Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.322.535
Truy cập hiện tại 248 khách
Phát huy dân chủ ở cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội
Ngày cập nhật 18/12/2024

TTH - Dân chủ ở cơ sở được phát huy hiệu quả đã góp phần vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao ở các địa phương.

“Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”

Thời điểm cuối năm, về xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc có dịp trò chuyện với nhiều người dân sẽ cảm nhận được sự hồ hởi, vui mừng. Lý do là người dân vừa nhận được thông tin xã đã đạt đủ các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng thông tin, thời điểm cuối năm 2023, xã còn thiếu một số tiêu chí để đạt NTM nâng cao. Sau thời gian tập trung triển khai, hoàn thiện bổ sung, vừa qua, đoàn thẩm định các cấp đã về đánh giá. Theo đó, xã đảm bảo tất cả các tiêu chí để đạt chuẩn NTM nâng cao. Như vậy, ngày Vinh Hưng được công nhận xã NTM nâng cao không còn xa.

Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng khẳng định, để có thể hoàn thành những tiêu chí NTM nâng cao nói riêng và triển khai các giải pháp phát triển KT-XH nói chung của địa phương phải đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân. Để có sự đồng lòng, thống nhất cao trong triển khai các nhiệm vụ, yếu tố dân chủ ở cơ sở được triển khai một cách hiệu quả. Việc đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn; góp ý xây dựng hương ước, quy ước của thôn; huy động sức dân để xây dựng các công trình công cộng, các mức đóng góp từ Nhân dân... đều được Nhân dân bàn và tự quyết định thông qua các cuộc họp của thôn, xóm.

Ông Trần Thương, thôn Trung Hưng, xã Vinh Hưng cho biết, người dân được thông tin đầy đủ hàng tuần về hoạt động thu chi các nguồn phí, lệ phí, các nguồn quỹ vận động từ Nhân dân. Thông qua ban giám sát đầu tư cộng đồng của thôn, người dân có thể giám sát đối với các công trình, tiểu dự án trên địa bàn, các vấn đề có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng do Nhân dân đóng góp.

Theo ông Đỗ Văn Hải, Trưởng thôn Diêm Trường 1, xã Vinh Hưng, quá trình triển khai các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế, xây dựng NTM nâng cao ở thôn thời gian qua được triển khai rất thuận lợi. Gần 1 tỷ đồng được người dân đóng góp để triển khai nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, đầu tư cơ sở vật chất… Quá trình thực hiện, việc áp dụng hiệu quả nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” đã tạo ra hiệu ứng như “vết dầu loang”. Khi người dân nắm rõ kinh phí mình đóng góp được sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch, nên từ một thành viên lan tỏa ra cả gia đình, người thân trong và ngoài nước. Từ đó, các nguồn lực hỗ trợ cho thôn ngày càng lớn hơn.

Công khai, minh bạch

Tháng 10/2024 vừa qua, UBND huyện Phong Điền đã tổ chức lễ công nhận xã Phong An đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với Điền Lộc, Phong An là hai xã đầu tiên ở Phong Điền được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao và từ đầu năm 2025, Phong An sẽ chính thức trở thành phường khi Phong Điền trở thành thị xã.

Lãnh đạo xã Phong An chia sẻ, hiện các tuyến đường trục xã, liên xã, đường liên thôn, đường ngõ, xóm ở xã được cứng hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ tỷ 100%, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,47%. Toàn xã có 8/8 thôn được công nhận đạt chuẩn văn hóa, 5 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2…

Ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An phân tích, xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ có tính chiến lược trong sự nghiệp phát triển KT-XH trên địa bàn xã, được thực hiện trong mối quan hệ mật thiết với nông nghiệp và nông dân; trong đó, người dân là chủ thể của quá trình phát triển. Xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, động viên, hỗ trợ và phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư. Các hoạt động cụ thể ở địa phương do chính người dân bàn bạc quyết định.

“Để phát huy tính dân chủ, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về công tác xây dựng NTM nâng cao theo tinh thần người dân phải là chủ, làm chủ. Việc sử dụng nguồn lực đầu tư vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch”, ông Trần Công Phước khẳng định.

Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, quá trình xây dựng mục tiêu quốc gia về NTM, NTM nâng cao, tiến tới xây dựng các phường trong phát triển Phong Điền thành thị xã gặp không ít khó khăn về nguồn lực. Trước khó khăn đó, hơn 12ha đất các loại được hiến, hàng chục tỷ đồng được đóng góp để xóa nhà tạm, đầu tư cơ sở vật chất… được huy động từ sức dân. Nếu không có sự đồng thuận, thống nhất trong dân thật khó để hoàn thiện các chỉ tiêu. Kinh nghiệm của Phong Điền là cán bộ từ cấp huyện cho đến từng thôn phải sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Mọi việc phải được công khai để người dân nắm bắt, người dân tham gia giám sát.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày