Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.166.850
Truy cập hiện tại 3.028 khách
Giúp người học tiếp cận việc làm thuận lợi
Ngày cập nhật 10/08/2024

TTH - Tổ chức các ngày hội việc làm, chủ động hợp tác với các doanh nghiệp để người học có nơi thực tập tốt, xây dựng cổng tuyển dụng trực tuyến... là cách mà Đại học Huế đang triển khai để giúp sinh viên có việc làm thuận lợi hơn sau khi ra trường.

Thuận lợi tiếp cận việc làm

Ngày hội việc làm tại Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế năm 2024 có sự tham gia tuyển dụng của hơn 30 doanh nghiệp. Đã có gần 1.600 vị trí việc làm mới từ doanh nghiệp cho sinh viên ở tất cả ngành nghề đào tạo của nhà trường. Trước đó một năm, tại ngày hội việc làm năm 2023 cũng đã có 37 công ty, doanh nghiệp đến tuyển dụng, với hơn 2.700 vị trí việc làm; trong đó, có 5 doanh nghiệp tuyển dụng với số lượng không giới hạn.

Năm 2024 là năm thứ 11 liên tiếp Trường đại học Nông Lâm  tổ chức ngày hội việc làm. Thông qua hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và sinh viên, đã giúp hàng ngàn sinh viên tìm kiếm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo sau khi ra trường. Ngược lại, cũng giúp các doanh nghiệp tìm được nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển.

Bên cạnh ngày hội việc làm được các trường đại học tổ chức hàng năm vào dịp sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, các trường đã chủ động kết nối với doanh nghiệp để tìm kiếm môi trường thực tập tốt. Vào tháng 7/2024, hàng trăm sinh viên Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế đã tỏa khi khắp các tỉnh thành miền Trung để tham gia thực tập cuối khóa. Trước đó, trường đã kết nối với gần 100 doanh nghiệp để thiết lập môi trường thực tập cho sinh viên. Xa hơn, sẽ là môi trường làm việc sau này, nếu quá trình thực tập sinh viên đáp ứng được các yêu cầu từ phía doanh nghiệp.

Hay như tại Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Sau thời gian 5 tuần thực tập tại Công ty CP Viễn thông FPT Telecom - Chi nhánh Huế, các sinh viên đã hoàn thành xuất sắc kỳ thực tập cuối khóa. Sinh viên đã được học hỏi, trải nghiệm thực tế, làm hành trang cho công việc sau này. Vào cuối đợt thực tập (tháng 7/2024), các thực tập sinh này đã được công ty tuyển dụng thành nhân viên chính thức, sau khi thi đậu qua bài kiểm tra đầu vào.

Tại Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, giải pháp được triển khai nhằm hỗ trợ người học thuận lợi tìm kiếm việc làm là mở cổng thông tin việc làm. Đây là trường đầu tiên triển khai giải pháp này trong Đại học Huế. Việc làm trên cổng thông tin được nhà trường thu thập ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước; các công ty hoạt động ở các lĩnh vực kinh doanh khác nhau... với đa dạng yêu cầu tuyển dụng.

TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế thông tin, trên cổng có rất nhiều mẫu CV (hồ sơ ứng tuyển) xin việc chuyên nghiệp, kết hợp với công cụ tạo CV dựa trên các đặc điểm về ngành nghề. Điều này giúp sinh viên tạo CV, hồ sơ xin việc chuẩn, ấn tượng với nhà tuyển dụng. Không chỉ giúp sinh viên tìm kiếm việc làm, cổng thông tin việc làm còn cho phép doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tạo tài khoản và đăng tin tuyển dụng ngay trên đó. Việc này không những tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm ứng viên, mà còn giúp nhà trường nắm bắt các thông tin hữu ích về nhu cầu thị trường lao động. Các xu hướng lựa chọn ứng viên của doanh nghiệp để điều chỉnh, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo cho phù hợp. 

Hỗ trợ tối đa cho người học

Hàng năm, Đại học Huế đều công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm 2 năm liên tiếp trong đề án tuyển sinh. Tỷ lệ trung bình sinh viên sau khi ra trường có việc làm tại các đơn vị đều đạt tỷ lệ cao trên 80%, có nhiều ngành đạt trên 95%. Không ít ngành tỷ lệ có việc làm đạt đến 100%, như: Ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Nhật tại Trường đại học Ngoại ngữ; ngành quản trị nhân lực, hệ thống thông tin quản lý của Trường đại học Kinh tế; ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống tại Trường Du lịch...

Theo TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế, để sinh viên có việc làm thuận lợi sau khi ra trường, Đại học Huế chủ động đào tạo theo nhu cầu thị trường; cập nhật chương trình giảng dạy thường xuyên, phù hợp với xu hướng và yêu cầu của các doanh nghiệp, mở các ngành đào tạo với phù hợp với nhu cầu thị trường và doanh nghiệp và mở rộng đào tạo các ngành bằng tiếng Anh để phù hợp với xu thế hội nhập.

Nổi bật là triển khai xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement Operate - Lên ý tưởng - Thiết kế - Triển khai vận hành), gắn liền với việc chuẩn hóa đầu ra. Hoàn thiện nội dung chương trình, đảm bảo không gian làm việc kỹ thuật CDIO để tăng cường phương pháp học chủ động, học tích cực, học trải nghiệp. Tăng cường thời gian thực hành và tự học của sinh viên. Tăng cường các hoạt động đào tạo kết hợp với doanh nghiệp với thời gian từ 6 - 9 tháng, để ra trường sinh viên được tuyển dụng sớm.

“Đại học Huế cũng đã chủ động thiết lập mối quan hệ với các công ty để tạo cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên và mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Tổ chức các sự kiện kết nối giữa sinh viên và nhà tuyển dụng, tạo cơ hội cho sinh viên tìm hiểu và ứng tuyển. Cung cấp các khóa học về kỹ năng mềm, như giao tiếp, làm việc nhóm, lãnh đạo và giải quyết vấn đề. Tạo môi trường hỗ trợ cho sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp, cung cấp nguồn lực và hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, Đại học Huế cũng tiến hành cung cấp dịch vụ tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên, giúp các em định hướng đúng và chuẩn bị cho thị trường lao động. Đặc biệt, định hướng nghề nghiệp sớm cho sinh viên ngay từ năm nhất, giúp các em xác định lộ trình rõ ràng, từ kế hoạch học tập cho đến mục tiêu công việc”, TS. Lê Văn Tường Lân chia sẻ.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày