Journal đưa tin.

Bãi cạn này nằm cách bờ biển Philippines, một đồng minh của Mỹ, chừng 120 hải lý, và cách thủ đô Manila chỉ 200 hải lý. Trong khi vị trí này cách điểm gần nhất tại đại lục Trung Quốc tới 470 hải lý.

“Hạ nhiệt căng thẳng”

Theo các nguồn tin quân sự Mỹ, trước tình hình trên, Mỹ đã thực hiện 3 chuyến tuần tra trên không gần bãi cạn Scarborough, trong đó có các đợt tuần tra ngày 19 và 21/4.

Chuyến bay tuần tra đầu tiên, với thông điệp gửi tới Bắc Kinh rằng bãi cạn này là trọng tâm trong an ninh hàng hải khu vực, được thực hiện chỉ 4 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter công bố một loạt các cuộc tuần tra chung với Philippines. Trong một bản tin mới đây, Không quân Mỹ xác nhận các chuyến bay trên được thực hiện ngày 19/4.

“Công việc của chúng tôi là đảm bảo các khu vực trên biển và trên không luôn trong trạng thái mở theo đúng luật pháp quốc tế. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi kinh tế quốc tế phụ thuộc vào điều đó- tự do thương mại phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc vận chuyển hàng hóa”, đại tá Larry Card, Tư lệnh lực lượng Không quân, thuộc Bộ chỉ huy Không quân Thái Bình Dương, đơn vị thực hiện các chuyến bay cho biết.

“Không có quốc gia nào ở thời điểm này mà nền kinh tế không phụ thuộc vào sự thịnh vượng về kinh tế của các quốc gia khác”, ông Card nhấn mạnh.

Bắc Kinh trong ngày thứ Hai đã lên án các chuyến bay tuần tra của Mỹ, với khẳng định Bãi cạn Scarborough, mà nước này gọi là đảo Hoàng Nham, là “lãnh thổ không thể tách rời” của Trung Quốc.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, những tuần gần đây nước này đã tìm cách “hạ nhiệt căng thẳng” quanh Scarborough. Và do đó, một cuộc tuần tra “tự do đi lại” trên Biển Đông đã bị hủy, dù từng được lên kế hoạch diễn ra trong tháng này.

Dù vậy, các cuộc tuần tra trên không của Mỹ tuần trước đã khiến căng thẳng gia tăng trở lại, và có thể dẫn tới việc Trung Quốc tăng cường hoạt động tại đây, các nhà phân tích an ninh Trung Quốc nhận định

Toan tính của người Mỹ

Theo tờ The Diplomat, bối cảnh quanh việc Mỹ hủy kế hoạch thực thi tự do đi lại trên Biển Đông đến nay chưa rõ ràng, nhưng nhiều khả năng có thể Washington muốn kiểm soát những căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh tại khu vực này.

Thay vì thực hiện một cuộc tuần tra thực thi tự do đi lại nữa và làm gia tăng phản ứng tiêu cực từ Bộ ngoại giao Trung Quốc, chính quyền Obama đã chọn cách thể hiện sự hậu thuẫn với Philippines. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter hồi đầu tháng đã tới thăm Philippines.

Đây là diễn biến rất đáng chú ý, bởi ông Carter là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Mỹ tới Manila kể từ sau khi Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) giữa hai nước có hiệu lực. Theo thỏa thuận này, các lực lượng Mỹ được phép tiếp cận các căn cứ tại Philippines. Ngoài ra, ông Carter cũng là lãnh đạo đầu tiên của Lầu Năm Góc trực tiếp theo dõi cuộc tập trận quân sự chung Balikatan giữa lực lượng hai nước.

Một bối cảnh khác liên quan đó là lo ngại ngày càng tăng từ phía Mỹ, rằng Trung Quốc sẽ sớm bồi đắp Bãi cạn Scarborough, sau khi chiếm được khu vực này từ Philippines năm 2012.

Với việc hủy bỏ kế hoạch thực thi tự do đi lại trên Biển Đông, Washington đã chuyển sang tuần tra trên không. Mới đây các chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt và trực thăng HH-60 Pave Hawk đã được Mỹ triển khai tới căn cứ gần bãi cạn Scarborough.

Động thái này phần nào làm suy yếu những cam kết trước đây của các quan chức Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng Carter, rằng các chuyến thực thi tự do đi lại trên Biển Đông sẽ trở thành hoạt động thường kỳ. Đồng thời nó cũng hé lộ căng thẳng giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng vẫn đang tiếp diễn, quanh việc cái giá Mỹ sẵn sàng trả tại Biển Đông, khi tính tới mối quan hệ song phương rộng lớn hơn với Trung Quốc.

Ngoài ra, có khả năng những căng thẳng gần đây quanh Bãi cạn Scarborough cùng thông tin Trung Quốc đang khảo sát để tiến hành bồi đắp đảo có thể là một dạng thông tin đánh lạc hướng. Trung Quốc có nhiều lý do để tránh bồi đắp tại khu vực này.

Với việc phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc sắp được công bố, có khả năng trong tháng 6, Bắc Kinh sẽ chịu tổn thất nhất định về uy tín. Mặc dù Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa, cũng ít có lí do để họ khiến những tai tiếng thêm trầm trọng với hoạt động bồi đắp mới tại bãi cạn Scarborough. Khác với khu vực quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc hiện diện từ những năm 1980, Bãi cạn Scarborough đã bị Bắc Kinh dùng vũ lực cưỡng đoạt của một bên tuyên bố chủ quyền khác.

Thanh Tùng ̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣Theo WSJ, Diplomaṭ̣
Các tin khác
Xem tin theo ngày