Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.176.481
Truy cập hiện tại 307 khách
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục toàn diện cho trẻ em
Ngày cập nhật 01/06/2024

TTH - Khác nhau về độ tuổi, giới tính, địa bàn sinh sống và có những trải nghiệm, tuổi thơ khác nhau..., nhưng với mỗi trẻ em, được chăm sóc, được yêu thương, được học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh là những điều các em xứng đáng được đón nhận. Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và Tháng hành động Vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” càng nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em là công việc thường xuyên và liên tục, toàn diện và lâu dài.

 

Hướng đến quan tâm toàn diện

Trẻ em là một nhóm người đặc biệt, đang trong quá trình phát triển thể chất và hình thành, hoàn thiện nhân cách. Trẻ em cũng là nhóm dễ bị tổn thương về thể chất và tâm lý. Với khoảng 325.000 trẻ em trên toàn tỉnh, trong đó độ tuổi từ 16 tuổi trở xuống khoảng 293.000 em thì đây là số đối tượng đang cần cả xã hội quan tâm, chia sẻ, chăm sóc, giáo dục về kiến thức, kỹ năng, hành vi tích cực...

Những năm qua, nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí của trẻ em luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện với quyết tâm tạo mọi điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện. Trong đó đẩy mạnh thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với trẻ em, tổ chức nhiều hoạt động, nhân rộng nhiều mô hình tốt về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường việc tiếp cận các nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng cùng chăm lo cho trẻ em.

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục cho trẻ em nói chung và nhất là cho hơn 4.000 trẻ em thuộc 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên toàn tỉnh luôn được Đảng, chính quyền và Nhân dân rất quan tâm và thực hiện bằng nhiều hình thức. Trong năm 2023, hàng nghìn suất học bổng, dụng cụ học tập, xe đạp, chăn ấm... đã được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nhà hảo tâm đã được trao tặng đến những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam ở các địa phương, trẻ em thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi... Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với tổ chức Zhishan Foundation, tổ chức Hue Help ký kết văn bản thỏa thuận triển khai các dự án hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn ủng hộ kinh phí, vật dụng để chăm lo tốt hơn cho các trẻ em đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội và các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng thông qua việc hỗ trợ xây dựng mô hình nâng cao chất lượng cuộc sống, thư viện sách, thiết bị sân chơi cho các trường học, địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong các ngày lễ, tết như tết Nguyên đán, tết Thiếu nhi, tết Trung thu, các em được tham gia vào các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí..., góp phần tạo cho các em có một cuộc sống ngày càng tốt hơn cả về vật chất và tinh thần.

Luôn quan tâm, chăm lo và mang đến cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất, nhân Tháng hành động Vì trẻ em năm 2024 và Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), ngoài lễ phát động hưởng ứng tháng hành động toàn quốc và các hoạt động bên lề do Cục Trẻ em phối hợp với UBND tỉnh tổ chức còn có những sân chơi văn hóa tươi vui, ý nghĩa khác như: Chương trình Ngày hội vui cùng trẻ em với hơn 1.000 em học sinh tham gia và Hội trại hè cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn đang được nuôi dạy tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ trẻ em trên địa bàn tỉnh được diễn ra tại Công viên Lý Tự Trọng - Bia Quốc Học, TP. Huế...

Cần thêm những hoạt động, giải pháp bổ ích

Hiện nay, trẻ em đang đối mặt với nhiều nguy cơ dễ gây tổn hại đến thể chất hoặc tinh thần. Trong đó xuất phát từ nạn bạo hành gia đình, bạo lực giới, nghèo khó, tác động của không gian mạng... Vì thế, để bảo vệ trẻ em, trước hết cần tăng cường vai trò của gia đình, trường học, chính quyền và cộng đồng xã hội trong việc tạo ra các thiết chế, môi trường, điều kiện phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của các em. Đặc biệt, trước tác động của thời đại công nghệ số, các bên cần huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn. Xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh để tăng tính cung cấp, bổ trợ cho các em về kiến, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng.

Ngay việc tổ chức các hoạt động vui chơi có sự tham gia của trẻ em dựa trên tình hình thực tế như tổ chức một số diễn đàn, chương trình tọa đàm, hội nghị... cũng là cách để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng và có hành vi ứng xử tích cực. Việc lấy ý kiến tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản liên quan đến trẻ em sẽ phát huy quyền tham gia và giúp trẻ em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình.

Các bên liên quan cũng cần thúc đẩy việc hướng dẫn, giáo dục cho trẻ em về kỹ năng sống, các kỹ năng tự phòng tránh như: tai nạn thương tích, đuối nước, an toàn giao thông, xâm hại tình dục, bạo hành, mua bán, bắt cóc trẻ em... và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em.

Đường dây nóng Tư vấn và hỗ trợ trẻ em, dịch vụ miễn cước cuộc gọi, phím số 111 - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đang là một trong những kênh dịch vụ bảo vệ trẻ em 24/24 giờ rất hữu hiệu. Kênh Tổng đài 111 giúp mọi người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tư vấn, tham vấn, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, cần tăng cường kết nối, sử dụng, tương tác để kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước, bị bóc lột, lao động sớm...

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày