Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.104.974
Truy cập hiện tại 1.067 khách
100 quận, huyện sẽ không còn HĐND
Ngày cập nhật 10/10/2008
 Chính phủ đã trình Thường vụ Quốc hội đề án cho phép thí điểm bỏ HĐND ở 100 quận, huyện và 483 xã, phường của 10 tỉnh thành. Nếu được Quốc hội thông qua, việc thí điểm sẽ áp dụng từ tháng 4/2009.
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, có 10 tỉnh thành thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường như Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hà Nội không nằm trong danh sách này.
Chính phủ đề xuất hai phương án, một là chuyển tất cả nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, huyện lên HĐND và UBND cấp trên. Hai là một số nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển lên cấp trên, còn lại chuyển giao cho UBND cùng cấp.
Về bố trí lãnh đạo của UBND quận, huyện, phường, nơi bỏ HĐND, ông Tuấn cho biết UBND cùng cấp sẽ đề xuất để UBND cấp trên trực tiếp quyết định. Chủ tịch UBND cấp trên sẽ bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch UBND cấp dưới.
Quy định hiện hành là chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên UBND do HĐND cùng cấp bầu và được UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị thí điểm tổ chức dân bầu chủ tịch UBND xã ở 385 xã thuộc 39 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội và TP HCM.
Theo đề án thí điểm, người ứng cử chủ tịch xã không đòi hỏi phải là đảng viên, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu: tuổi từ 21 đến 50, xã miền núi khó khăn có thể nới rộng độ tuổi lên 55; trình độ ĐH (đối với đô thị) và trung cấp (đối với nông thôn) và là người cư trú tại địa phương nơi ứng cử, trừ trường hợp do cấp trên cử xuống ứng cử.
Quy trình tổ chức bầu chủ tịch xã gần giống với việc bầu đại biểu HĐND, tức là Mặt trận tổ quốc xã sẽ tổ chức hiệp thương, chốt danh sách người ứng cử để dân bầu. Nguyên tắc là phải có 2 ứng cử viên. Chủ tịch xã sẽ bị xem xét bãi nhiệm khi có 1/3 cử tri nơi ứng cử kiến nghị bằng văn bản.
Chính phủ đề nghị thời gian thực hiện đề án thí điểm bắt đầu từ 25/4/2009, tức vừa kết thúc nhiệm kỳ HĐND các cấp 2004-2009 và kéo dài đến quý III năm 2011.
Ủy ban Pháp luật Quốc hội đồng tình với chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã, song cho rằng phạm vi thí điểm quá rộng và băn khoăn về cơ sở pháp lý của việc này.  
"Bỏ HĐND quận, huyện. phường là không phù hợp với Hiến pháp và Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp. Do đó có ý kiến phải sửa Hiến pháp ngay tại kỳ họp tới. Thực tế, Quốc hội đã hai lần sửa Hiến pháp ngay tại một kỳ họp", ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Ông Thuận cho biết, trong Ủy ban Pháp luật cũng có ý kiến đồng tình thí điểm ngay, chưa cần sửa Hiến pháp bởi Quốc hội đã có tiền lệ về việc này, như khi ban hành Luật doanh nghiệp (năm 1990) về cho phép sở hữu tư nhân, nhưng phải đến năm 1992 mới sửa Hiến pháp.
Chủ nhiệm Thuận cho rằng đã bỏ HĐND quận, huyện, phường thì bỏ luôn nhiệm vụ, quyền hạn của nó, không chuyển giao cho cấp trên hay cơ quan cùng cấp.
Ủng hộ đề án, nhưng Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên băn khoăn về việc thí điểm dân bầu chủ tịch xã. "Việc này không đơn giản, phải tính đến tâm lý cục bộ của thôn làng ấp bản và dòng họ. Hiện vẫn có nhiều xã chịu ảnh hưởng của tâm lý này nên lãnh đạo xã đều là người của thôn đông người", ông Tuyên nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền có chung lo lắng: "Tâm lý cục bộ làng xã đang có xu hướng gia tăng. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này để khi thiết kế quy trình tổ chức bầu cử phải làm sao hạn chế được nó".
Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, Ban soạn thảo chưa đưa ra được mô hình thay thế hợp lý khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. "Mô hình đó phải thể hiện được chính quyền là của dân, do dân và vì dân, đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, giảm tầng lớp trung gian", ông Phước nói.
Đề án thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ tư, dự kiến khai mạc giữa tháng 10.
Các tin khác
Xem tin theo ngày