Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.181.027
Truy cập hiện tại 1.551 khách
Tăng tính thương mại từ nhóm nghiên cứu mạnh
Ngày cập nhật 07/05/2024

TTH - Hoạt động hiệu quả của các nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) đã gia tăng cả chất lượng và số lượng các nghiên cứu vào thực tiễn của Đại học Huế.

Phát huy hiệu quả

Từ năm 2018, Đại học Huế thành lập các nhóm NCM, gồm các nhà khoa học đầu ngành, có mục tiêu nghiên cứu mang tính đột phá trong khoa học công nghệ và cần nhiều thành viên tham gia thực hiện. Các nhóm được tạo tối đa các điều kiện để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, đào tạo nghiên cứu sinh, phát triển các chương trình, dự án chuyên ngành và liên ngành.

Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, Đại học Huế cho biết, từ khi các nhóm NCM đi vào hoạt động, đã có 26 sản phẩm khoa học và công nghệ của Đại học Huế được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp; 5 sản phẩm được thương mại hóa.

Tại Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế có 9 nhóm NCM cấp Đại học Huế được thành lập. Các nghiên cứu của 4 nhóm đã được nghiệm thu có kết quả cao, 3 nhóm đã nghiệm thu hoàn thành đợt 1 và đã ký hợp đồng chu kỳ thứ 2. Ngoài ra, trường này cũng thành lập 8 nhóm NCM cấp trường và đang hoạt động có hiệu quả.

Lãnh đạo Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho biết, các nhóm NCM hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, sở hữu trí tuệ, đào tạo và chuyển giao công nghệ có nguồn thu. Các nhóm NCM cấp trường và cấp Đại học Huế đã xuất bản được 70 bài thuộc danh mục WoS và Scopus (cơ sở dữ liệu lớn nhất hiện nay về tạp chí khoa học), 35 bài báo trong nước, hỗ trợ 15 nghiên cứu sinh, 6 thạc sĩ và các đề tài cấp trường. Ngoài ra, các nhóm còn đăng ký 1 giải pháp hữu ích, chuyển giao 7 hợp đồng tư vấn và 4 quy trình công nghệ, giá trị trên 200 triệu đồng/quy trình. Các nhóm còn hợp tác quốc tế với Trường đại học Sydney (Úc), Đại học Adam Harpers (Anh), Đại học UCL (Anh); Hội đồng Đậu nành Mỹ (USSEC)...

TS. Nguyễn Chí Bảo, Phó Trưởng ban Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, Đại học Huế thông tin, nổi bật của các nhóm NCM có thể kể đến Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 trao cho GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa, Trường đại học Nông Lâm với những nghiên cứu biện pháp phi hóa học để giảm sử dụng phân bón hóa học, giải quyết vấn đề an toàn nông sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng; giải thưởng khoa học L’Oréal - UNESCO năm 2023 của PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, với nghiên cứu khoa học hướng đến khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh từ cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Chí Bảo, nhóm NCM không phải như thực hiện một đề tài nghiên cứu cụ thể, hoạt động của nhóm có mục tiêu, định hướng nghiên cứu về lĩnh vực chuyên sâu. Các giải thưởng trên là tập hợp nhiều kết quả mà các nhà khoa học đạt được về nghiên cứu khoa học thời gian qua; trong đó, có sự hỗ trợ từ nhóm nghiên cứu. Điều này để nói sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học để nâng tầm cho các nghiên cứu.

Tăng thương mại hóa

Ông Vũ Tấn Phát, giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, người sáng lập Công ty CP Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ TECHTRA cho rằng, khi tự đại học trở thành tất yếu thì cơ sở nào cũng phải tìm giải pháp để tăng nguồn thu. Với nghiên cứu khoa học, đây là lĩnh vực mà khi triển khai tốt sẽ là hướng tăng thu nhập quan trọng, hơn các nguồn thu khác. Mỗi năm, chỉ cần 1-2 nghiên cứu khoa học có giá trị chuyển giao, thương mại hóa thành công, sẽ giải quyết được bài toán về kinh tế. Tại Đại học Huế các nhóm NCM hoạt động rất hiệu quả. Vì vậy, nên tập trung đầu tư hơn nữa để có những nghiên cứu thật sự có giá trị.

Khách quan để đánh giá, hiện nay số lượng nghiên cứu được chuyển giao công nghệ, thương mại hóa trong Đại học Huế còn rất hạn chế. Sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà trường và doanh nghiệp chưa phát huy được hiệu quả trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Chưa khai thác được tài sản trí tuệ từ các văn bằng đã được cấp...

TS. Nguyễn Chí Bảo cho rằng, hiện nay, những pháp lý trong nghiên cứu khoa học và chuyển  giao, thương mại hóa vẫn đang còn bị vướng mắc. Chưa có hướng dẫn chi tiết về việc hướng dẫn thành lập doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học. Về chủ quan thì nhiều giảng viên, nhà khoa học còn chú trọng vào nghiên cứu, chưa đầu tư về yếu tố chuyển giao, hay thương mại hóa.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh, mục tiêu thành lập các nhóm NCM là nâng tầm, tăng chất lượng, lẫn số lượng các nghiên cứu khoa học. Vì vậy, các nhóm sẽ phát huy vai trò hơn nữa trong thời gian đến, nhất là khi Đại học Huế xây dựng thành Đại học Quốc gia. Song song với đó thì cần phát huy vai trò của tổ chức trung gian hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm. Nghiên cứu mô hình hoạt động, chức năng của doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo đại học. Thúc đẩy và tăng cường phê duyệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có cam kết chuyển giao thương mại hóa sản phẩm có nguồn thu...

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày