Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.113.108
Truy cập hiện tại 1.332 khách
Cải cách chính sách để giữ chân công chức
Ngày cập nhật 25/01/2008

"Chất xám từ bộ máy nhà nước chảy ra ngoài ...

"Chất xám từ bộ máy nhà nước chảy ra ngoài là tốt vì như thế chúng ta sẽ thấy mình phải làm gì để họ khỏi ra ngoài". Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói về tình trạng công chức nghỉ làm nhà nước - vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận tại hội nghị triển khai công tác ngành tổ chức nhà nước diễn ra ngày 23-1-2008.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: "Có người trả lương cho những người đó là mừng cho họ nhưng chúng ta phải nghĩ đến mình. Chúng ta phải biết mình làm thế nào để người ta không ra ngoài, còn bảo không cho người ta ra ngoài thì vô lý quá, xã hội không phát triển được".

Công tác trong một ngành có số lượng công chức chiếm 1/3 tổng số công chức cả nước, ông Nguyễn Văn Hiệp (vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính) lo lắng: "Ngày nào chúng tôi cũng nhận được đơn xin nghỉ việc. Năm vừa qua có đơn vị có tới 10% công chức bỏ ra làm bên ngoài". Ông Hiệp cho rằng sự ra đi của công chức là tất yếu vì "bộ trả họ 2 triệu đồng/tháng, còn bên ngoài trả 12 triệu đồng/tháng". Ông Hiệp nói tiếp: "Lần nào Ủy ban Chứng khoán nhà nước ký quyết định cho thành lập công ty chứng khoán cũng phải dặn trước các công ty này không được lấy người của tôi".

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng kinh tế thị trường thì nơi nào trả cao người lao động có quyền đến. Ông Hùng nói: "Bây giờ cứ giữ nhau lại bảo anh phải sống ở đây và chỉ được sống như thế thôi thì không được". Theo ông Hùng, vấn đề là Nhà nước phải cải cách các chế độ chính sách để giữ chân công chức. Ông Hùng cảnh báo: "Đề án tiền lương kỳ này mới đẩy được một bước. Sẽ đến lúc chúng ta bị dồn vào chân tường, không nhảy thì chết. Trong thời buổi kinh tế thị trường, quyền của người lao động là được làm ở nơi có hưởng thụ cao. Thế nên nghị quyết lần này nói phải làm cho công chức có mức sống trung bình khá của xã hội".

Song song với việc tạo ra chính sách giữ chân công chức, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý đến việc nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước. Phó thủ tướng thừa nhận: "Tôi đi nộp thuế nhà đất mà cũng khó lắm, thủ tục phiền hà, phức tạp, phải chờ đợi. Do đó, cải cách hành chính phải làm bài bản hơn".

Bên lề hội nghị triển khai công tác ngành tổ chức nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ TRẦN VĂN TUẤN trao đổi với báo chí về tình trạng cán bộ, công chức xin chuyển ra làm việc ở khu vực tư nhân trong thời gian qua. Để khắc phục tình trạng này, một mặt chúng ta phải tập trung đẩy mạnh chăm lo chính sách, trực tiếp nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức nhà nước để động viên họ ở lại làm việc, mặt khác trong đề án cải cách tiền lương thời gian tới phải giải quyết tích cực.

Theo đó, sẽ tách quĩ lương của khu vực sự nghiệp riêng ra để khu vực này có quyền quyết định nhiệm vụ của mình, quyết định tổ chức bộ máy và quyết định trả lương cho viên chức. Trên cơ sở đó, giáo viên, bác sĩ, những người có đóng góp, có trình độ có thể có điều kiện được trả lương cao hơn, tương xứng với khả năng của họ. Điều đó sẽ động viên đội ngũ công chức ở lại làm việc trong cơ quan nhà nước.

Vấn đề nữa là từ việc phân bổ biên chế theo số lượng, nhiệm vụ, công việc chung của đơn vị thì sẽ xác định vị trí việc làm. Trong một đơn vị, mỗi vị trí việc làm có yêu cầu trình độ, khả năng khác nhau. Phân biệt rõ như vậy để xác định thu nhập của mỗi người, giải quyết tiền lương cho cán bộ, công chức rõ hơn. Cần phải nghiên cứu đến phụ cấp cho một số đối tượng có nhiệm vụ công tác đặc thù như ngành kiểm sát, tòa án, hải quan, thuế, quản lý thị trường, phòng chống tham nhũng, vùng sâu, vùng xa. Phải có phụ cấp để động viên họ yên tâm làm việc.

Hướng chúng ta phấn đấu là lương của công chức đủ sống nhưng sẽ có những lộ trình để từng bước tiến tới chứ không thể trong một thời gian ngắn đáp ứng được. Theo Bộ trưởng đội ngũ công chức cũng hiểu như vậy và chỉ cần đánh giá đúng, có sự phân biệt trong việc sử dụng, đãi ngộ phù hợp thì họ sẽ yên tâm làm việc.

Các tin khác
Xem tin theo ngày