Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.083.449
Truy cập hiện tại 796 khách
Cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay
Ngày cập nhật 15/07/2011
Đ/c Nguyễn Xuân Phúc- UV BCT, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Tính đến ngày 30.6.2011, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền để đơn giản hóa trên 3.000 thủ tục hành chính.

Những kết quả bước đầu

Triển khai thực thi 25 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành, tính đến ngày 30.6.2011, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền để đơn giản hóa trên 3.000 TTHC, đạt tỷ lệ 63%. Trong đó, số TTHC đã được ban hành thành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi lên tới 1.882 TTHC, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp (DN). Một số bộ, ngành kết quả thực hiện đạt tỷ lệ cao, bao gồm: GTVT, NN-PTNT, TN-MT, Tài chính, KH-CN, Nội vụ, Tư pháp, NHNN…

Về phía các địa phương, triển khai phương án đơn giản hóa TTHC đã được phê duyệt trên cơ sở kết quả tự rà soát TTHC trong khuôn khổ Đề án 30, đến nay, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chủ động ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi phương án đơn giản hóa của 3.636 TTHC đang được thực hiện tại các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, như TP.HCM, Bến Tre, Tây Ninh, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Lào Cai, Đồng Nai, Điện Biên, An Giang, Kiên Giang, Thừa Thiên - Huế, Long An, Cần Thơ, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Vĩnh Long…

Có thể nói, kết quả thực thi phương án đơn giản hóa TTHC đạt được thời gian qua tại các bộ, ngành, địa phương là một sự cố gắng rất lớn cần được ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương thực hiện còn chậm công tác này so với thời hạn được Thủ tướng giao. Văn phòng Chính phủ (VPCP) sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành giai đoạn thực thi, đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa các phương án cải cách mang lại lợi ích cho người dân và DN.

Về công tác kiểm soát TTHC, trong một thời gian ngắn công tác kiểm soát TTHC đã có những chuyển động rất tích cực trong toàn bộ bộ máy hành chính từ trung ương tới địa phương. Đến nay, đã có tất cả các bộ, ngành và 62/63 địa phương triển khai việc thành lập phòng kiểm soát TTHC đặt tại văn phòng bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. Cùng với việc kiện toàn về tổ chức và nhân sự cho phòng kiểm soát TTHC, hệ thống cán bộ đầu mối kiêm nhiệm làm công tác kiểm soát TTHC tại các vụ, cục, sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã cũng được quan tâm, kiện toàn.

Toàn thể cán bộ công chức làm công tác kiểm soát TTHC tại các bộ, ngành, địa phương đã tham dự đầy đủ chương trình tập huấn nghiệp vụ do VPCP tổ chức. Thông qua tập huấn, nhận thức của lãnh đạo và công chức các bộ, ngành về công tác này được nâng cao, công tác đánh giá tác động các quy định về TTHC và lấy ý kiến về TTHC được coi trọng, hoạt động kiểm soát TTHC bước đầu đã đi vào nề nếp. Các đơn vị kiểm soát TTHC đã tham mưu cho lãnh đạo bộ, ngành, địa phương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan mình, theo đó phải thực hiện đánh giá tác động và lấy ý kiến đơn vị kiểm soát TTHC đối với dự thảo quy định về TTHC; ban hành quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; xây dựng kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2011 và kế hoạch truyền thông phục vụ kiểm soát TTHC của bộ, ngành, địa phương. Đây là nền tảng tốt để đưa hoạt động kiểm soát TTHC đi vào nề nếp, duy trì và phát huy kết quả cải cách TTHC trong thời gian tới.

Mở rộng phạm vi cải cách TTHC, chú trọng khâu thực hiện

TTHC dù quy định có tốt đến đâu nhưng sẽ chỉ dừng lại trên lý thuyết nếu công tác tổ chức thực hiện yếu kém. Vấn đề này đã được nhắc đến nhiều lần trong các nghị quyết của Đảng và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, qua phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và các phương tiện thông tin đại chúng về việc thực hiện TTHC tại các bộ, ngành, địa phương thời gian qua, có thể nói công tác công khai, minh bạch TTHC tại trụ sở cơ quan giải quyết TTHC vẫn chưa thực hiện đầy đủ; hiện tượng giải quyết TTHC kéo dài so với quy định pháp luật vẫn tồn tại, gây bức xúc cho cá nhân, tổ chức; ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương hành chính. Vì vậy, kiểm soát việc thực hiện TTHC cần được chú trọng hơn nữa, với các nội dung và cách làm cụ thể để tạo bước chuyển về chất trong công tác này. Nội dung này nếu được làm tốt sẽ giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; mang lại niềm tin cho nhân dân, cộng đồng DN và thật sự hiện thực hóa các kết quả cải cách tới từng thành viên trong xã hội.

Trong thời gian tới, VPCP sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương dành nguồn lực thích hợp cho hoạt động này; huy động sự tham gia của người dân, DN và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội trong việc giám sát thực hiện TTHC của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như của cơ quan hành chính các cấp.

Về phía nhân dân, cộng đồng DN, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, hiệp hội DN cũng cần chủ động, tích cực trong vai trò giám sát việc thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền và kịp thời phản ánh với hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC về những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện TTHC. Mỗi người dân, DN cần phát huy vai trò “thanh tra công vụ nhân dân” mà Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP đã trao vì lợi ích của mỗi cá nhân, tổ chức cũng như của cộng đồng.

Về phạm vi kiểm soát TTHC, trước đây, vì nguồn lực có hạn nên việc triển khai cải cách TTHC theo Đề án 30 chỉ áp dụng đối với các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, các thủ tục trong nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan đến việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức, như thủ tục tăng lương, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức, thi nâng ngạch… đều thuộc phạm vi điều chỉnh của hoạt động kiểm soát TTHC. Trong thời gian tới, trong khuôn khổ của hoạt động kiểm soát TTHC, VPCP cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ từng bước thực hiện đơn giản hóa các thủ tục nội bộ trong hệ thống các cơ quan hành chính có liên quan đến việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, cắt giảm chi phí cho cả khối hành chính cũng như các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Yếu tố quyết định thành công

Cải cách TTHC tiếp tục được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ khóa 13 và cũng là đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong bối cảnh này, chúng ta không thể tự thỏa mãn với những kết quả bước đầu của Đề án 30 mà phải tập trung thực hiện cải cách TTHC mạnh mẽ hơn nữa, cải cách TTHC phải trực tiếp phục vụ nhân dân, cộng đồng DN và là giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để cải cách TTHC tiếp tục có những kết quả mới, cần nhiều yếu tố nhưng tôi cho rằng vấn đề nhận thức là yếu tố rất quan trọng, bao gồm nhận thức của lãnh đạo cơ quan hành chính các cấp, nhận thức của đội ngũ cán bộ cũng như nhận thức của người dân và cộng đồng DN về công tác này.

Về phía khối cơ quan hành chính, phải coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Cần quán triệt tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức tinh thần cốt lõi của cải cách TTHC là việc nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và DN ngày một tốt hơn, chất lượng hệ thống thể chế ngày một cao hơn, nguồn lực xã hội phải được sử dụng có hiệu quả nhất. Cải cách TTHC không phải là sửa đổi được bao nhiêu quy định mà cốt lõi là những sửa đổi này phải đi vào cuộc sống, giảm thiểu gánh nặng, khó khăn cho người dân, DN, lấy sự hài lòng của người dân và DN và hiệu quả quản lý nhà nước làm thước đo cho kết quả cải cách.

Về phía người dân, cộng đồng DN, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, cần hiện thực hóa tinh thần “Chung tay cải cách thủ tục hành chính”, đồng hành cùng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp thực hiện thành công nhiệm vụ cải cách TTHC. Hãy chủ động tư vấn, hỗ trợ VPCP trong việc đề xuất những sáng kiến cải cách TTHC và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và người dân.

Qua bài viết này, tôi đề nghị giới truyền thông có những hoạt động thiết thực ủng hộ công tác cải cách TTHC, dành thời lượng phù hợp để thông tin, tuyên truyền tới người dân, DN và toàn xã hội về nội dung và tình hình, kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách TTHC, kịp thời biểu dương những sáng kiến cải cách TTHC nhằm tạo sự ủng hộ trong toàn xã hội đối với công tác này. Sự hỗ trợ của giới truyền thông, của người dân và DN sẽ góp phần quan trọng bảo đảm sự thành công cho nhiệm vụ đầy khó khăn nhưng rất có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.

Nguyễn Xuân Phúc
Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày