Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.103.700
Truy cập hiện tại 733 khách
Thống nhất thủ tục hành chính
Ngày cập nhật 27/10/2008

Sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền nếu thống nhất thủ tục hành chính trên cả nước? Câu trả lời từ ông Ngô Hải Phan, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ thuộc Văn phòng Chính phủ, là khoảng 12.000 -30.000 tỉ đồng/năm. Một con số rất lớn.

Cụ thể hơn, ông Phan nhận định khi hệ thống thủ tục hành chính được thống nhất và được công khai thực hiện tại các cơ quan quản lý nhà nước, sẽ giảm ít nhất 40% thời gian và công sức của người dân và doanh nghiệp (DN). Con số 12.000 - 30.000 tỉ đồng chính là số tiền tiết kiệm được từ đó.

Thủ tục hành chính đang là rào cản lớn đối với người dân và DN, gây tổn thất và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Công tác cải cách thủ tục hành chính dù được xem trọng trong thời gian qua, song sự cải thiện chỉ có mức độ. Nhiều DN và chuyên gia cho rằng cải cách thủ tục hành chính hiệu quả nhất chính là xác định số lượng thủ tục cần thiết và loại bỏ những thủ tục rườm rà, giấy phép con gây phiền hà cho người dân và DN.

Đầu năm 2008 Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 30 (ra đời trên cơ sở Quyết định 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý của Nhà nước trong giai đoạn 2007-2010). Mục tiêu của Đề án 30 là hỗ trợ thực hiện thành công kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm (giai đoạn 2006-2010), tuân thủ các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả và có hiệu suất cao, góp phần phòng chống tham nhũng và lãng phí thông qua việc đơn giản hóa, loại bớt các thủ tục hành chính rườm rà, cắt giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và DN.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, công việc trọng tâm của Đề án 30 chính là kiểm đếm tất cả các thủ tục hành chính được ban hành trong thời gian qua có liên quan đến người dân và DN. Sau đó sẽ loại bớt những thủ tục không cần thiết và thống nhất thành một hệ thủ tục cho từng công việc. Ví dụ, khi xin phép thành lập DN, người dân phải đáp ứng bao nhiêu loại giấy tờ, chứng chỉ... và trong thời gian bao lâu; hoặc khi xin cấp hộ khẩu phải có bao nhiêu chứng từ người dân phải cung cấp cho chính quyền địa phương... Hệ thống thủ tục này trong giai đoạn tiếp theo sẽ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và các địa phương thống nhất áp dụng. "Việc làm này sẽ chấm dứt tình trạng một quốc gia nhiều hệ thống thủ tục hành chính, đôi khi chồng chéo và gây lãng phí cho người dân", ông Mẫn nói.

Một vấn đề nữa là hệ thống hóa thủ tục hành chính quốc gia sẽ giải quyết được sự rườm rà trong quy định, nhưng có chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu làm tiền ở các công chức biến chất? Các DN cho rằng song song với công tác hệ thống hóa thủ tục hành chính, cần công khai xử phạt khi công chức nhà nước sai phạm. Những người này phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân và DN về những thiệt hại do sự nhũng nhiễu, các quyết định sai trái của mình.

HMT- theo Báo Thanh niên

Các tin khác
Xem tin theo ngày