Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.155.623
Truy cập hiện tại 2.389 khách
Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa từ các chứng cứ lịch sử - Phần 2
Ngày cập nhật 23/06/2014

Tài liệu cổ của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý

 

Có những ví dụ mà Trung Quốc đưa ra nhằm chứng minh cho một hành vi chủ quyền. Đó là việc họ khẳng định dưới thời Bắc Tống (thế kỷ X - XII), đã có các cuộc tuần tra quân sự được tổ chức xuất phát từ Quảng Đông đi tới tận Hoàng Sa.

 

Sách Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư 1906 cũng ghi nhận lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Vũ Kinh Tổng Yếu (Chương trình chung về quân sự có lời đề tựa của vua Tống Nhân Tông) có nói đến việc đi tuần tới các đảo đó. Nhưng đoạn trích được sử dụng kém chứng giải một khi nó được đặt trong bối cảnh, vì hình như đó không phải là các cuộc tuần tra các vùng đất có thể là của Trung Quốc mà chỉ là một cuộc hành trình dò địa lý tới tận Ấn Độ Dương.

 

Như vậy, ở đây xác nhận Trung Quốc có biết đến quần đảo Hoàng Sa, nhưng không minh chứng một sự chiếm hữu nào. Cũng như vậy, vào thế kỷ XIII, việc một Hoàng đế nhà Nuyên ra lệnh cho một nhà thiên văn học nổi tiếng là Quách Từ Kính đo đạc thiên văn mà một số quan điểm quan trắc đã được thực hiện từ Hoàng Sa, cũng không phải là một việc làm có giá trị chứng minh. Các quan trắc đã được tiến hành một phần trên lãnh thổ Trung Quốc và phần khác ngoài lãnh thổ đó. Việc một số quan trắc được thực hiện trên các đảo không đủ để cung cấp một bằng chứng về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với các đảo này. Các tác giả Trung Quốc còn dựa trên một sự kiện khác từ thế kỷ XIII (1293) và được ghi trong Nguyên sử. Theo đó một cuộc viễn chinh do Sử Bật dẫn đầu đi đánh Gia Va. Đội quân khoảng 5.000 người đi thuyền vượt biển nhằm phía Nam và đến đóng trại trên một số đảo. Nhưng tài liệu này không cho phép xác minh rõ đường đi, cũng như các đảo đã gặp. Hơn nữa, tài liệu không thật xác đáng về việc làm chủ các vùng lãnh thổ này vì nó không đưa ra được bằng chứng.


Sự do dự về điểm này được biện minh rõ hơn khi chúng ta đặt nó vào bối cảnh lịch sử hàng hải của khu vực này. Các hải trình được ưu tiên lựa chọn là các tuyến đường ven biển cho phép ghé nghỉ, buôn bán và giao tiếp, vì trong khoảng thời gian dài trước đây giao thông hàng hải chưa đủ đảm bảo an toàn để tránh các vụ đắm tàu trong các vùng bãi cạn nửa nổi nửa chìm nguy hiểm như trong các vùng biển của quần đảo này.


Cuối cùng, các tư liệu Trung Quốc nói đến một cuộc tuần biển muộn hơn bởi vì nó diễn ra trong khoảng các năm 1710 và 1712 dưới triều Thanh. Ngô Thăng, Phó tướng thủy quân Quảng Đông, chỉ huy chuyến đi tuần biển và hành trình này được nêu với một lời bình luận rằng Thất Châu Dương (vùng biển bảy đảo) là nơi cuộc tuần biển đi qua tương ứng với các vùng biển Hoàng Sa. Tuy nhiên, nếu thử dõi theo hành trình này trên bản đồ, chúng ta không thể không nhận xét rằng đó là một con đường đi vòng quanh đảo Hải Nam chứ không phải là hành trình tới các biển xa. Các tham vọng của Trung Quốc còn mâu thuẫn bởi chính các nguồn tư liệu khác của Trung Quốc. Có nhiều tài liệu địa lý cổ mô tả và phân định rõ lãnh thổ của đế chế Trung Hoa. Khá trùng hợp nhau, các mô tả này đều định rõ lãnh thổ Trung Hoa có điểm tận cùng ở phía Nam là đảo Hải Nam. Theo hướng này, trong các cuốn sách ở thế kỷ XII, rồi thế kỷ XVII và XVIII, trong đó có các cuốn địa chí phủ Quỳnh Châu cũng như cuốn địa chí tỉnh Quảng Đông năm 1731, cuốn sách dâng nộp vua Thanh năm thứ 9 đời Văn Chính (1731), bản đồ tỉnh Quảng Đông không nói gì đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.


Như vậy, qua việc xem xét kỹ lưỡng các tư liệu do người Trung Quốc nêu ra, có thể thấy rằng các tài liệu tham khảo này chứng minh sự hiểu biết từ lâu về sự hiện diện của nhiều đảo nhỏ nằm rải rác đó đây trong Biển Đông. Nhưng, chúng không cho phép đi xa hơn và không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng Trung Quốc có lẽ là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và quản hạt hai quần đảo này.


Câu chuyện cũ năm 1754, các thủy thủ Việt Nam bị đắm thuyền gần quần đảo Hoàng Sa và trôi dạt tới bờ biển Trung Quốc, sau khi nhà chức trách Trung Quốc điều tra và đưa họ về quê hương mà không có sự phản kháng nào của Trung Quốc, dẫn tới ý nghĩ rằng lập luận này không có cơ sở. Đúng là do những nguyên nhân liên quan tới việc bành trướng thương mại của mình, Trung Quốc đã tiến hành, qua các triều đại của Trung Quốc cho đến thế kỷ XV, một chính sách biển tương đối tích cực. Vì thế các sách Trung Quốc có thể đã nói tới các đảo cho dù chúng không đưa ra được các luận cứ có tính chất thuyết phục cho lời khẳng định một danh nghĩa chủ quyền của Trung Quốc.

 

Một số tài liệu nghiên cứu tinh tế hơn đã đưa ra ý tưởng cho rằng qua các giai đoạn lịch sử này, Trung Quốc có lẽ mới chỉ đạt được một inchoate title (danh nghĩa sơ khởi) nghĩa là một danh nghĩa đang hình thành. Trong luật quốc tế, khái niệm này được chấp nhận, nhưng còn phải dựa trên các cơ sở thực tế đầy đủ. Vào thế kỷ XIX, khi Mexico nêu yêu sách rằng đảo Clipperton đã thuộc về họ trước khi Pháp thể hiện các quyền ở đó, trọng tài được chọn để giải quyết vụ án đã không tìm ra quyền nào có thể đã được hình thành trên đảo này bởi các nhà hàng hải Tây Ban Nha nói rằng “họ đã biết đến các đảo này trước khi nhật kí hàng hải của các tàu Pháp La Princesse và La Découverte năm 1711 xác định và mô tả hòn đảo, là một sự phỏng đoán ít nhiều có thể có, nhưng từ đó không thể rút ra bất kỳ luận cứ nào có tính quyết định”. Trọng tài nói tiếp: “Bằng chứng về một quyền lịch sử của Mexico không dựa vào bất kỳ một biểu hiện chủ quyền nào của họ đối với đảo này”.


Đó là kết luận cho phép gạt bỏ những lời khẳng định rườm rà trong nhiều sách hay bài viết khi xem xét các yếu tố được đưa ra để ủng hộ một danh nghĩa lâu đời có lợi cho Trung Quốc. Liệu trong giai đoạn đầu này (đang được xem xét cho tới thế kỷ XVIII) còn có những biểu hiện có thể có nào của các dân tộc khác quan tâm đến các quần đảo này hay không?

 

Monique Chemillier-Gendreau

(Giáo sư công pháp quốc tế - Đại học Paris-VII-Denis Diderot)

 
(theo baotintuc.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày