|
|
|
Thống kê truy cập Tổng truy cập 7.157.666 Truy cập hiện tại 2.852 khách
|
|
|
|
Thủ tướng quyết định không tổ chức ASIAD 18 tại VN Ngày cập nhật 18/04/2014 | Dừng đăng cai ASIAD, Việt Nam cũng không đánh mất vị thế của mình - Ảnh: Khả Hòa |
Sau khi nghe báo cáo của các bộ, ngành chiều qua (17.4), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức kết luận “Việt Nam sẽ rút quyền đăng cai ASIAD 18”. Trước đó, tại cuộc họp chiều 17.4, sau khi nghe báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) cũng như ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã có chủ trương chuẩn bị điều kiện cần thiết để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao khu vực, quốc tế, trong đó có ASIAD vào thời điểm thích hợp. Bộ VH-TT-DL và TP.Hà Nội đã tiến hành vận động được chấp thuận đăng cai ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội. “Chính phủ Việt Nam cảm ơn Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong phát triển TDTT nói chung và ủng hộ Hà Nội đăng cai ASIAD 18 nói riêng”, Thủ tướng kết luận.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, do Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD; việc chuẩn bị đăng cai chưa chặt chẽ, khi vận động chưa có đề án bảo đảm tổ chức thành công nếu được chấp nhận. Cho đến nay, đề án tổ chức chưa được Chính phủ chính thức phê duyệt. Hiện đang còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích, ý nghĩa và còn khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như nguồn kinh phí cụ thể.
Việc đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện thể thao khu vực và quốc tế, theo Thủ tướng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh nâng cao vị thế đất nước. Tuy nhiên nếu tổ chức không chu đáo, không thành công sẽ chịu ảnh hưởng ngược lại. Thực tế qua các sự kiện thể thao lớn đã tổ chức ở Việt Nam và thế giới cho thấy hầu hết nguồn thu không đủ bù đắp chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao. “Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phải có để phục vụ ASIAD 18 theo hình thức xã hội hóa như: sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp… cũng như dự kiến nguồn thu từ ASIAD 18 để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở chắc chắn để đảm bảo”, kết luận của Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng khẳng định: “Qua cân nhắc các mặt, Thủ tướng giao Bộ VH-TT-DL chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương làm việc với OCA và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức vào thời điểm thích hợp.
Không có năng lực làm sẽ gây nhiều hậu quả nguy hại
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: “Việc chúng ta phải xin rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 là một điều đáng tiếc, có ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên bình diện quốc tế. Đây cũng là bài học cho chúng ta khi mà các cơ quan có trách nhiệm đã không đánh giá hết các vấn đề cũng như khả năng vào thời điểm Việt Nam đặt vấn đề chuẩn bị đăng cai sự kiện này. Khi anh đã đặt vấn đề với quốc tế về một hoạt động lớn như vậy thì nó liên quan đến nhiều mặt, vừa là vấn đề thể diện, danh dự cũng như tiềm lực của quốc gia đăng cai. Tuy nhiên, tôi cho rằng thà rằng mình chấp nhận dừng một cách dũng cảm còn hơn đến lúc triển khai mình không có năng lực làm thì còn nhiều hậu quả nguy hại hơn”.
Trường Sơn
|
Ý KIẾN
Hợp lòng dân, cẩn trọng, chính xác
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT Nguyễn Hồng Minh bày tỏ hoan nghênh khi Thủ tướng quyết định không đăng cai ASIAD 18. Ông nói: “Từ lâu tôi đã cảm thấy khá lo lắng về yếu tố thời gian. Báo cáo giải trình của Bộ VH-TT-DL cũng cho biết, đề án chuẩn bị tổ chức ASIAD 18 là một đề án tổng thể với nhiều tiểu đề án, dự án và một khối lượng công việc lớn cần triển khai. Nhưng thời gian thực hiện đề án là rất ngắn. Nếu không được triển khai kịp thời, một số công việc sẽ không đáp ứng được tiến độ, đặc biệt là cơ sở vật chất, hậu cần và dịch vụ công cộng. Nhưng quan trọng hàng đầu là nước đăng cai phải có khả năng dồi dào về tài chính. Thực tế lịch sử đã chứng minh, chưa có quốc gia nào tiềm lực tài chính yếu mà lại đăng cai tổ chức ASIAD. Do vậy, khi Thủ tướng quyết định rút đăng cai ASIAD 18 là cẩn trọng, phù hợp tình hình thực tế, hợp lòng dân và chính xác”.
Bài học SEA Games đã nhìn nhận kịp thời
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội từng phản bác: “Không phải vì tổ chức một lần ASIAD mà hình ảnh đất nước được nâng lên, nhưng để nâng hình ảnh đất nước phải qua nhiều lĩnh vực khác, không chỉ thể thao”. Do vậy, ông Cương cho biết ông không tin tổ chức ASIAD năm 2019 mọi thứ sẽ hiệu quả hơn, vì bài học từ SEA Games 22 còn rất nhiều. Đặc biệt là các công trình thể thao đa phần đều sử dụng sai công năng, sai mục đích, đầu tư xong lại không liên tục sử dụng nên rất lãng phí. Đó là chưa kể nhiều hạng mục của các công trình thể thao bị mổ xẻ để buôn bán, khai thác lấy lợi nhuận bù đắp gây phản cảm. Theo ông Cương, việc dừng không tổ chức ASIAD là cần thiết, cho thấy Chính phủ đã nhìn nhận kịp thời bài học đắt giá của SEA Games để tránh lãng phí.
Không đánh mất vị thế
“Tôi vỗ tay ngay lập tức khi nghe tin này và các bạn tôi cũng điện đến bày tỏ sự vui mừng khi Thủ tướng quyết định rút không đăng cai ASIAD”, chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh đã cho biết như vậy và nói thêm: “Điều kiện kinh tế nước ta đang còn rất khó khăn, còn nhiều vấn đề dân sinh khác rất quan trọng phải giải quyết hơn việc đăng cai ASIAD 18. Dĩ nhiên về lâu về dài chúng ta phải đăng cai vì khi thể thao VN lớn mạnh, chúng ta cũng rất cần chứng tỏ với bạn bè thế giới về sức mạnh của mình. Nhưng trước mắt là chưa thể. Do vậy, quyết định của Thủ tướng là rất hay và cũng chẳng thể vì chuyện này mà đánh mất vị thế”.
Đ.Khoa - T.Anh
(ghi)
|
Anh Vũ - Bảo Cầm(thanhnien.com.vn) Các tin khác
|
|
|
|