Món mứt thời thơ ấu
Cuốn sách giới thiệu cách thực hiện gần 30 món mứt truyền thống cho ngày tết cổ truyền của gia đình Việt Nam mang đặc trưng xứ Huế như: Mứt gừng, mứt vỏ cam, mứt bí, mứt củ sen, mứt kim quất…
Món mứt chùm ruột gợi nhớ về thời ấu thơ
Để viết được “Hoài niệm mứt Tết”, tác giả Nguyễn Thị Phiên đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, học hỏi và tìm ra công thức cho những món ăn ngon của xứ Huế. Đặc biệt là món mứt - món ăn không thể thiếu trong những ngày tết của người Việt Nam. Từ đó, bà đã truyền lại cho con gái là Đỗ Thị Phương Nhi, đồng tác giả của tác phẩm này. Hai mẹ con cũng từng cho ra mắt sách “Món ngon xứ Huế” và dành được nhiều cảm tình từ độc giả.
Mỗi món mứt, hai tác giả đã “dặn dò” thật kỹ lưỡng trước khi thực hiện, nêu rõ những nguyên liệu cần thiết, cách thực hiện, yêu cầu thành phẩm và không quên chia sẻ những bí quyết để món mứt trông ngon và bắt mắt hơn.
Tôi đặc biệt ấn tượng và thích thú với món mứt chùm ruột ngào đường được hai tác giả chia sẻ trong tác phẩm. Một thứ quả nhỏ, vỏ có màu xanh nhưng khi chế biến thành mứt thì chuyển sang màu đỏ, hoà quyện với đường trông thật hấp dẫn và đẹp mắt.
Món mứt này làm tôi nhớ đến những ngày thơ ấu, sau khi tan học, tôi vẫn thường xin mẹ mua cho hai nghìn tiền mứt chùm ruột ngào đường bán ngoài cổng trường. Thời ấy, cứ nhìn thấy những món ăn có màu sắc hấp dẫn thì chẳng có ai mà từ chối được. Vị của nó ngon, mềm và ngọt dịu khiến tôi khó mà quên.
“Để làm được một mẻ mứt rất công phu, từ khâu chọn mua nguyên liệu sao cho ngon, đẹp, đến khâu sơ chế phải đúng thời gian, đúng quy cách và cuối cùng khâu khó nhất là hoàn thành một mẻ mứt. Biết bao kỹ thuật ẩn chứa trong đó mà chỉ khi tự tay làm mới hiểu được. Bên cạnh đó, để một mẻ mứt ngon được ra lò, thì cần phải có những bí quyết riêng…”, tác giả Đỗ Thị Phương Nhi bày tỏ.
Hoài niệm
Không chỉ hướng dẫn công thức làm các loại mứt, tác phẩm còn là sợi dây kết nối giữa “thời ấy” và bây giờ. Mỗi món mứt là một cảm xúc riêng mỗi khi thực hiện của tác giả. Và chính những câu chuyện được chia sẻ trong tác phẩm cũng đã làm tôi nhớ về hình ảnh quây quần, sum họp của gia đình vào những ngày tết thời ấu thơ.
Trong cuốn “Hoài niệm mứt tết”, tác giả Nguyễn Thị Phiên có viết: “Tôi nhớ những ngày cận tết ở Huế. Trời vẫn còn lạnh, mưa phùn không ngớt. Mạ đã chuẩn bị cho chúng tôi những hũ mứt gừng, mứt vỏ cam sành, vừa giữ ấm vừa làm món tráng miệng tốt cho tiêu hóa. Lúc ấy, còn một hơi ấm khác luôn tỏa ra từ gian bếp, hơi ấm của những chảo mứt đã bắt đầu đỏ lửa từ đầu tháng Chạp cho kịp tết”.
“Tôi vẫn nhớ cái mùi từ những chảo “sên” mứt ấy, có lúc là mùi cay nồng của gừng, có lúc là mùi thơm ngát của trái thơm, có lúc thoang thoảng mùi thanh mát của kim quất, có lúc lại là mùi khói từ những bếp than. Mỗi khi nhớ về những kí ức ấy, tôi bất giác lại cay cay nơi sống mũi, dẫu chẳng có bếp than nào đang nổi lửa lúc này”.
Đối với tác giả, những món mứt mạ làm đã ăn sâu vào tiềm thức, vào tâm trí của mình nên chỉ cần nhớ lại những hình ảnh cũ hay tự tay mình tạo ra những món mứt, hình ảnh về mạ, về gia đình đầm ấm, thân thương lại hiện về. Tôi nhận ra, điều tác giả muốn nhắn nhủ là dù có đi đâu, làm gì thì nơi mà chúng ta luôn nghĩ về đầu tiên và luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất đó không ai khác ngoài gia đình.
Trích đoạn trong “Mạ làm mứt Tết”: “Tôi thờ thẫn nhìn lại gian bếp, nhớ lại căn bếp nhỏ xưa sao ấm cúng lạ thường. Những ngày cuối thu, giàn kệ tre, đầy ắp những trái bí đao xanh mướt, phủ lớp vôi mỏng trắng xóa, như bụi phấn. Cạnh đó những rổ khoai lang màu đó tía, láng mịn. Nổi trội nhất là rổ cà rốt, màu gạch tươi bóng mượt, làm gian bếp thêm phần rực rỡ. Ghè màu nâu đen chứa nước vôi trong, nằm im lìm một góc.
Cảnh làm mứt tết vui vẻ, hạnh phúc đong đầy của mỗi gia đình, in sâu và ẩn hiện mãi trong tâm trí của tôi. Thông qua tác phẩm, hai tác giả mong muốn chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay nên dành một chút thời gian để làm mứt tết, hay những món ăn ngon để con em chúng ta có kí ức đẹp về tình yêu thương, sự đầm ấm của gia đình...
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế