Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.170.374
Truy cập hiện tại 1.032 khách
Những lưu ý dành cho học sinh chuẩn bị vào lớp 10
Ngày cập nhật 23/07/2024

TTH - Bước vào cấp trung học phổ thông (THPT), học sinh lớp 10 bước sang giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Vì vậy, các em cần tìm hiểu và có sự chuẩn bị để không gặp khó khăn ngay từ năm đầu cấp.

Vào đầu năm học, các trường THPT căn cứ vào nguồn lực của nhà trường để xây dựng các tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn. Dựa trên nguyện vọng của học sinh, nhà trường xếp lớp học. Tuy nhiên, cái khó của các phụ huynh và học sinh là phải lựa chọn các tổ hợp môn và các chuyên đề học tập sao cho phù hợp để các con theo học suốt 3 năm THPT.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với cấp THPT, ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương, học sinh còn phải chọn lựa 4 môn học từ các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc và 3 chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với sở thích và nguyện vọng của các em.

Tính mở của chương trình GDPT mới cho phép học sinh lựa chọn môn học, nhưng các em lại gặp khó khăn trong việc tư duy lựa chọn sao cho tối ưu nhất. Nhiều em học sinh chuẩn bị vào lớp 10 nhưng vẫn chưa xác định được tổ hợp môn lựa chọn, chưa định hướng được nghề nghiệp tương lai và ngành học phù hợp. Vì vậy, các em thường gặp phải sai lầm khi chọn tổ hợp môn lựa chọn. Nhiều phụ huynh vẫn chưa tìm hiểu chương trình giáo dục mới nên để mặc cho con lựa chọn theo sở thích, hoặc chọn tổ hợp môn nào dễ để học. Một số trường hợp học sinh băn khoăn đi tìm thầy cô xin định hướng giúp, nhiều câu hỏi gắn liền với sự lựa chọn và định hướng nghề nghiệp tương lai, như: “Em định hướng thi khối A, vậy ngoài các môn học bắt buộc em nên chọn tổ hợp môn học lựa chọn nào?”; “Em phải chọn tổ hợp môn nào để có sự lựa chọn đa dạng ngành học?”; “Nếu chọn tổ hợp sai thì có được chọn lại không?”...

Các em cần lưu ý, việc chọn các môn học lựa chọn trước hết phải căn cứ vào định hướng nghề nghiệp tương lai của bản thân các em. Sau đó, tìm hiểu ngành học nào đào tạo ra làm nghề đó, ngành học này xét tuyển hay thi khối nào, môn nào, trên cơ sở đó chọn môn học lựa chọn liên quan. Ví dụ, trường hợp học sinh định hướng nghề tương lai là bác sĩ thì chọn ngành y khoa, các môn thi vào ngành y liên quan là toán, hóa, sinh. Toán là môn bắt buộc, còn lại nên chọn tổ hợp nào có môn hóa, môn sinh và lựa chọn các chuyên đề liên quan đến 3 môn học này là tối ưu nhất.

Việc lựa chọn tổ hợp môn học ngay từ năm học lớp 10 có nhiều điều thuận lợi cho học sinh trong định hướng nghề nghiệp, giúp các em tập trung vào các môn học chuyên sâu phục vụ cho nghề nghiệp sau này. Nhưng nhiều phụ huynh học sinh cũng có những trăn trở, băn khoăn bởi các cháu còn nhỏ chưa nhận thức đầy đủ nên việc lựa chọn nhiều lúc còn mang cảm tính. Việc lựa chọn này nếu các cháu học một học kỳ hay một năm học thấy không phù hợp hoặc thay đổi định hướng nghề nghiệp thì vẫn được thay đổi. Tuy nhiên, học sinh phải cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó, đồng thời cũng gây không ít khó khăn cho nhà trường và thầy cô giáo. Vậy nên, phụ huynh phải cùng con xác định mong muốn và năng lực của con, xác định nghề nghiệp tương lai, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của bản thân con, phân tích ưu điểm và hạn chế của từng tổ hợp môn, xác định hướng khắc phục để đạt mục tiêu đề ra.

Ngoài việc lựa chọn tổ hợp môn học, sau khi đậu vào trường THPT, việc chuẩn bị sách giáo khoa để học cũng là điều mà phụ huynh và học sinh cần quan tâm. Trước khi mua sách giáo khoa, cần tìm hiểu trường học bộ sách nào để chọn mua, sẽ giúp các em thuận lợi hơn trong quá trình học tập. Đồng thời, chuẩn bị trang phục phù hợp và đúng quy định của nhà trường. Điều các em cần lưu ý là phải tìm hiểu kỹ quy định của nhà trường, không nên chạy theo sở thích cá nhân, chuẩn bị sai trang phục, màu sắc, kiểu dáng… sẽ gây khó khăn cho chính các em khi đến trường.

Bước vào cấp THPT, lượng kiến thức khá lớn để chuẩn bị cho thi tốt nghiệp và đại học nên các em cần đổi mới phương pháp học phù hợp. Việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch học tập để đạt được mục tiêu cũng là điều các em cần làm. Vì đây là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, nên việc xác định miền chọn nghề tối ưu của bản thân là điều các em cần quan tâm. Xác định được miền chọn nghề tối ưu đòi hỏi các em phải khám phá bản thân, xem mình có sở thích, hứng thú với nghề nào, có năng lực gì, đồng thời tìm hiểu thị trường lao động và hoàn cảnh gia đình mình… Khi xác định được miền chọn nghề tối ưu sẽ giúp các em có mục tiêu và định hướng rõ ràng hơn.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày