Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.016.782
Truy cập hiện tại 8.109 khách
Học tập tư tưởng lấy dân làm gốc của Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 18/02/2021

“Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc” là triết lý chính trị của mọi thời đại nhưng đã được Hồ Chí Minh luận giải một cách khoa học và phát triển lên một tầm cao mới.

 

Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới mà còn là nhà tư tưởng lớn với những chân lý đã được kiểm chứng bởi thực tiễn. Điều nổi bật và cũng là bí quyết thành công của Hồ Chí Minh với tư cách nhà tư tưởng và thủ lĩnh chính trị nằm ở chỗ: Người đã thấu hiểu vai trò của dân, thực sự trọng dân, biết phát huy vai trò của dân và hết lòng vì dân. Trong 35 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành sự nghiệp Đổi mới với tinh thần “đổi mới là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân”. Cho dù chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ như ngày hôm nay nhưng cơ hội và thách thức đang đặt ra cho cách mạng Việt Nam đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức và hành động đúng tinh thần “Lấy dân làm gốc” để phát huy cao độ tiềm lực trong dân, đưa đất nước tiến lên.

“NƯỚC LẤY DÂN LÀM GỐC”

“Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc” là tư tưởng và phương châm hành động của các bậc hiền minh từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Trên tinh thần kế thừa và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng “Lấy dân làm gốc” lên một tầm cao mới. Tư tưởng của Người vừa có sự chung đúc với tiền nhân, vừa có nét độc đáo, sáng tạo. Đáng chú ý nhất là một số quan điểm sau đây.

Thứ nhất, Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm mới về quần chúng nhân dân. Nói đến dân là nói đến những người đứng ngoài bộ máy cai trị, chịu tác động từ chính sách của nhà cầm quyền. Nếu trong quan niệm của giai cấp phong kiến, dân chỉ là “thần dân”, “thảo dân”, tức tầng lớp “bị trị” thấp hèn thì đối với Hồ Chí Minh, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1). Quan niệm về nhân dân của Hồ Chí Minh có điểm khác biệt so với chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu Lênin nhấn mạnh tính giai cấp khi coi “quần chúng là đa số, và hơn thế nữa chẳng những đa số công nhân, mà là đa số những người bị bóc lột”(2) thì Hồ Chí Minh nhấn mạnh tính dân tộc khi định nghĩa: “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước khác”(3). Việc mở rộng nội hàm “Nhân dân” của Hồ Chí Minh hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của xã hội Việt Nam. Mặt khác, quan niệm của Người về nhân dân cũng khác biệt so với ông cha khi Người đứng trên lập trường của giai cấp công nhân để khẳng định “công - nông là gốc của cách mạng”.

Thứ haiHồ Chí Minh luận giải một cách khoa học “vì sao dân là gốc của nước”. Dân là “gốc” của nước bởi “lực lượng của dân rất to”, rất đông, rất mạnh. Dân là “gốc” của nước bởi “dân rất tốt”, trong mỗi người dân đều có phẩm chất cao quý nhất là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Dân là “gốc” của nước còn bởi “dân rất thông minh”, biết “giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(4). Chính của cải, sức mạnh, đạo đức, tài năng, lòng tin của dân đã tạo nên “cái gốc” của nước. Nhận thức sâu sắc về cái “gốc” đó, Hồ Chí Minh đúc kết: “Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững, cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(5). Như vậy, lòng dân chính là “vận nước”.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Hà Bắc

Thứ baHồ Chí Minh khẳng định vai trò của dân trong sự nghiệp cách mạng và vị thế của dân trong chế độ mới. Nếu giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản coi nhân dân chỉ là động lực, phương tiện cần huy động cho các cuộc đấu tranh thì Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân là chủ thể và là mục tiêu của cách mạng. Người nhấn mạnh: Làm cách mạng phải dựa vào dân nhưng làm cách mạng để mang lại hạnh phúc cho dân.

Người còn nâng quan điểm “Dân vi bản” và truyền thống “thân dân” thành quan điểm “dân là chủ và làm chủ”. Người khẳng định: Trong chế độ dân chủ, nhân dân mới là chủ sở hữu mọi quyền lực. Nếu cụm từ “Dân là chủ” nói đến địa vị cao nhất của dân trong xã hội thì cụm từ “Dân làm chủ” nói đến trách nhiệm và nghĩa vụ làm chủ của dân. Sự nghiệp cách mạng không chỉ của dân mà còn do dân; cho nên, bản thân quần chúng nhân dân phải có đạo đức và trách nhiệm công dân.

Mặt khác, khi dân đã là chủ thì tất cả cán bộ, kể cả Chủ tịch nước, đều là đầy tớ của dân. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ vai trò “kép” của mình: Vừa là người đầy tớ trung thành, vừa là người lãnh đạo sáng suốt nhưng “lãnh đạo là làm đày tớ cho nhân dân và phải làm cho tốt”(6).

Thứ tư, Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên phải gần dân, trọng dân, học dân, thật thà trước dân và yêu dân. Dân tộc Việt Nam đã tồn tại hàng ngàn năm nhưng Đảng thì mới ra đời vào năm 1930. Điều đó có nghĩa là “lòng dân” có trước “ý Đảng”. Dân là “gốc” của nước, là cội nguồn sức mạnh của Đảng nên muốn lãnh đạo dân, Đảng phải gần dân, lắng nghe dân, thấu hiểu dân để đề ra chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Coi xa dân, quan liêu là những căn bệnh lớn nhất của đảng cầm quyền nên Hồ Chí Minh đã viết: “Đề nghị các vị Bộ trưởng nên luyện cho mình đôi chân hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ, không nên chỉ ngồi bàn giấy, theo kiểu “đạo nhân phòng thủ”(7). Không chỉ nhấn mạnh phương thức hoạt động của Đảng là “phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(8), Người còn cảnh báo: Nếu xa cách dân chúng thì nhất định thất bại. Sự “gần dân” trong quan niệm của Hồ Chí Minh không chỉ là gần về khoảng cách địa lý, tức là cán bộ phải bám sát cơ sở mà còn phải “gần” về lối sống, mức sống, thậm chí là cán bộ, đảng viên phải có tinh thần “tiên ưu hậu lạc”. Chỉ như thế nhân dân mới thấy đây là người đại diện của mình và cán bộ cũng mới hiểu rõ dân sinh, dân ý, dân tình.

Dân là “gốc” của nước nên Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hành văn hóa trọng dân, trước hết là tôn trọng ý nguyện và quyền làm chủ của dân. Người căn dặn “ý dân là ý trời”, dân muốn gì ta phải làm nấy. Sự tín nhiệm của dân luôn thể hiện chính xác năng lực, phẩm chất của cán bộ nên Đảng phải tôn trọng đánh giá của dân về từng cán bộ để làm tốt công tác tổ chức.

Ai “không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm trò dân mới làm được thầy học dân”(9) – Hồ Chí Minh

 

 

Do lực lượng của dân rất đông, trí tuệ của dân là vô tận nên cán bộ, đảng viên phải thực sự cầu thị, khiêm tốn, học hỏi dân chúng. Dân chính là người chịu tác động của mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên việc xây dựng đường lối phải dựa trên ý nguyện của dân, tuyệt đối không được chủ quan, duy ý chí; nếu “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì đề nghị họ sửa chữa”(10).

Trong công tác lãnh đạo dân chúng, nếu cán bộ “có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình”(11). Sự thành thực của cán bộ không chỉ làm dân thông cảm, tin yêu mà còn là cơ sở để Đảng khắc phục hạn chế, ngày càng trưởng thành hơn. Mọi tình cảm bền vững phải dựa trên nguyên tắc 2 chiều nên Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ là, “chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Thứ năm, cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực sự dựa vào dân để vì dân. “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” vì vậy, cho dù Đảng Cộng sản là lực lượng dẫn đường nhưng “những người cộng sản chỉ là một giọt nước trong đại dương, một giọt nước trong đại dương nhân dân”(12). Muốn thực hiện bất cứ chiến lược nào, Đảng đều phải bàn bạc với dân, dựa vào dân, huy động sức mạnh trong nhân dân.

Không chỉ dựa vào dân, quan trọng hơn là Hồ Chí Minh đã coi lợi ích của dân là mục tiêu của cách mạng, lý tưởng của Đảng. Người nói rõ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(13). Vì dân là “gốc” nên việc gì có lợi cho dân dù nhỏ nhất vẫn phải làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ nhất cũng phải tránh. “Dân dĩ thực vi thiên”, khi trở thành Đảng cầm quyền, tất cả đường lối, phương châm, chính sách của Đảng đều phải nhằm vào mục tiêu nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành.

“Lấy dân làm gốc” là sợi chỉ đỏ trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Sức thuyết phục của tư tưởng không chỉ xuất phát từ tính khoa học, cách mạng, nhân văn được thể hiện trong từng luận điểm mà còn được đảm bảo bằng cuộc đời trọn vẹn vì nước, vì dân của Người.

 

 

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG “LẤY DÂN LÀM GỐC”

Từ sự trưởng thành trong tư duy lý luận và sự kiểm chứng trên thực tế, các Đại hội Đảng trong thời kỳ Đổi mới đều khẳng định bài học: Đổi mới phải luôn quán triệt tư tưởng “Lấy dân làm gốc”; phải thực sự dựa vào dân, vì lợi ích của dân. Đảng muốn đồng hành và lãnh đạo dân thì Đảng phải tin vào dân và quan trọng hơn là phải được dân tin.

Tuy nhiên, phải thắng thắn thừa nhận thực tế, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên vẫn chỉ biết vun vén, thậm chí vơ vét cho bản thân mà thờ ơ, vô cảm trước dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sơ vẫn còn nhiều hạn chế; phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chủ yếu mới dừng ở “dân làm”. Căn bệnh độc đoán, chuyên quyền, dân chủ hình thức còn ở đâu đó… Những khuyết điểm trên đã làm ảnh hưởng tới lòng tin của dân vào Đảng và chế độ.

Do đó, thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh về “Lấy dân làm gốc” để khôi phục lại lòng tin của dân, là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh không phải chỉ là nhắc lại những câu nói mang tầm chân lý của Người mà là nghĩ sâu, nhìn thẳng và làm tốt một số việc sau đây.

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức, thấm nhuần bài học “Lấy dân làm gốc” một cách sâu sắc nhất để vì dân một cách thiết thực nhất. Khi giải quyết công việc, cán bộ phải luôn tận tâm, nhiệt tình, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, phải tránh thói “miệng nói dân chủ nhưng làm theo lối “quan chủ””.

Hai là, phải hoàn thiện thể chế, cơ chế để đảm bảo quyền làm chủ của dân trên thực tế. Theo Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, nguyên tắc “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” được bổ sung thêm nội dung “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Điều này hoàn toàn đúng nhưng quan trọng hơn là phải nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc đó bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Tôn trọng lợi ích của dân thì trước khi ban hành pháp luật, chính sách, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của nó đến đời sống nhân dân, phải thăm dò dư luận, đẩy mạnh việc đối thoại với dân - những người chịu tác động của chính sách ban hành.

Ba là, cán bộ phải lắng nghe dân và mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước phải hướng tới việc bảo vệ quyền lợi của dân. Cho dù không phải mọi ý kiến của dân đều xác đáng, nhưng đúng như Hồ Chí Minh đã nói, “nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích”(14).

Điều quan trọng nhất để có được lòng tin của dân chính là: Toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước phải xuất phát và hướng tới lợi ích của dân. Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, cơ sở để tạo ra sự gắn kết giữa “lòng dân” và “ý Đảng” chính là mục tiêu giải phóng dân tộc. Trong thời bình, cơ sở quan trọng nhất để tạo dựng niềm tin của dân vào Đảng chính là lợi ích của dân. Đây không phải là sự ban ơn mà là trách nhiệm, là hành động đúng quy luật của Đảng. Nếu không mang lại lợi ích cho dân thì có nói bao nhiêu về dân chủ cũng đều vô nghĩa.

Bốn là, phải tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, “lợi ích nhóm”. “Lấy dân làm gốc” thì phải huy động nhân dân vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cho dù hình thức dân chủ trực tiếp ngày càng được chú trọng nhưng dân chủ đại diện vẫn là một phương thức cơ bản để hiện thực hóa quyền làm chủ của dân.

Muốn được dân tin yêu thì người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu về mọi mặt. Đặc biệt, phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố tích cực mới có chỗ đứng, giống như muốn lúa tốt, phải nhổ sạch cỏ. Vì thế, biểu hiện rõ nhất, tập trung nhất của tư tưởng “lấy dân làm gốc” hiện nay chính là nói “không”với tham nhũng và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, triệt tiêu“lợi ích nhóm.

Mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm “tiếp nhiệt” cho “lò” chống tham nhũng rực cháy.

Thực hiện tư tưởng “Lấy dân làm gốc” thì còn phải phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết trong dân, xây dựng “thế trận lòng dân” trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Phải làm tốt công tác dân vận để huy động tối đa “tài dân, sức dân, của dân để mưu cầu hạnh phúc cho dân”.

Cổ nhân từng đúc kết: “Dân vi bang bản thiên niên sách/ Công tại nhân tâm vạn cổ trường”( Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm/ Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn đời). Kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử đều bắt nguồn từ sự thực hành tư tưởng “Lấy dân làm gốc” của các bậc anh minh, trong đó có Hồ Chí Minh. Sinh ra từ dân, sống và hoạt động trong lòng dân, luôn tin tưởng và biết phát huy sức mạnh vô tận của dân để vì dân, Hồ Chí Minh trở thành tượng đài bất tử trong tình yêu của nhân dân. Bí quyết thành công của Người chính là bài học sâu sắc mà hậu thế phải noi theo./.

PGS. TS. Trần Thị Minh Tuyết

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

___________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.10, tr.453.

(2) V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, M, 1976, t.44, tr.38.

(3)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.264.

(4) (5) (8) (10) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.335, 501-502, 330, 337 - 338, 289.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.292.

(7) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, t.10, tr.131.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.432.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr.177.

(12) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t.45, tr.117.

(14)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.421.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày