Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.083.931
Truy cập hiện tại 960 khách
Sinh viên dân tộc thiểu số được ưu đãi việc làm
Ngày cập nhật 01/07/2011

Thời điểm tốt nghiệp đại học đang đến gần, nhiều bạn sinh viên là người dân tộc thiểu số gửi thư đề nghị tòa soạn cho biết về những chính sách ưu đãi việc làm mới được áp dụng cho các đối tượng này sau khi tốt nghiệp ra trường.

Xung quanh vấn đề này, Cổng TTĐT Chính phủ đã phỏng vấn bà Hoàng Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Ủy ban Dân tộc.

PV: Các sinh viên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học được bố trí công tác như thế nào, thưa bà?

Bà Hoàng Phương Hoa: Việc bố trí công tác cho sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đã được quy định tại khoản 7 Điều 10 Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc.

Theo đó, chính quyền địa phương, nơi có con em dân tộc thiểu số thi đỗ vào đại học, cao đẳng và sinh viên được cử đi học hệ cử tuyển, có trách nhiệm tiếp nhận và phân công công tác phù hợp với ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp.

PV: Xin bà cho biết đây có phải là quy định mới trong số các chính sách ưu đãi đối với sinh viên là con em dân tộc thiểu số không?

Bà Hoàng Phương Hoa: Thực tế, chính sách việc làm cho sinh viên là con em dân tộc thiểu số đã được quy định trong các văn bản trước đây như Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách lại chưa triệt để, dẫn đến tình trạng đầu vào các trường của các em sinh viên là người dân tộc thiểu số thì chặt chẽ nhưng việc phân công, bố trí công việc cho các em ở các địa phương chưa được tốt đồng đều. Có địa phương hiện nay không quản lý được số sinh viên là con em dân tộc theo học hệ cử tuyển đã ra trường.

Nghị định 05/2011/NĐ-CP ra đời với những quy định cụ thể hơn nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những sinh viên được cử đi học hệ cử tuyển tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cao cấp.

PV: Bà có thể cho biết, ngoài điểm mới là nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, Nghị định 05/2011/NĐ-CP còn có chính sách ưu đãi nào khác không?

Bà Hoàng Phương Hoa: Theo các quy định trước đây, chính quyền địa phương quyết định phân công công tác cho người tốt nghiệp hệ cử tuyển về các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước. Sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp các hệ đào tạo khác chỉ được ưu tiên điểm cộng khi tuyển dụng công chức, viên chức.

Theo quy định mới tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP, không chỉ sinh viên được cử đi học hệ cử tuyển mà sinh viên là con em dân tộc thiểu số tốt nghiệp các hệ đào tạo khác cũng được chính quyền địa phương tiếp nhận và phân công công tác phù hợp với ngành nghề đào tạo.

PV: Thời điểm tốt nghiệp đại học đang đến gần, nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số muốn được biết sau khi tốt nghiệp cần nộp đơn tới cơ quan nào để được phân công công tác, bà có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?

Bà Hoàng Phương Hoa: Nghị định 05/2011/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 4/3/2011. Chính phủ đã giao cho các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Trong thời gian chưa có Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể nội dung trên, việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên người dân tộc thiểu số cần liên hệ với UBND tỉnh (đối với hệ cử tuyển), Sở Nội vụ (đối với hệ đào tạo khác) hoặc cơ quan, đơn vị cần tuyển dụng để biết thời gian, kế hoạch phân công công tác hoặc tuyển dụng.

PV: Bà có thể cho biết các quy định hiện hành về chế độ tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển?

Bà Hoàng Phương Hoa: Việc tiếp nhận, phân công công tác cho người được cử đi học hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 7/4/2008 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP.

Theo đó, chậm nhất là 15 ngày sau khi người học theo chế độ cử tuyển được công nhận tốt nghiệp, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm gửi danh sách và hồ sơ (bao gồm cả bằng tốt nghiệp) của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp đến UBND cấp tỉnh nơi cử đi học, đồng thời gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (tùy theo trình độ đào tạo) danh sách người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp để báo cáo.

Đồng thời, chậm nhất là sau 1 tháng kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp, người học theo chế độ cử tuyển phải có mặt tại UBND cấp tỉnh (nơi đã cử đi học) để báo cáo kết thúc khóa học.

Căn cứ danh sách người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phân công công tác cho người tốt nghiệp về các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước.

Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ phân công công tác tối đa là 6 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp.

Quá thời hạn 6 tháng không nhận được sự phân công theo quy định của pháp luật thì người học theo chế độ cử tuyển có quyền tự đi tìm việc làm và không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

PV: Vậy với sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp các hệ đào tạo khác thì như thế nào?

Bà Hoàng Phương Hoa: Việc tuyển dụng, sử dụng công chức là người dân tộc thiểu số phải tuân theo các quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Theo đó, sinh viên tốt nghiệp phải có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức: Có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; Đủ 18 tuổi trở lên; Có đơn dự tuyển; Có lý lịch rõ ràng; Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, người dự tuyển là người dân tộc thiểu số được ưu tiên cộng 20 điểm vào tổng điểm thi tuyển hoặc xét tuyển khi tuyển dụng vào cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Trường hợp được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp của nhà nước (viên chức) thì áp dụng các quy định của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ; Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP và Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ Nội vụ.

Trong trường hợp này, người dân tộc thiểu số cũng được ưu tiên tuyển dụng, cụ thể là được cộng thêm 30 điểm.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

HMT-theo chinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày