Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.157.496
Truy cập hiện tại 2.800 khách
Tái hiện lễ tế Giao - Một giá trị văn hóa đặc sắc của cung đình triều Nguyễn
Ngày cập nhật 18/04/2014

 Lúc 3h30 phút rạng sáng 17/4/2014 (nhằm ngày 16 tháng 3 năm Giáp Ngọ), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ định Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thực hiện buổi tế Giao theo đúng nghi thức cổ xưa. Đây là dịp để chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, đối với hồn thiên sông núi.

 Đàn Nam Giao đại điện cho thuyết “tam tài”: Thiên - Địa – Nhân


Theo nhiều thư tịch cổ, Việt Nam ngay từ những ngày đầu thoát khỏi ách thống trị ngàn năm của phương Bắc đã sớm tiếp nhận nghi lễ tế Giao. Ngoài triều Trần, các triều đại khác như Lý, Hồ, Lê cho đến Lê Trung Hưng, rồi các chúa Nguyễn ở miền Nam, hay triều Tây Sơn đều tổ chức tế Giao. Sang thời Nguyễn, tế Giao được xem là lễ tế có qui mô và quan trọng nhất của triều đình. Đàn Nam Giao ngày nay được xây dựng năm 1806 ở phía nam Kinh Thành. Ở đây, nhà Nguyễn cho hợp tế cả trời, đất và tổ tiên. Thời gian đầu, lễ tế Giao được tổ chức vào mùa xuân hằng năm. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), triều đình định lại ba năm tế Giao một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Nghi lễ này được duy trì cho đến năm 1945, thời điểm cáo chung của phong kiến Việt Nam.


Chánh tế - Những người đại diện cho dân để cầu mưa thuận gió hòa, quốc tái dân an


Đàn Nam Giao là đàn tế lớn nhất và là đàn tế duy nhất được xây dựng một cách công phu dưới thời quân chủ. Tổng diện tích của đàn Nam Giao khoảng 10 ha, mặt bằng 265 x 390 m. Do tế Giao là một một nét văn hoá đặc trưng của các nước châu Á nên mô thức kiến trúc của đàn Nam Giao cũng thể hiện rõ những triết lý Á Đông; cụ thể là đàn gồm có ba tầng, đại diện cho thuyết “tam tài” Thiên-Địa-Nhân, gồm:


Trống - Chiêng phục vụ cho lễ tế

Tầng thứ nhất ở trên cùng, hình tròn nên được gọi là Viên Đàn, tượng trưng cho trời và được sơn màu xanh. Từ năm 1846 trở đi, tòa nhà này được gọi là Hoàng Khung Vũ; Tầng thứ hai có hình vuông nên được gọi là Phương Đàn. Phương đàn được sơn màu vàng – màu của hành thổ; Tầng thứ ba ở dưới cùng cũng có dạng hình vuông, được sơn màu đỏ tượng trưng cho con dân: “xích tử”.

Ở góc Đông Nam tầng ba có Liệu sở - nơi dùng để đốt trâu tế, lụa và các thức ăn. Ở góc phía Tây Bắc có các hố dùng chôn lông và huyết trâu gọi là Ế sở; bốn góc có bốn trụ lớn để treo đèn. Phía Đông ở trên tầng này có nhà Đại thứ để vua dừng lại làm lễ quán tẩy (rửa tay) trước khi hành lễ.

Ngoài ba tầng chính của đàn, xung quanh khu vực này còn có các công trình phụ khác gồm: Trai Cung, Thần Trù, Thần Khố, và một số công trình được dựng tạm trong quá trình tế như: Hoàng Ốc, Thanh Ốc, Đại Thứ, nhà Khoản Tiếp, và nhà Quan Cư.

Tái hiện nghi lễ theo ước nguyện của người dân

Vua, được mệnh danh là thiên tử, tức con của trời, nhưng không vì “tình thân” ấy mà nhà vua có thể sơ xuất trong các nghi thức cúng tế “cha mẹ”. Trước khi tế Nam Giao, nhà vua phải hoàn toàn “trai giới” trong ba ngày. Trong thời gian đó, vua phải ăn chay, nằm đất, xa rời tửu sắc, hướng tâm đến những suy nghĩ trong sáng và một lòng thành kính đối với trời và đất.


Lễ hiến tước (dâng rượu)

Vào ngày tế, vua phải mặc trang phục của đại lễ gồm long cổn, mũ miện, tay cầm hốt trấn khuê bằng ngọc lên Giao đàn. Đầu tiên, vua ngự lên Giao đàn và làm lễ “quán tẩy” (lễ rửa tay) để gột bỏ những thứ không sạch trước khi tế. Sau phần quán tẩy là các nghi lễ quan trọng “lễ phần sài và ế mao huyết” (thiêu nghé và chôn lông, huyết), “lễ thượng hương” (dâng hương), “lễ nghinh thần” (mời thần đến), “lễ điện ngọc bạch” (dâng ngọc và lụa), “lễ tấn trở” (dâng thịt tế), “lễ sơ hiến” (dâng rượu lần đầu), “lễ độc chúc” (đọc chúc văn), “lễ phân hiến”, “lễ Á hiến” (dâng rượu lần thứ hai), “lễ Chung hiến” (dâng rượu lần cuối), “lễ Tứ phúc tộ” (lễ ban rượu và thịt tế), “triệt soạn và phần hoá”, “tống thần”, “tư chúc bạch soạn”, và cuối cùng là “hoàng đế hồi cung”. Các nghi thức diễn ra vô cùng trang nghiêm trong khói hương, lễ phẩm, áo mão, cùng âm nhạc.


Lễ dâng sớ

TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Việc sân khấu hóa về lễ tế Giao như trước đây chúng ta từng làm là không cần thiết. Tế giao là để con người hướng về trời đất, về các thế lực siêu nhiên… và đó là nguyện vọng cần thiết của nhân dân, nên dù đơn giản nhưng phần ghi lễ được xây dựng chuẩn xác và trang nghiêm. Những người đứng tế là những người đại diện cho nhân dân để nói lên khát vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mọi điều luôn tốt đẹp. Trong nghi thức tế Giao năm nay, ngoài án thờ: trời, đất, các vị thần linh sông núi, các vị tiên tổ của triều Nguyễn, còn có bài vị thờ lịch đại đế vương, tất cả các vị hoàng đế anh minh qua các đời, và bài vị những anh hùng liệt sĩ có công với đất nước cũng được đặt trên các bàn thờ chính”. 


Đại nhạc phục vụ lễ tế


Tiểu nhạc phục vụ lễ tế

Theo quan niệm của người xưa, trời và đất là hai chủ thể sáng tạo ra nhân loại. Nói cách khác, đất trời tượng trưng cho cha và mẹ. Thế nên, dưới các triều đại phong kiến, hằng năm đều có lễ tế trời đất.


Lễ phần hóa (đốt vàng mã)


Người dân thắp hương nguyện cầu

Ngoài ý nghĩa bảo tồn những giá trị văn hoá phi vật thể của triều Nguyễn, lễ tế Giao cũng là dịp để chúng ta giới thiệu đến với công chúng trong nước và quốc tế những giá trị văn hoá cung đình đặc sắc của triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. 

Đỗ Vũ - TT Festival Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày