Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.090.352
Truy cập hiện tại 1.268 khách
Thanh tra vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước nhưng có tính độc lập tương đối
Ngày cập nhật 25/10/2010

Thanh tra là công cụ của quản lý nhà nước. Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thì bản thân hoạt động thanh tra cần được thực hiện độc lập và dựa trên cơ sở pháp luật. Đồng thuận với quan điểm này, tuy nhiên, nhiều ĐBQH cho rằng, trong giai đoạn trước mắt, khi chưa thực hiện được phương án tổ chức cơ quan thanh tra độc lập với cơ quan quản lý nhà nước thì cần đổi mới từng bước tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng tuy vẫn gắn với hoạt động của quản lý nhà nước nhưng có tính độc lập tương đối.

Sau đây là trao đổi của các đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

ĐBQH NGUYỄN MINH THUYẾT (LẠNG SƠN): Thanh tra như “cái phanh” của bộ máy

Tôi mong muốn cơ quan thanh tra có địa vị pháp lý độc lập, ít nhất là như kiểm toán thì mới phát huy được tác dụng. Tôi quan niệm, thanh tra như là cái phanh của bộ máy. Ngày xưa trong kháng chiến, nếu ai đã từng đi xe đạp phanh bằng chân hoặc bây giờ đi ô tô phanh tự động thì sẽ thấy rõ ràng phanh tự động tốt hơn phanh bằng chân; phanh bằng chân phụ thuộc vào sức khỏe và ý chí của người cầm lái.

Điều 2, về mục đích hoạt động thanh tra, theo tôi không nên đưa ra quy định về mục đích vì mục đích không phải là quy phạm pháp luật. Hơn nữa viết như dự thảo Luật thì nhẹ nhàng quá: mục đích của hoạt động thanh tra là giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật... Nếu thanh tra chỉ như thế này thì kết quả có lẽ lại như thời gian qua, chỉ vỗ vai, giúp nhau thôi. Theo tôi, thanh tra phải phát hiện, phòng ngừa, xử lý các vi phạm là chính, chứ không phải là giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cần có quy định ràng buộc để phân biệt thanh tra với công an, kiểm sát, tòa án.

Đặc biệt, tôi thấy nguyên tắc hoạt động thanh tra ở Điều 5 có những nội dung rất khó thực hiện. Ví dụ nguyên tắc không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Tôi nghĩ điều này không thể thực hiện được. Khi đã thanh tra thì chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, thậm chí cản trở hoặc phải tạm đình chỉ chức vụ của một, hai người nào đó để thanh tra. Hoặc nguyên tắc không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với kiểm toán Nhà nước. Động cơ của quy định này là tốt, để thanh tra không làm phiền các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng quy định như thế này cũng rất dễ bị lợi dụng, thành ra một kẽ hở để khóa chân, khóa tay nhau. Khi thanh tra đã định vào rồi thì kiểm toán không vào được nữa và ngược lại, hay thanh tra cấp này đã định vào rồi là cấp khác không vào được nữa. Trong trường hợp này, đáng lẽ phải quy định theo hướng có sự phối hợp hoạt động giữa thanh tra với kiểm toán, giữa thanh tra các cấp với nhau. Về kỹ thuật lập pháp, tôi thấy còn khá nhiều vấn đề phải gia công thêm.

ĐBQH HOÀNG VĂN MINH (NGHỆ AN): Phạm vi quản lý nhà nước đến đâu thì thẩm quyền thanh tra phải tới đó

Tôi nhất trí với quy định ở phương án 1, Điều 4 về tổ chức thanh tra chuyên ngành: không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập mà giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho chính công chức của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực (tổng cục, cục thuộc bộ) trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, ở Khoản 4, Điều 4 lại quy định: một số cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo tôi, không nên quy định nội dung này, bởi như vậy là chúng ta tự mâu thuẫn. Nếu quy định một số cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì sẽ phải xác định cơ quan thanh tra được tổ chức ở những cơ quan nào? Trong khi đó, chúng ta đã thống nhất, thanh tra gắn với hoạt động quản lý Nhà nước; tại các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước thì mới thành lập cơ quan thanh tra theo luật định. Đây là quan điểm xuyên suốt cần được thống nhất, vì nếu không định hình dứt khoát như vậy thì khi thiết kế mô hình tổ chức cơ quan thanh tra dễ xảy ra nhầm lẫn, vướng mắc, tạo sự không nhất quán trong tổ chức hoạt động của thanh tra cũng như không đạt được mục đích là nâng cao địa vị pháp lý và vai trò hoạt động của thanh tra, phát huy hiệu lực, hiệu quả của thanh tra. Cho nên, khi nói đến thành lập các cơ quan thanh tra thì phải gắn với chức năng quản lý nhà nước. Ở các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thanh tra của bộ cũng được tổ chức để đáp ứng được yêu cầu thanh tra đa ngành và đa lĩnh vực. Không nên tuyệt đối hóa giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành vì dù là loại hình thanh tra nào thì bản chất của thanh tra vẫn là bảo đảm việc tuân theo pháp luật; thực thi chính sách, pháp luật được nghiêm chỉnh; bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức đúng luật. Phạm vi quản lý nhà nước đến đâu thì thẩm quyền thanh tra phải tới đó.

ĐBQH TRẦN VĂN ĐỘ (AN GIANG): Không nên đặt vấn đề thanh tra là phát hiện để xử lý vi phạm

Trước hết phải khẳng định thanh tra là một trong những chức năng quản lý Nhà nước. Đã là chức năng quản lý Nhà nước thì nguyên tắc quan trọng nhất của hoạt động quản lý Nhà nước là hành chính, mệnh lệnh, phục tùng. Theo đó, chức năng thanh tra phải được thực hiện ở tất cả các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước, dù cơ quan đó có tổ chức hay không tổ chức cơ quan thanh tra. Việc có thành lập cơ quan thanh tra hay không phụ thuộc vào nội dung cũng như phạm vi quản lý của từng cơ quan quản lý Nhà nước. Vấn đề đặt ra là trong dự thảo Luật có nên quy định tổ chức cơ quan thanh tra ở cấp huyện hay không? Theo tôi là không nên vì để thực hiện mục tiêu cải cách hành chính thì thanh tra cấp huyện nên do các cơ quan của cấp huyện thực hiện. Tương tự như vậy, ở các bộ, ngành, không nên tổ chức cơ quan thanh tra ở cấp tổng cục, cục nữa. Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước thì các bộ, ngành phải tổ chức hoạt động thanh tra.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan thanh tra phải tự chịu trách nhiệm. Tôi không phản đối nhưng cơ quan thanh tra tự chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước; còn người đứng đầu cơ quan Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và trước xã hội về hoạt động trong lĩnh vực quản lý, trong đó có nội dung thanh tra. Như vậy mới rõ ràng, tránh trường hợp lĩnh vực nào có vi phạm, người đứng đầu lĩnh vực gửi trách nhiệm đó cho thanh tra. Thực tế, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước là người quyết định tổ chức thanh tra, kế hoạch thanh tra; là người bổ nhiệm cán bộ thanh tra, thành lập đoàn thanh tra.

Và vì thanh tra là hoạt động quản lý Nhà nước nên mục đích hoạt động của thanh tra là giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện những sai trái, sơ hở trong hoạt động, phòng ngừa vi phạm; không nên đặt vấn đề thanh tra là phát hiện để xử lý vi phạm. Trách nhiệm xử lý các vi phạm pháp luật trước hết phải thuộc về cơ quan tư pháp. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, có thể các cơ quan tư pháp chưa đủ năng lực xử lý tất cả các hành vi vi phạm pháp luật thì một số hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là xử phạt vi phạm hành chính vẫn được giao cho cơ quan hành pháp. Nhưng không nên đặt nặng vấn đề thanh tra là phát hiện để xử lý vi phạm, vì dễ dẫn đến những suy nghĩ, quan niệm sai lệch về hoạt động thanh tra, kiểm tra.

HMT- Theo daibieunhandan.vn  

Các tin khác
Xem tin theo ngày