Nền tảng của văn hóa DN
Văn hóa DN đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi một DN, không chỉ thúc đẩy kinh doanh, mà còn là linh hồn, nền tảng gắn kết đội ngũ nhân sự trong thực hiện mục tiêu đóng góp, tạo lợi thế cạnh tranh và thành công bền vững cho DN.
Ông Lê Viết Hải cho hay, văn hóa DN của một công ty là quan điểm, niềm tin, hệ giá trị, là chuẩn mực, thái độ, phong cách, phương thức, hay nói một cách nôm na là cách nghĩ, cách làm chung mà các thành viên trong một DN cùng hiểu rõ, nhất trí và tuân thủ khi tiến hành bất cứ một hoạt động nào trong phạm vi DN.
Theo đó, văn hóa DN sẽ là tài sản quan trọng đáng giá nhất đối với mỗi DN. Cơ sở ban đầu trong hình thành văn hoá DN do người sáng lập xác định dựa trên ước mơ, hoài bão của cá nhân nhưng để phát triển nó cần sự tham gia của cả tập thể thông qua việc thực hành và tạo nên những tính cách riêng của DN. Quá trình hình thành đưa văn hóa DN vào thực tiễn sẽ được tu chỉnh nhằm mô tả cụ thể, chi tiết hơn thông qua tuyên ngôn giá trị, có sự kế thừa bổ sung hoàn thiện và điều chỉnh qua từng giai đoạn phù hợp với sự biến động của môi trường kinh doanh, xu thế phát triển của DN.
Muốn DN được định hình, cần thiết phải soạn thảo mô hình văn hóa DN rõ ràng, cụ thể thông qua: sologan, logo của công ty. Việc nhận dạng thương hiệu cũng phải đầu tư, tính toán để phù hợp và truyền tải được tuyên ngôn giá trị cốt lõi của mô hình văn hóa DN. Ngoài ra, DN cũng cần đầu tư bản sắc thông qua các hoạt động xã hội - từ thiện và các phương tiện giao tiếp trên báo chí truyền thông, mạng xã hội, trang web...Các giá trị cốt lõi DN cần hướng tới trong xây dựng văn hoá DN chính là: Hành xử chính trực, thực thi cam kết, tuân thủ kỷ luật, tích hợp tinh hoa, tích cực sáng tạo và ứng xử văn minh.
Truyền lửa cho mỗi cán bộ, nhân viên
Tại chương trình cà phê doanh nhân, các DN cũng có những trao đổi, thảo luận đa chiều về góc nhìn trong xây dưng văn hoá DN và ứng dụng văn hoá DN trong giải quyết các xung đột nội bộ và các đối tác; xử lý khủng hoảng truyền thông nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích DN, đội ngũ nhân sự và đối tác...
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Công ty CP 3F Việt, văn hóa DN được coi là tài sản tinh thần giúp tạo dựng thương hiệu, bản sắc, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy DN tăng trưởng bền vững. Vấn đề là làm sao để “lan toả” văn hoá DN đến mỗi một đội ngũ nhân sự. Để thực hiện được điều đó, người lãnh đạo cần truyền lửa, truyền cảm hứng cho mỗi một cán bộ, nhân viên từ đó lan toả đến đối tác và khách hàng…
Đồng ý với quan điểm này, ông Lê Viết Hải cũng chia sẻ, để văn hóa DN trở thành chìa khóa phát triển bền vững, DN cần tập trung vào việc lan tỏa và củng cố giá trị văn hóa đó trong mỗi nhân sự. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về giá trị văn hóa DN, giúp nhân viên hiểu rõ tầm quan trọng của các giá trị này trong công việc hàng ngày. Đào tạo có thể được thực hiện dưới dạng hội thảo, khóa học trực tuyến, hoặc các buổi chia sẻ kinh nghiệm từ lãnh đạo. Sử dụng các công cụ truyền thông như bản tin nội bộ, video, infographics, và các nền tảng truyền thông xã hội nội bộ để thường xuyên truyền tải thông điệp về văn hóa DN tạo sự liên kết mạnh mẽ giữa các nhân viên và khẳng định cam kết của DN đối với các giá trị cốt lõi.
Việc tổ chức các sự kiện chung cho toàn thể nhân sự giúp nhân viên gắn kết với nhau và trải nghiệm những giá trị chung, tạo cơ hội để củng cố và lan tỏa văn hóa DN một cách tự nhiên. Tất cả những hoạt động này cần được triển khai thường kỳ để văn hóa DN không chỉ là lý thuyết mà trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi hành động và quyết định của đội ngũ nhân sự.
Tại chương trình lần này, Hiệp hội DN cũng kết nạp thêm 10 DN hội viên.
Theo baothuathienhue.vn