Những nghĩa cử ấm áp
Trở về đời thường sau những năm tháng cống hiến cho Tổ quốc, nhiều cựu chiến binh thị xã Hương Trà có đời sống khó khăn. Sức lao động giảm sút khiến nỗi lo cuộc sống đời thường càng thêm chồng chất. Đặc biệt, với những Mẹ Việt Nam Anh hùng, ngoài cống hiến tuổi thanh xuân, nhiều người thân của họ đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước. Tháng 7, không chỉ nhắc nhớ về lịch sử hào hùng mà còn là dịp tri ân, sẻ chia những tấm lòng.
Cuối tháng 6 vừa qua, trong dịp Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghé thăm, ánh mắt của Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Nghé (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) không giấu được xúc động. Chiến tranh, mất mát và đau thương là điều khó có thể quên trong lòng người mẹ có những đứa con là liệt sĩ. Nhưng nỗi đau ấy giờ đây phần nào được nguôi ngoai khi các cấp chính quyền thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà động viên Mẹ trong cuộc sống đời thường, đặc biệt vào những dịp lễ lớn. “Nhận được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, tôi không biết nói gì hơn, cảm ơn các cấp các ngành đã thường xuyên quan tâm”, Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Nghé bộc bạch.
Thống kê của Phòng Lao động- Thương binh Xã hội (LĐTBXH) thị xã Hương Trà, địa phương này có 905 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, hơn 1.500 gia đình đang thờ cúng liệt sĩ; 257 Mẹ Việt Nam Anh hùng. “Để thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, hàng năm vào các dịp lễ, tết, chúng tôi tham mưu cho UBND thị xã đi thăm, tặng quà của Chủ tịch nước, của lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo thị xã và các tổ chức hội đoàn thể, cá nhân. Khoảng 4.835 suất quà với số tiền hơn 1 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, nhất là thăm, tặng quà và động viên các thương, bệnh binh, gia đình chính sách tiêu biểu và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn” ông Hoàng Tú Nam – Phó Trưởng phòng LĐTBXH thị xã Hương Trà cho biết.
Chăm lo đời sống người có công
Xác định công tác chăm lo chính sách cho người có công là cách củng cố niềm tin của đối tượng chính sách và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước với cấp ủy và chính quyền địa phương, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã Hương Trà đã đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tuyên truyền chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Tại phường Hương Xuân, một trong những điểm sáng của phong trào này, đã hoàn thành 31 hồ sơ đề nghị trao tặng và truy tặng danh hiệu cao quý của Nhà nước Mẹ Việt Nam Anh hùng; hoàn thành 225 hồ sơ đề nghị trợ cấp thờ cúng liệt sĩ hàng năm; 13 trường hợp được xét tặng Huân chương Độc lập. Ngoài ra, chính quyền địa phương phối hợp với các cấp hỗ trợ 63 trường hợp xây dựng, sửa chữa nhà ở, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Phường Hương Xuân giải quyết những tồn đọng về hồ sơ công nhận liệt sĩ; xã Hương Toàn hàng năm vận động rất nhiều suất quà đến với những đối tượng có công cách mạng… “Ngoài những phần quà của Trung ương hàng năm, tỉnh, địa phương cũng trích ngân sách để thăm tặng quà cho các đối tượng người có công, đặc biệt quỹ đền ơn đáp nghĩa, khó khăn hộ nghèo nên gia đình có công mức sống tăng dần”, Chủ tịch UBND phường Hương Xuân Trần Lưu Đức thông tin.
Theo ông Hoàng Tú Nam, Phó Trưởng phòng LĐTBXH thị xã Hương Trà, điểm nhấn công tác “đền ơn đáp nghĩa” tại địa phương này gần đây chính là công trình xây dựng nhà lưu niệm cho 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng tại phường Hương Vân và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ chào mừng Đại hội Đảng bộ thị xã Hương Trà vừa qua.
“Trong các hoạt động kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020), chúng tôi tổ chức, phối hợp trao tặng khoảng 3.409 suất quà, số tiền trên 650 triệu đồng cho các đối tượng chính sách. Mặc dù còn gặp một số khó khăn, song chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách cấp xã, phường theo quy định, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, động viên, khuyến khích các hộ gia đình chính sách nỗ lực vươn lên trong lao động, sản xuất”, ông Hoàng Tú Nam nói.
Thị xã Hương Trà đang quản lý 12 Nghĩa trang liệt sĩ, hơn 2.400 ngôi mộ, có 3 công trình Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ, 5 Bia chiến tích; 905 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, hơn 1.504 gia đình đang thờ cúng liệt sĩ; 257 Mẹ Việt Nam Anh hùng được công nhận (hiện còn sống 4 Mẹ được một số cơ quan nhận chăm sóc, phụng dưỡng).
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế