Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.135.560
Truy cập hiện tại 6.964 khách
Thanh niên xung phong - một trường học lớn
Ngày cập nhật 31/03/2016

“Trường học lớn” ấy đã đào tạo nên những con người có trái tim nồng cháy, biết yêu tha thiết đất nước, quê hương, biết biến đau thương thành hành động". 

Ngày 30-3 tại TP.HCM, hội thảo khoa học - thực tiễn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Trường học lớn thanh niên xung phong” đã được Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành ủy TP.HCM tổ chức.

Đến dự có ông Nguyễn Minh Triết, nguyên chủ tịch nước; ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương; bà Trương Thị Mai - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Dân vận trung ương; ông Tất Thành Cang - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM; ông Lê Quốc Phong, bí thư Trung ương Đoàn, cùng nhiều đại diện lãnh đạo các tỉnh, TP, lực lượng TNXP qua những thời kỳ 
trên cả nước.

Hầu hết tham luận đều nói lên giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về Trường học lớn TNXP. Ngày nay lực lượng TNXP vẫn tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh của mình trong dựng xây đất nước, đi đầu tham gia giải quyết những vấn đề bức thiết mà xã hội đặt ra.

“Tiến lên hàng đầu, 
đi trước, làm trước”

Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Anh Liên, chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, thiết tha nhắc lại tác phẩm Gửi thanh niên Việt Nam của Bác Hồ viết năm 1925: “Muốn hồi sinh dân tộc, trước hết phải hồi sinh thanh niên”. Giải thích thêm về tinh thần này, ông Liên cho biết: “Bác nói TNXP là gắn liền với khát vọng vươn lên phía trước, gắn liền với phẩm chất cách mạng, tiên phong, xung phong tiến lên hàng đầu, đi trước, làm trước”.

Ông Tạ Quang Chiến - cựu đội trưởng TNXP 36 XP-ATK, cựu cán bộ giúp việc Bác Hồ, là một trong tám người được Bác Hồ đặt tên (Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) - đã nhắc lại bối cảnh lịch sử ra đời của lực lượng TNXP.

Theo ông Chiến, năm 1950 trong chiến dịch biên giới, lực lượng dân công không thể hoàn thành những mục tiêu và yêu cầu nghiêm ngặt trong phục vụ chiến đấu, không đảm đương nổi những nhiệm vụ trọng yếu và đột xuất của chiến trường. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình, Bác Hồ liền chỉ thị Bộ tổng tư lệnh bên cạnh việc huy động dân công phải gấp rút huy động một lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần hăng hái, dũng cảm để thành lập các đội TNXP.

Bác Hồ còn nhấn mạnh trong khi phục vụ chiến đấu phải coi trọng học tập, rèn luyện để đội viên không ngừng tiến bộ, trưởng thành, coi đây là một “trường học lớn” tạo nguồn cán bộ cho công cuộc kiến quốc.

Thực hiện lời Bác dạy, từ khi ra đời, trải suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp, Mỹ, TNXP luôn là lực lượng đi đầu trong mọi nhiệm vụ khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nhắc lại: “Hàng vạn TNXP đã tham gia rà phá bom mìn, treo mình trên những vách đá cao mấy chục mét để bạt núi, san rừng, vượt thác, mở đường. Hay những lúc làm cọc tiêu sống phải tổ chức truy điệu sống trước khi làm nhiệm vụ. Ở đâu cần cầu phà, đường giao thông là ở đó các anh chị có mặt. Ở đâu cần phá bom nổ chậm, cần làm nghi binh đánh lừa địch là 
các anh chị có mặt”...

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Quang - nguyên thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp, một cựu TNXP - bộc bạch: “Trường học lớn TNXP đã giáo dục, rèn luyện tôi trưởng thành”. Ông Quang nhớ lại những khó khăn gian khổ mà mình và đồng đội phải đối mặt: “Có một thời gian lao động làm đường đầy thử thách ở Tây Bắc: ngày nắng nóng, đêm lạnh thấu xương, rồi ruồi vàng, rồi bệnh phù thũng...”.

Khó khăn là vậy nhưng ai cũng chịu đựng và vượt qua.

Phát huy sức trẻ 
dựng xây nước nhà

Ông Trần Phú Lữ, chỉ huy trưởng lực lượng TNXP TP.HCM, đã chia sẻ về câu chuyện lớp lớp TNXP của TP.HCM sau ngày giải phóng với hơn 1 vạn người trẻ xung phong trong đội hình đến các vùng nông thôn ngoại thành, đến những nơi núi rừng đầy gian khổ và vô cùng khó khăn để khai hoang, phục hóa, xây dựng những khu kinh tế mới để làm giàu cho quê hương đất nước.

Từ trong lao động, từng lớp cán bộ, đội viên TNXP trưởng thành. Lực lượng TNXP đã trở thành một tập thể gắn bó, đoàn kết, luôn xứng đáng với niềm tin, niềm mong đợi, tự hào, sự kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân TP.

Thông qua các hoạt động thực tiễn luôn mới mẻ và phong phú trong mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển, TNXP đã trở thành “trường học lớn” cho thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới.

“Trường học lớn” ấy đã đào tạo nên những con người có trái tim nồng cháy, biết yêu tha thiết đất nước, quê hương, biết biến đau thương thành hành động.

“Trường học lớn” ấy đã giáo dục, rèn luyện và đào tạo một lớp thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão và giàu mơ ước, góp phần hình thành nên một đội ngũ lao động mới, có văn hóa, có năng lực quản lý, kiến thức chuyên môn trên mọi lĩnh vực.

Ông Lữ cũng cho rằng “Trường học lớn” ấy còn giáo dục, rèn luyện thanh niên thành con người mới, có ích cho xã hội; xung kích giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội và “trường học lớn” ấy cũng đã đào tạo nên những con người luôn năng động, sáng tạo, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ, kể cả những việc chưa có tiền lệ.

Và chính “trường học lớn” ấy đã tạo nên một tập thể xung kích, tham gia tích cực và hiệu quả trong nhiều vấn đề bức xúc của xã hội, tạo nên hình ảnh thương hiệu TNXP trên lĩnh vực công ích nội thị; góp phần hình thành môi trường văn hóa lành mạnh đậm chất nhân văn...

Ông Tạ Quang Chiến cũng góp thêm cho hội thảo chia sẻ hai vấn đề: Vì sao Bác Hồ lại dành sự quan tâm đặc biệt đối với TNXP và cần đánh giá đúng mức hình tượng “TNXP là trường học lớn”.

Ông cho rằng điều kiện, hoàn cảnh, nhiệm vụ thời kháng chiến khác xa thời bình mở cửa hội nhập trong thế giới có nhiều thay đổi chưa từng có, Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ, mọi mặt. Bên cạnh những cơ hội là thách thức không kém, đòi hỏi sự góp sức của lực lượng TNXP trên mặt trận mới này.

Tổng kết hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương, cho rằng đây là một hội thảo đặc biệt bởi lẽ không chỉ có ý nghĩa chính trị và thực tiễn sâu sắc, mà còn được ấp ủ hơn 20 năm qua.

Hội thảo còn khẳng định tư tưởng của Bác Hồ về TNXP là sáng tạo độc đáo, sức mạnh hành động, là tài sản quý báu mà Bác Hồ để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và thế hệ trẻ Việt Nam. Chúng ta cũng nhận thấy cần phải lựa chọn phương cách tập hợp, phát huy trí tuệ của TNXP đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, nhất là giai đoạn hiện nay.

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Tất Thành Cang - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - khẳng định qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ TNXP đã không ngại hi sinh, gian khổ có mặt ở những nơi khó khăn nhất và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau ngày đất nước thống nhất, TNXP tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp với khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” đã thực hiện nhiều nhiệm vụ. Riêng với lực lượng TNXP TP.HCM, trong 40 năm qua đã tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng con người mới, trở thành “trường học lớn” cho thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới, xứng đáng với niềm tin, tự hào của lãnh đạo và nhân dân TP.

 

KIM ANH - MAI HƯƠNG (theo tuoitre.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày