Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.177.279
Truy cập hiện tại 445 khách
Văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến
Ngày cập nhật 28/05/2024

TTH - Khởi nguồn từ cuộc vận động vào năm 2005, đến năm 2010, Giải thưởng Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành giải thưởng thường niên do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động 5 năm 2 lần. Tại Thừa Thiên Huế, cuộc thi đặc biệt thu hút nhiều văn nghệ sĩ tham gia. Các tác phẩm về Bác chứa đựng tâm huyết của những nghệ sĩ liên tục được tạo ra trên đất Thần kinh, nơi người cha già dân tộc đã gắn bó thuở thiếu thời, thuở thanh niên.

Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã đoạt nhiều giải thưởng về Sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến: Vở kịch “Hồ Chí Minh – Ký ức màu đỏ” của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; Ca khúc “Bóng hình thiêng liêng” của nhạc sĩ Lê Phùng; Vở diễn “Vượt sóng” của Chi hội Sân khấu Thừa Thiên Huế;… hay mới nhất là trường ca “Bác ơi” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Thanh (Học viện Âm nhạc Huế) đoạt giải C giai đoạn 2021 – 2023.

Nói về “Bác ơi”, đây là tác phẩm được Nguyễn Đức Thanh (sinh 1983, Khoa Sáng tác – Chỉ huy – Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc) phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của cố nhà thơ Tố Hữu. Bài hát được viết theo hình thức trường ca bao gồm 6 đoạn, mỗi đoạn có một tính chất âm nhạc khác nhau, được viết ở nhịp điệu và giọng điệu khác nhau tương ứng với tính chất của các đoạn thơ từ nỗi đau xót, tiếc thương khi Bác qua đời; ca ngợi lý tưởng và lẽ sống cao cả cũng như tình yêu thương, sự quảng đại của Người đối với mọi tầng lớp nhân dân; sự quyết tâm, khẳng định ý chí kiên cường bất khuất, một lòng vì lý tưởng Cách mạng…

Đối với văn nghệ sĩ, cảm xúc là điều rất cần thiết nhưng lại không thể “hẹn” trước được. Với nhạc sĩ Đức Thanh, trường ca “Bác ơi” là một tác phẩm được anh ấp ủ khá lâu. “Lúc ấy, mình đơn giản chỉ muốn làm một tác phẩm về Bác Hồ kính yêu chứ không phải vì cuộc thi hay gì cả” - anh chia sẻ. Trong một đêm ngồi bên cây piano tại phòng làm việc, mạch cảm xúc “ập đến”, các nốt nhạc bắt đầu xuất hiện dưới tay anh, giai điệu cứ thế tuôn ra một mạch cho đến hết bài.

Ở các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng vậy, “cảm xúc” về một người, một vật, một sự kiện nào đó mới là yếu tố chính để hình thành nên một tác phẩm. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc Việt Nam, người mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng tôn kính và luôn có tình cảm đặc biệt, chính là chủ đề mang lại nhiều cảm xúc nhất cho những con người yêu nghệ thuật.

Bác Hồ đã dành hết cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc, cho sự đấu tranh, giành lại tự do cho dân tộc Việt Nam vốn bị áp bức, vì sự ấm no hạnh phúc của Nhân dân. Tư tưởng đúng đắn của Người được biểu hiện sinh động qua phong cách, lối sống, là một tấm gương sáng chói cho thế hệ người Việt Nam noi theo, từ đó phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Chính vì thế, Bác luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là những người con Cố đô khi Bác đã gắn bó sâu đậm với vùng đất này.

Họa sĩ Đỗ Văn Lân (sinh 1986), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phụ trách tham mưu quản lý nhà nước trên lĩnh vực Mỹ thuật tại Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết: “Tư tưởng của Hồ Chủ tịch để lại quá sức đồ sộ, to lớn và thấm đẫm tinh hoa nhân loại, chứa đựng sâu sắc các giá trị nhân văn cao đẹp mà không phải ai cũng có điều kiện, có thể tìm hiểu, học tập đầy đủ được”. Anh nhận thức được rằng, cần sáng tác những tác phẩm mỹ thuật về tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và phải khai thác khía cạnh bình dị nhất, đời thường nhất nhưng lại toát lên được tình thương của Bác đối với dân tộc.

Như những con người hoạt động nghệ thuật khác, họa sĩ Đỗ Văn Lân nghiên cứu tư liệu, tìm hiểu kỹ càng từng chi tiết nhỏ về cuộc đời Hồ Chủ tịch. Nhận thấy cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác thường xuyên phải ở trong rừng sâu nước độc, băng rừng lội suối, đồng hành là một chú ngựa, anh tập trung khai thác hình ảnh này, từ đó sáng tác tác phẩm “Tình thương của Bác” bằng chất liệu khắc gỗ màu. Tác phẩm vừa thể hiện sự trân quý, tình cảm của Bác dành cho người bạn đồng hành, giúp Bác trải qua những chặng đường khó khăn gian khổ trong chiến khu Việt Bắc, đồng thời hàm chứa, chuyển tải thông điệp tình thương to lớn của người cha già dân tộc.

Khi Ban Tuyên giáo Trung ương bắt đầu phát động các cuộc thi về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”, các văn nghệ sĩ xứ Huế tham gia đông đảo, nhiệt thành. Nhiều người tạo nên những tác phẩm mới, một số khác thì hoàn thiện những tác phẩm cũ, hay những ý tưởng vốn đã được “nuôi” trong lòng từ lâu. Những tác phẩm của họ thường không hướng đến mục tiêu tham gia các cuộc thi, không vì các giải thưởng mà xuất phát từ tận đáy lòng, từ thứ tình cảm đặc biệt đối với Bác. Các văn nghệ sĩ sinh sống, học tập và lao động trong từng lĩnh vực, hoàn cảnh sẽ có sự học tập, vận dụng khác nhau. Thế nhưng đều có điểm chung là sự yêu quý, kính trọng đối với Bác, và niềm hy vọng những tác phẩm của mình sẽ góp thêm loại hình, một “ngôn ngữ” để truyền tải tư tưởng của Bác đến gần hơn với mọi người. Từ đó, tạo cơ hội để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, có cơ hội tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để văn nghệ sĩ vượt qua chính mình, tìm ra được các điểm mới, góc nhìn mới về cuộc đời, tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày