Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.107.486
Truy cập hiện tại 79 khách
Sẽ trợ cấp cho cán bộ công chức có mức lương thấp
Ngày cập nhật 02/09/2008

Đó là kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp với các bộ, ngành đánh giá việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh lạm phát hiện nay.

Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, tính toán và phân loại đối tượng hỗ trợ, chu kỳ hỗ trợ, xác định tổng nguồn cho vay theo khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước. Trước mắt, Chính phủ sẽ triển khai thực hiện khoản trợ cấp cho các đối tượng khó khăn do giá cả và lạm phát tăng cao.

Trong số các giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội mà Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận, là giao Bộ Nội vụ ngay trong tháng 9 này sẽ trình Thủ tướng ban hành Quyết định về trợ cấp cho cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước có mức lương thấp, đời sống khó khăn. Đây cũng là điều mà thời gian qua dư luận hết sức quan tâm.

Được biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ về việc trợ cấp cho số cán bộ, công chức hưởng lương gặp nhiều khó khăn trong điều kiện lạm phát tăng cao.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, tháng 1-2008, lương tối thiểu chung đã tăng lên 540.000 đồng/tháng, là mức tăng nhanh hơn so với Đề án cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên do chỉ số giá tăng nhanh hơn, đặc biệt là tình hình lạm phát từ đầu năm đến nay khiến đời sống của cán bộ công chức và người lao động gặp rất nhiều khó khăn.

Chính phủ cũng sẽ bổ sung cơ chế, chính sách trợ cấp đối với các đối tượng mới có khó khăn do mất việc làm, thu nhập thấp, người về hưu; các chính sách trợ giúp nhân dân các vùng bị ảnh hưởng nặng nề do lũ, lụt; tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ KH-ĐT rà soát, cân đối, bố trí vốn cho các chương trình, dự án an sinh xã hội, có tính tới yếu tố trượt giá, tính toàn nguồn vốn để bố trí ngân sách, trong đó đặc biệt là chương trình cho vay học sinh, sinh viên, đào tạo lao động nông thôn, chương trình 134, chương trình 135, xóa nhà tạm, chính sách đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên về địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tài chính được giao bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành trái phiếu, nhưng không bán lẻ mà tổ chức đấu giá trên sàn giao dịch. Ngân hàng này cũng sẽ được Chính phủ xem xét cân đối, bố trí bổ sung vốn điều lệ tăng dần theo tỷ lệ tăng thêm các chương trình phục vụ an sinh xã hội. Đồng thời có cơ chế xử lý nợ rủi ro cho phù hợp với hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Để các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ và hoàn thiện, Bộ LĐTB-XH cũng sẽ trình Chính phủ ban hành các Nghị định điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công (thực hiện trước trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương); điều chỉnh mức lương tối thiểu trong các doanh nghiệp. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán, xác định chuẩn nghèo mới phù hợp với tình hình lạm phát, có tính tới tác động đối với các chính sách an sinh xã hội, trình Thủ tướng quyết định.

Bộ này cũng được giao chủ trì điều tra, nghiên cứu hiệu quả, sự tác động của các chính sách an sinh xã hội, tính toán nhu cầu về nguồn vốn để bảo đảm thực thi các chính sách an sinh một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Dân tộc chủ động trong việc nắm bắt tình hình và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nghiên cứu trình Thủ tướng việc nâng mức hỗ trợ của các chương trình an sinh xã hội liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số (các chương trình 134, 135) do có biến động về giá.

Quan điểm của Chính phủ là không đặt lại việc tính toán số lượng hộ khó khăn mới, mà tập trung giải quyết dứt điểm trong 2 năm số hộ khó khăn đã được điều tra, tính toán từ năm 2007.

Sau cuộc họp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận bảo đảm an sinh xã hội là một chủ trương quan trọng thể hiện sự ưu việt của xã hội chủ nghĩa, được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng yêu cầu đặt ra hiện nay là phải gắn chính sách tiền lương với các chính sách an sinh xã hội, thực hiện việc rà soát, bổ sung đầy đủ các chính sách, chương trình phục vụ an sinh xã hội, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan để tập trung thực hiện sớm các chính sách, chương trình đã được phê duyệt nhằm hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn giá cả tăng cao.

                                                                                HMT-Theo Báo Điện tử ĐCSVN

Các tin khác
Xem tin theo ngày