Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.180.883
Truy cập hiện tại 1.509 khách
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị chỉ huy tối cao Chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày cập nhật 07/05/2024

TTH - Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà chiến lược quân sự thiên tài. Người không chỉ sớm hoạch định đường lối đúng đắn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn thường xuyên cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta trực tiếp chỉ đạo và tham gia duyệt kế hoạch nhiều chiến dịch lớn, làm nên những chiến công vang dội mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn - vị lãnh tụ tối cao của chiến dịch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch tác chiến và chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã từng đúc kết: “... Dù Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ diễn ra gần 2 tháng, nhưng vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được nhìn nhận trong toàn bộ cuộc kháng chiến mà Người đóng vai trò là “linh hồn” và người chỉ huy cao nhất”; “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”. Con người ấy không chỉ “dám đánh” mà còn làm cho cả dân tộc “biết đánh” và “biết thắng””.

Bước sang đầu những năm 1953, cục diện chiến tranh ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương đã chuyển biến mạnh mẽ, có lợi hơn cho quân và dân Việt Nam, Lào và Campuchia, bất lợi cho Pháp và can thiệp Mỹ. Trước tình hình đó, vào mùa hè 1953, Chính phủ Pháp triệu hồi tướng Raul Salan về nước và cử Henri Navarre sang làm chỉ huy các lực lượng quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Chỉ sau một thời gian ngắn sang Đông Dương, tướng Nava đã cho ra đời một bản kế hoạch quân sự mới quy mô lớn với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành được một thắng lợi quyết định về quân sự để làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có “danh dự” cho Pháp.

Trước tình hình đó, tháng 10/1953, tại lán Tỉn Keo, dưới sự chủ trì Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp bàn kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nhấn mạnh nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến là: Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, chọn nơi địch sơ hở, tương đối yếu mà đánh, giữ vững thế chủ động, kiên quyết tiến công, buộc địch phải phân tán lực lượng.

Để từng bước làm thất bại kế hoạch Navarre, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Địch tập trung quân cơ động để tạo sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng. Theo tư tưởng chỉ đạo ấy, ta đã nghiên cứu kế hoạch Đông Xuân, cho những bộ phận chủ lực của ta tiến về 5 hướng chiến lược nhằm những nơi hiểm yếu và tương đối yếu của địch, chọn hướng chính là Lai Châu ở Tây Bắc.

Tháng 11/1953, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho quân ta tiến lên Tây Bắc. Cùng với hướng chính là Tây Bắc, quân ta cũng tiến đánh Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào. Do đó, quân Pháp buộc phải phân tán lực lượng để giữ Tây Bắc (ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ), Thượng Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và đồng bằng Bắc Bộ. Tháng 12/1953, Navarre tăng cường thêm 3 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn pháo binh để xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh. Đây là một cứ điểm bổ sung ngoài dự kiến của Navarre.

Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị thông qua phương án mở Chiến dịch Điện Biên Phủ của Tổng quân ủy. Trong cuộc họp quan trọng này, Người cùng Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.

Trên cương vị là người chỉ huy tối cao, trong thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12/1953, Người quán triệt: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được”.

Đầu tháng 1/1954, trước khi lên đường ra chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và xin ý kiến Người. Bác hỏi “Chú ra mặt trận lần này có khó khăn gì không?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Chỉ khó khăn là xa hậu phương nên khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết thì khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”.

Bác nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Người cặn dặn: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Chính nhờ sự tin tưởng tuyệt đối của Bác đối với mình mà Đại tướng đã có một “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời cầm quân, đó là quyết định chuyển từ phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” ngay trước giờ mở màn Chiến dịch. Đây là một quyết định sáng suốt, thể hiện tài thao lược quân sự, phù hợp với thực tế diễn biến chiến dịch và chính là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến thắng lợi cuối cùng.

Trong suốt thời gian diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 13/3 đến 7/5/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt tới tình hình chiến sự. Người tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà trên khắp các mặt trận nhằm phục vụ cho thắng lợi Điện Biên Phủ. Để khắc phục những khó khăn, trở ngại, bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời ra nghị quyết, chỉ rõ: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Đồng thời, Người dõi theo từng bước chân của cán bộ, chiến sĩ, dân công ngoài mặt trận, dõi theo từng chiến công của bộ đội ta để động viên, khen thưởng kịp thời. Tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành động lực lớn lao giúp toàn quân ta anh dũng chiến đấu, không quản ngại hy sinh, gian khổ, đóng góp sức người, sức của, lập nhiều chiến công xuất sắc, để giành thắng lợi cuối cùng.

Được sự chỉ đạo sát sao, sự động viên, cổ vũ kịp thời của Trung ương Đảng và Bác Hồ, trải qua “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non; gan không núng; chí không mòn”, ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên nóc hầm De Castries, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà quân sự thiên tài, vị chỉ huy tối cao đã góp phần to lớn cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ việc hoạch định đường lối chung đến chỉ đạo từng trận đánh. Người đã truyền cho các chiến sĩ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua khó khăn hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày