Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.185.650
Truy cập hiện tại 1.609 khách
Kết nối di sản
Ngày cập nhật 21/04/2024

TTH - Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Trên thế giới, du lịch đường sắt là một trong những loại hình được nhiều du khách yêu thích vì thuận tiện và có cơ hội ngắm cảnh trên đường di chuyển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, loại hình du lịch này đứng trước nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng và khả năng cạnh trạnh còn hạn chế. Do vậy, muốn cạnh tranh sòng phẳng với các loại hình vận tải khác, đường sắt cần phải thay đổi.

Vấn đề nằm ở chỗ, để phát triển du lịch, ngành đường sắt cần phải kết hợp với các loại hình giao thông khác. Ngoài ra, với mức độ phát triển như hiện nay, thời gian, thiết bị lẫn chất lượng dịch vụ dường như chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các dòng khách hạng sang.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài tận dụng các ưu điểm sẵn có, chắc chắn phải cải tiến các toa tàu, chất lượng dịch vụ, chất lượng ăn uống, bên cạnh đó là sự đầu tư về công tác quảng bá.

Vậy, chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” có gì mà lãnh đạo Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đều có chung suy nghĩ, cho rằng đây là một sản phẩm du lịch tiềm năng, góp phần kết nối du lịch hai địa phương?

Thực tế hiện nay, ngoài đường tàu hỏa quốc gia kết nối thông qua ga Huế và ga Đà Nẵng, giao thông giữa TP. Đà Nẵng và Huế đã kết nối bằng hai đường bộ gồm: Quốc lộ 1A đi qua hầm Hải Vân (và một nhánh đi qua đèo Hải Vân) và tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Viện Nghiên cứu và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất kỹ lưỡng trong quá trình thực hiện Đề án triển khai đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng bằng cách khảo sát, phân tích về lưu lượng giao thông giữa hai địa phương.

Kết quả, việc đưa vào vận hành chuyến tàu này sẽ giảm áp lực lên đường bộ. Đặc biệt, sẽ phục vụ được khách du lịch đi lại, vừa kết nối được các vùng đất di sản miền Trung; thúc đẩy du lịch phát triển cùng kết nối với các điểm đến, các chương trình, sự kiện của TP. Huế và TP. Đà Nẵng cũng như trải nghiệm cung đường sắt Huế - Đà Nẵng và cung đường đèo Hải Vân - một trong những cung đường đẹp nhất Việt Nam.

Đề án này hướng đến xây dựng tour du lịch đặc sắc dựa trên nền tảng giao thông và chuyển đổi số, tạo sự liên kết giữa sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng tàu hỏa, xe đạp, xe điện, xe xích lô, taxi điện,… phù hợp với xu hướng phát triển du lịch gắn với năng lượng bền vững. Tạo tiền đề với định hướng hiện đại hóa ngành đường sắt Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, kết nối con đường di sản miền Trung cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Tùy vào quá trình vận hành, những giải pháp trong đề án sẽ được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Đây không phải là lần đầu tiên chuyến tàu di sản được triển khai. Năm 2016, Công ty Du lịch Huetourist từng phối hợp với Chi nhánh Vận tải đường sắt tại Huế khai trương Toa tàu du lịch “Di sản miền Trung”. Sau khi đến Đà Nẵng, Huetourist còn tổ chức dịch vụ trung chuyển khách đi tham quan di sản ở Hội An. Tuy nhiên, con đường kết nối các di sản Trung Bộ đã không như mong đợi.

Căn cứ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được công bố, đề án này phù hợp với quan điểm phát triển của tỉnh. Đó là, tổ chức không gian phát triển theo hướng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng…

Đối với phương án phát triển giao thông, đề án cũng phù hợp với phương án “Quy hoạch tuyến đường sắt đô thị kết nối các địa phương, đặc biệt tuyến Huế - Đà Nẵng kết nối hai thành phố, là cơ sở để phát triển các hoạt động kinh tế: Du lịch, dịch vụ, giải trí, thương mại, công nghiệp, logistics”.

Định hướng là phù hợp, song việc triển khai cần bài bản và đúng lộ trình, bởi theo chính khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 5 năm qua, người dân/khách du lịch đi tàu khá thấp. Thậm chí, một số hành khách còn chưa sử dụng dịch vụ tàu hỏa lần nào. Ngoài ra, hành khách chú trọng quan tâm đến các dịch vụ trên tàu phải đảm bảo cho khách du lịch (vệ sinh/ăn uống/y tế/dịch vụ tăng thêm khác...); các nhà ga cần nâng cấp để thuận lợi trong việc chờ tàu, gửi vali, mang hành lý lên tàu, các dịch vụ phục vụ hành khách khác; giờ tàu được cam kết đúng theo công bố; nhân viên phục vụ trên tàu chuyên nghiệp; trang trí tàu theo hướng tích hợp dịch vụ và có không gian ngắm cảnh, ít ghế ngồi hơn kết hợp với việc tổ chức các dịch vụ khác trên tàu. Một vấn đề quan trọng nữa đó là cần nâng cao sự hấp dẫn của điểm đến, thu hút nhiều đơn vị lữ hành cùng chung tay.

Các chuyên gia đánh giá, Huế đang nằm trong chuỗi di sản của miền Trung, việc tận dung lợi thế, tạo tính kết nối là điều quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển. Chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” có thể sẽ là điểm nhấn để góp phần hình thành nên “Con đường di sản miền Trung” nếu như mô hình này đủ hấp lực với du khách, doanh nghiệp và người dân.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày