Nghịch cảnh
Cứ mỗi buổi sáng, cô giáo Hồ Thị Hoài Nhân lại cùng mẹ thức dậy từ sớm để chuẩn bị đến trường. Hai năm trở lại đây, việc di chuyển dần trở nên khó khăn do tay chân có triệu chứng rung giật, việc đưa đón cô đều do người nhà đảm nhận. “Mình tự giác đến sớm hơn để mở cửa, vệ sinh phòng học vì đồng nghiệp cùng lớp đỡ đần giúp mình nhiều phần việc khác trong quá trình dạy học”, cô Nhân chia sẻ.
Gần đến giờ học, số lượng các cháu đến lớp ngày càng đông. Do hạn chế di chuyển nên cô Nhân đảm nhận công tác điểm danh và ổn định chỗ ngồi cho các cháu. Thấy cô bận rộn, tôi lặng lẽ ngồi quan sát. Cô là một giáo viên hoạt bát, yêu trẻ và giảng dạy nhẹ nhàng, giúp trẻ dễ tiếp thu. Tuy gặp khó khăn trong di chuyển nhưng đa phần các công việc dạy trẻ đều được cô hoàn thành tốt, như sinh hoạt tập thể, chơi các trò chơi, kể chuyện… hay chăm lo bữa ăn cho các cháu.
Đến giờ nghỉ trưa, cô Nhân mới có chút thời gian rảnh rỗi để trò chuyện. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về cô là dáng vẻ nhỏ nhắn nhưng toát lên nguồn năng lượng sống tràn trề. Thoạt nhìn sẽ không thể nào biết được cô giáo trẻ với tuổi đời chưa đầy 30 lại đang mang trong mình căn bệnh quái ác.
Bình thản kể về biến cố ập đến trong cuộc đời mình, cô giáo Hoài Nhân với 5 năm giảng dạy khiến nhiều người khâm phục. “Năm 2016, khi tôi dạy tại trường được hơn 1 năm cũng là lúc phát hiện bản thân bị bệnh. Ban đầu bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Parkinson, nhưng một thời gian sau, bệnh tình ngày càng phức tạp nên khuyên tôi chuyển qua bệnh viện tuyến trên để làm những xét nghiệm chuyên sâu. Tại đây, tôi được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng cột bên teo cơ. Lúc ấy, tôi cảm thấy hụt hẫng, bế tắc và tuyệt vọng. Đó là giai đoạn khó khăn nhất”, cô Hoài Nhân bộc bạch.
Cô Hoài Nhân chia sẻ, mẹ chính là động lực để bản thân chiến đấu với bệnh tật, cố gắng đứng vững. Năm trước, bố cô mất vì mắc bệnh hiểm nghèo; hai chị gái cũng qua đời vài năm trước đây vì căn bệnh tương tự như cô. Giờ đây, hai mẹ con sống nương tựa vào nhau; người anh trai đã lập gia đình sống gần đó cũng thường xuyên thăm hỏi, đỡ đần công việc cho mẹ và em gái.
“Hứa với lòng phải thật mạnh mẽ để luôn là chỗ dựa vững chắc cho mẹ, nhưng tôi biết, mẹ đã cố giấu sự lo lắng, nỗi đau để tiếp thêm tinh thần cho con gái. Suốt mấy năm trời, hai mẹ con tôi chạy qua chạy lại nhiều bệnh viện với niềm hy vọng, bệnh tình thuyên giảm đi phần nào”, cô Hoài Nhân xúc động.
Quan trọng là thái độ sống
Cũng từ lúc học cách đối mặt, chấp nhận bệnh tật, cô giáo trẻ ấy bắt đầu đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu cho cuộc đời. Với công việc ở trường, cô Hoài Nhân nỗ lực làm quen với việc dạy các cháu trong tình trạng di chuyển khó khăn. Trừ việc đưa các cháu ra sinh hoạt ngoài trời, hiện cô đã có thể đảm đương tốt mọi công việc.
Hơn một năm trở lại đây, tình trạng bệnh của cô Hoài Nhân ngày càng biến chứng nặng hơn, phát sinh thêm bệnh gout và suy thận giai đoạn 2. Mới mấy tháng trước đây, không đêm nào cô có thể ngủ ngon giấc, di chuyển hàng ngày phải có người dìu.
“Ban đầu tôi cũng lo lắm, sợ rằng bệnh tình trở nặng thì khó có thể đảm đương công việc, không có cơ hội gắn bó với trường, với lớp và các cháu nhỏ. Nhờ mẹ và đồng nghiệp động viên, tôi xốc lại tinh thần, kiên trì điều trị và tập di chuyển tại nhà”, cô Hoài Nhân bộc bạch.
Ông trời không bạc đãi ai bao giờ, những ngày gần đây, chúng tôi có dịp gặp lại cô giáo Hoài Nhân. Hiện bệnh tình của cô đã thuyên giảm nhiều, đã có thể tự bước đi chập chững mà không cần người hỗ trợ. Nhìn gương mặt sáng ngời với thái độ sống lạc quan, chúng tôi biết, cô đã thật sự “chiến thắng” được bệnh tật. Ở cô giáo trẻ toát lên nguồn năng lượng tràn đầy, khiến người đối diện tin rằng, niềm tin, ý chí bản thân là sức mạnh “vô hình” giúp con người có thể vượt qua mọi nghịch cảnh.
Là đồng nghiệp dạy cùng lớp với cô Hoài Nhân hơn 3 năm, cô giáo Võ Thị Xoèn kể, bản thân chị tình nguyện xin đứng lớp cùng cô Hoài Nhân để hỗ trợ đồng nghiệp. Tuy mắc bệnh nặng, nhưng cô Hoài Nhân luôn có tinh thần tự giác, nỗ lực đảm đương các công việc vừa sức. Đó là đức tính khiến cô được nhiều đồng nghiệp yêu quý.
Cô Trương Thị Rê, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Nguyễn Viết Phong đánh giá, Hoài Nhân là một cô giáo yêu nghề, yêu trẻ. Hơn 5 năm công tác tại trường, cô luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, Ban Giám hiệu nhà trường chưa ghi nhận bất cứ phản ánh hay phàn nàn nào về cô Hoài Nhân; nhiều phụ huynh còn sẵn sàng cảm thông, chia sẻ cũng như động viên cô.
“Trước hoàn cảnh kém may mắn của cô Hoài Nhân, nhà trường đã ưu tiên sắp xếp cô đảm nhận lớp có các cháu từ 5 đến 6 tuổi và tạo điều kiện về thời gian để cô khám, chữa bệnh. Vừa qua, tập thể giáo viên các trường mầm non trên địa bàn thị xã đã quyên góp số tiền hơn 20 triệu đồng hỗ trợ cô Hoài Nhân để có thêm kinh phí khám, chữa bệnh”, cô Trương Thị Rê cho biết.
Thông qua chương trình “Điều ước đoàn viên”, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm giúp đỡ cô giáo Hồ Thị Hoài Nhân. Đến nay, Phòng khám Đa khoa Nguyễn Quang Hợp (TP. Huế) cam kết hỗ trợ miễn phí cho cô Hoài Nhân khám, chữa bệnh; một ngân hàng cũng trao sổ tiết kiệm 5 triệu đồng, góp phần chia sẻ kinh phí sinh hoạt, khám, chữa bệnh cho cô giáo Nhân.
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế