Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.168.494
Truy cập hiện tại 511 khách
Tập trung nguồn lực phát triển vùng dược liệu tại A Lưới
Ngày cập nhật 02/08/2024

TTH - Nhiều loại cây dược liệu đã được nghiên cứu, phát triển sản xuất, trở thành nguyên liệu đầu vào của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một số loại dược liệu có thể xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, có một số cây dược liệu quý phân bố tự nhiên trên địa bàn huyện A Lưới, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Ghé thăm mô hình trồng sâm Bố Chính của gia đình anh Hồ Văn Tú, xã Quảng Nhâm, anh Tú cho biết: Năm 2019, nhờ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện động viên và hướng dẫn, gia đình anh là một trong 12 hộ đầu tiên của xã mạnh dạn triển khai mô hình trồng sâm Bố Chính. “Ban đầu triển khai mô hình, bà con vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa nắm rõ kỹ thuật trồng, nên sản lượng sâm chỉ đạt 50% dự tính. Sau 5 năm triển khai, mô hình trồng sâm từ 2ha ban đầu đã mở rộng thành 5ha. Sản lượng sâm cao, giá bán trung bình từ 70.000 đồng đến 90.000 đồng/kg tùy kích thước sâm, cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác”.

Tại xã Quảng Nhâm, ngoài sâm Bố Chính, mới đây, người dân còn trồng thêm cây cà gai leo - loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh gân xương, phong thấp, giải rượu, bệnh lý về gan. Toàn xã có gần 10ha loại cây dược liệu này với khoảng 25 hộ tham gia.

Anh Hồ Văn Như - Trưởng thôn Pi Ây 1, xã Quảng Nhâm cho biết: Năm 2019, anh đã tận dụng đất vườn để trồng sâm Bố Chính và cà gai leo. Đến đầu năm 2022, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Như mở rộng diện tích trồng thêm 2ha đối với 2 loại cây thảo dược này. “Nhờ nắm được đặc tính cây trồng cũng như đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, sau 4 năm phát triển mô hình trồng sâm và cà gai leo đã cho được kết quả tốt. Nhờ đó, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập...”, anh Như chia sẻ.

Cùng với cây sâm Bố Chính, cây cà gai leo, chính quyền huyện A Lưới đã đưa khoảng 2ha cây gừng gió và thiên niên kiện vào trồng thử nghiệm, với 64 hộ đồng bào DTTS ở xã A Roàng tham gia. Sau gần 3 năm trồng, cây thiên niên kiện và gừng gió phát triển tốt. Đây là tín hiệu đáng mừng, không chỉ mang lại sinh kế cho người dân mà còn là điều kiện giúp địa phương phát triển các loại dược liệu giá trị trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Trên cơ sở báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát của Cục Y dược cổ truyền, Viện Dược liệu và Viện Nông hóa thổ nhưỡng, huyện A Lưới đã ban hành thông báo lựa chọn chủ trì liên kết với quy hoạch tổng diện tích 305ha tại 3 xã: Quảng Nhâm, Hồng Bắc, A Roàng; đồng thời, đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng cho 3 xã. Đến nay, tỉnh đang lấy ý kiến thành viên UBND tỉnh trước khi ký phê duyệt dự án (DA) triển khai thực hiện; dự kiến với tổng diện tích khoảng 215ha, trong đó có 210ha trồng dược liệu (với 5 loại cây chính là thạch tùng răng cưa, thông đỏ lá dài, bảy lá một hoa, gấc) và 5ha xây dựng nhà máy, vườn ươm tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới.

UBND huyện A Lưới đã hướng dẫn các xã vận động người dân tham gia thực hiện DA và đến nay có 3 HTX và 313 người đã đăng ký tham gia trồng cây dược liệu; tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư về lĩnh vực dược liệu để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia.

Việc triển khai được DA đầu tư, hỗ trợ vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện A Lưới có ý nghĩa vô cùng thiết thực, không chỉ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi, mà còn có ý nghĩa với công tác phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện A Lưới nói riêng. DA dược liệu quý là tiền đề phát triển các loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế, giá trị dược liệu cao, bảo tồn nguồn gen dược liệu có nguy cơ bị tuyệt chủng trong các tán rừng tự nhiên.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 203, do Bộ Y tế tổ chức tại Thừa Thiên Huế giữa tháng 5/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Tỉnh đã tập trung, huy động nguồn lực để triển khai có hiệu quả việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và bước đầu đã có những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét. Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 có ý nghĩa quan trọng, giúp tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên những địa bàn khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt là việc tập trung phát triển vùng dược liệu giúp người dân có thêm thu nhập. Từ đó góp phần đưa A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo trên cả nước.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày