Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.145.867
Truy cập hiện tại 2.812 khách
Cử tri kỳ vọng về những quyết sách “lịch sử”
Ngày cập nhật 21/10/2024

TTH - Chưa bao giờ một kỳ họp Quốc hội được cử tri, Nhân dân Thừa Thiên Huế mong chờ đến thế. Cũng đúng thôi khi trong chương trình nghị sự tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (Kỳ họp), Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận.

Từ mục tiêu lớn…

Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp của Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế, cử tri trên toàn tỉnh đánh giá cao những chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình quốc tế, trong nước có nhiều biến động.

Cùng chung với sự phát triển của đất nước, những chuyển biến tại Thừa Thiên Huế cũng khiến nhiều cử tri phấn khởi. Đặc biệt, mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh nhà đang gần đến đích.

Cử tri Hồ Văn Sự (phường Xuân Phú, TP. Huế) vui mừng khi Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương được trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Theo ông Sự, câu chuyện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của Huế không phải bây giờ mới được nhắc đến nhưng đây là thời điểm “chín muồi” để đạt được mục tiêu. “Nhiều năm trước, chúng tôi cũng đã được biết về mong muốn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh nhà. Nhưng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, mục tiêu đó đã không thể đạt được. Bây giờ, Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp nội dung này nghĩa là Huế đã sắp tiến đến đích. Không chỉ tôi mà người dân nói chung đều mong muốn các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương”, ông Sự chia sẻ.

Bây giờ, Huế “lên” Trung ương đang là niềm mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân toàn tỉnh. Đề án cũng cụ thể hóa các phương hướng phát triển cho từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực.

Ông Lê Văn Hướng (trưởng thôn 10, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) bảo rằng, từ truớc đến nay, đây là kỳ họp Quốc hội được người dân mong chờ và kỳ vọng nhất. “Riêng người dân thôn 10, xã Điền Hòa đang liên tưởng đến việc từ xã lên phường”, ông Hướng nói.

Như lời ông Hướng, Đề án cũng chỉ rõ, huyện Phong Điền sẽ trở thành thị xã, xã Điền Hòa sẽ sáp nhập xã Điền Lộc trở thành phường. “Dù đường làng ngõ xóm hiện đã được bê tông hóa, song người dân mong muốn có nhiều hơn sự đầu tư từ Nhà nước về cơ sở vật chất. Tại thôn 10 có nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, xuống cấp nên người dân hy vọng khi xã trở thành phường thì hệ thống giao thông sẽ hoàn thiện và đồng bộ hơn”, ông Hướng nói.

Mong muốn cải thiện đời sống dân sinh

Ngoài Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương hay và thảo luận các dự thảo luật, nhiều nội dung lớn tại kỳ họp sắp tới cũng được cử tri quan tâm. “Bản thân tôi quan tâm, đồng tình với chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, bởi nếu triển khai, đây là dự án lịch sử, sẽ tạo ra một diện mạo và vị thế mới cho đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tôi cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội tập trung trí tuệ để thảo luận thật kỹ lưỡng chủ trương này”, cử tri Nguyễn Minh Châu (phường An Đông, TP. Huế) nói.

Đối với các vấn đề cụ thể trong đời sống, cử tri Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị những bất cập trong cuộc sống, đặc biệt là về an sinh xã hội đến Quốc hội.

Bà Hồ Thị Linh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TX. Hương Trà kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần quan tâm đến quyền lợi của người lao động về bảo hiểm thất nghiệp khi doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Điều này sẽ giúp người lao động cải thiện cuộc sống cũng như phát triển việc làm mới.

“Được biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận Luật Việc làm (sửa đổi) nên người lao động đang mong muốn có quy định cứng về bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động, tránh trường hợp người sử dụng lao động đóng mức thấp hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ; đồng thời quy định rõ các trường hợp đặc biệt để Chính phủ điều chỉnh mức đóng này. Ngoài ra, người lao động cũng hy vọng được tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% hiện nay lên 70%, tức là bằng lương hưu tối đa nhằm hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi không có việc làm”, bà Linh kiến nghị.

Cử tri Nguyễn Hoài Nam (TP. Huế) lại quan tâm đến các vấn đề cải thiện đời sống cho người dân. Qua đó, giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn. “Vừa qua Chính phủ đã phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo ra sự đồng thuận cao của toàn xã hội, thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Tôi mong muốn Nhà nước có nhiều hơn những chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên ban hành các quy định về bồi thường, tái định cư sát với thực tiễn hơn, để người dân khi bị thu hồi đất có đủ kinh phí xây dựng nhà tại nơi ở mới”, ông Nam mong muốn.

Theo bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đây là kỳ họp quan trọng với rất nhiều nội dung, đối với Thừa Thiên Huế, kỳ họp này mang tính “lịch sử”, bởi Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. “Cử tri toàn tỉnh rất hy vọng Quốc hội sẽ tán thành Đề án của Huế và kiến nghị nhiều vấn đề chính đáng khác. Chúng tôi đã có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri chuyển đến kỳ họp; đồng thời sẽ trình bày một cách hợp lý trong các phiên thảo luận liên quan”, bà Sửu cho biết.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày