Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.147.899
Truy cập hiện tại 206 khách
Sinh viên nói Quốc hội còn xa lạ với giới trẻ
Ngày cập nhật 31/03/2014
TS Nguyễn Sĩ Dũng (giữa) phát biểu- Ảnh: Lê Kiên

 Tại cuộc giao lưu, đối thoại trong khuôn khổ dự án “Quốc hội trẻ” do Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 29-3 với sự tài trợ của Đại sứ quán Anh.

 Nhiều sinh viên đã thẳng thắn góp ý cho hoạt động của Quốc hội cũng như gửi gắm những kỳ vọng tới các đại biểu Quốc hội.

Trong phần giới thiệu về vai trò của Quốc hội trước hơn 200 sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội, Viện đại học Mở và Học viện Báo chí và tuyên truyền, TS Nguyễn Sĩ Dũng - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - hi vọng “trong tương lai chúng ta sẽ có những đại biểu Quốc hội tài giỏi hơn, đức độ hơn, sẽ có những cử tri biết đòi hỏi nhiều hơn trách nhiệm của nghị sĩ”. Ông Dũng cũng mong muốn thông qua các hoạt động như thế này để sinh viên, thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ về vai trò, hoạt động của Quốc hội và nhận biết rằng tương lai mình có thể trở thành đại biểu Quốc hội không.

Ứng cử hứa nhiều, trúng cử không thực hiện

 

"Mong các vị đại biểu Quốc hội dám nói trung thực, dám nghĩ quyết liệt và dám làm vì dân. Hi vọng các vị không chỉ làm việc vì nước vì dân, mà còn là tấm gương sáng về đạo đức để thế hệ trẻ noi theo"

Sinh viên Lê Thị Yến Ly

 

Không ngần ngại đối thoại với ông Dũng, bạn Ngô Lê Mỹ Linh, sinh viên Đại học Luật Hà Nội (Linh là con gái đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh - PV), chất vấn: “Bác Nguyễn Sĩ Dũng hi vọng sau này có những đại biểu Quốc hội đức độ hơn, cháu đề nghị bác giải thích rõ đức độ hơn là thế nào, phải chăng đại biểu Quốc hội thời nay đang có vấn đề về đức độ nên mới phải hi vọng vào tương lai?”.

Ông Dũng giải thích rằng khái niệm đức độ mình đưa ra hơi trừu tượng một chút. “Một trong những yêu cầu cơ bản nhất trong đạo đức nghị viện là không được xung đột lợi ích. Tức là anh đã làm hành pháp rồi thì không nên làm lập pháp. Tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh đức độ trong vấn đề này... Ví dụ, một ông thứ trưởng là đại biểu Quốc hội thì làm sao để giám sát có hiệu quả ông bộ trưởng là cấp trên của mình” - ông Dũng giải thích.

Trả lời bổ sung, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng khía cạnh đức độ liên quan đến cơ chế vận hành của Quốc hội: “Hiện nay Quốc hội VN chỉ có khoảng 30% đại biểu chuyên trách, thời gian dành cho hoạt động của Quốc hội rất ít, nhiều đại biểu kiêm nhiệm lại là cấp dưới của đối tượng chịu sự giám sát của mình, do đó chúng ta chưa có một Quốc hội chuyên nghiệp, điều này cũng ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào Quốc hội”.

“Các bạn có nhớ mình đã bầu cử cho những ai làm đại biểu Quốc hội không?” - ông Dũng hỏi sinh viên và bình luận rằng “muốn có những đại biểu Quốc hội thông thái thì phải có những cử tri thông thái, một khi chúng ta đi bầu cử mà không nhớ mình đã bầu cho ai thì chúng ta phải tự hỏi về trách nhiệm của mình”.

Câu hỏi và nhận xét này của ông Dũng cũng được Ngô Lê Mỹ Linh “xin hỏi ngược lại”: “Đại biểu Quốc hội đã làm gì để gần dân, hiểu dân, để dân biết và dân tin ở mình? Cháu thấy có những đại biểu khi ứng cử tại địa phương thì hứa với cử tri rất nhiều, nhưng sau khi trúng cử thì không thấy thực hiện lời hứa, thậm chí một lời cảm ơn cử tri cũng không có”.

Xa lạ với thế hệ trẻ

“Quốc hội VN còn là một diễn đàn khá xa lạ với thế hệ trẻ” - Lê Thị Yến Ly, sinh viên Đại học Luật Hà Nội, nhận xét. Theo bạn Ly, hiện nay thanh niên tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức về văn hóa và việc làm. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, thanh niên gần như không có diễn đàn để sinh hoạt, thảo luận, nói lên ý kiến của mình. Tại giảng đường đại học thì lý thuyết không gắn với thực tiễn.

“Nhu cầu đào tạo ngành luật rất lớn nhưng sinh viên luật ra trường không có việc làm. Tại sao sinh viên không được học luật gắn với thực tiễn? Không được giao lưu với các hãng luật, tòa án? Sinh viên luật muốn tìm một bản án phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm là khá khó khăn. Sinh viên cần những giờ học có hiệu quả chứ không phải là nhiều giờ học hình thức” - Ly nói.

Trước các bạn trẻ, TS Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - thú thật “rất buồn khi nghe nhận xét Quốc hội còn xa rời sinh viên”, nhưng ông cũng thú nhận “đó đang là sự thật”. Bản thân ông Lợi trong gần 15 năm làm đại biểu cũng rất hiếm khi tiếp xúc cử tri là sinh viên, trong khi đó nhiều vấn đề bức bách của đất nước như tình trạng thất nghiệp và giải quyết việc làm, thực hiện bảo hiểm y tế liên quan mật thiết đến sinh viên, giới trẻ.

“Cháu thấy có nhiều đạo luật Quốc hội ban hành sau một thời gian ngắn lại phải sửa, có những điều luật không đi vào cuộc sống, phải chăng tầm nhìn của Quốc hội cũng còn hạn chế?” - bạn Lê Hồng Hạnh, sinh viên Đại học Luật Hà Nội, hỏi. Ông Lợi đáp: “Câu hỏi của bạn có trong tâm tư các đại biểu Quốc hội. Đúng là hệ thống pháp luật của chúng ta có vấn đề, khi xây dựng luật có lúc còn chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chưa tham khảo tường tận tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng điều chỉnh và chưa có những phân tích, đánh giá xác đáng. Quốc hội phải nỗ lực để khắc phục tình trạng luật khung, luật ống”.

Đối thoại với đại biểu Quốc hội, nhiều bạn sinh viên đã đưa ra các câu hỏi thẳng thắn, ngay cả những câu hỏi mà không ít người lớn vẫn cho là nhạy cảm như “VN có nên tổ chức Quốc hội theo mô hình lưỡng viện không?”. Không né tránh trả lời, TS Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ: “Quan điểm cá nhân tôi là nên tổ chức mô hình Quốc hội lưỡng viện, vì như vậy vừa có đại diện của các địa phương lại có đại diện của toàn dân”.

LÊ KIÊN (tuoitre.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày